Lâm nghiệp bền vững, sinh kế bền vững…
Trong nhiều thế kỷ, ngành lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia Phần Lan. Chính vì thế, các nguồn tài nguyên rừng của Phần Lan đã từng bị thu nhỏ tới mức báo động vì rừng đã bị chặt phá qúa nhiều bởi hoạt động thâm canh cho sản xuất nông nghiệp, hoạt động đóng tàu, chặt cây lấy củi đốt.
Năm 1886, Luật Lâm nghiệp đầu tiên được thông qua ở nước này đã cấm tàn phá rừng. Theo đó, việc chặt cây bị cấm cho đến khi cây đủ tuổi khai thác; đồng thời, trong vòng 5 năm kể từ khi rừng cây bị chặt, một rừng cây mới để thay thế phải được trồng lại. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, khái niệm nền lâm nghiệp tuần hoàn, bền vững đã bắt đầu manh nha ở Phần Lan. Từ những năm 1920, người dân Phần Lan đã nhận thức và ưu tiên tái chế giấy thải – một trong những sản phẩm từ cây lấy gỗ.
Tuy nhiên chỉ đến những năm 1990, chính sách lâm nghiệp của Phần Lan mới được cải cách một cách toàn diện nhằm đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, phát triển xã hội bền vững cùng với sản xuất gỗ bền vững. Kể từ những năm 2000, hơn 60% lượng giấy thải bỏ ở Phần Lan được thu hồi và tái chế hàng năm.
Khai thác gỗ là một trong những hoạt động quan trọng bậc nhất của nền công nghiệp rừng. Đặc biệt ở nước này, lâm nghiệp hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất. Có khoảng hơn một nửa diện tích rừng ở Phần Lan thuộc về sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của các cá nhân và hộ gia đình. Nhà nước chỉ sở hữu 25% đất rừng, các doanh nghiệp tư nhân sở hữu 10% và các thành phần khác sở hữu 5%. Rừng của nhà nước chủ yếu tập trung ở phía Bắc của Phần Lan và 45% diện tích rừng này nằm trong diện được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ở Phần Lan, việc bắt đầu chặt cây để cải tạo cũng bị cấm cho đến khi gỗ đủ tuổi khai thác. |
Ngành công nghiệp rừng đảm bảo sinh kế cho hơn 50 thành phố và thị trấn ở Phần Lan, chiếm hơn một phần ba doanh thu xuất khẩu của toàn quốc gia. Tính đến năm 2010, có khoảng gần 1 triệu chủ rừng ở Phần Lan, tương đương với một phần năm dân số nước này. Số lượng phụ nữ là chủ rừng cũng ngày càng gia tăng. Các chủ sở hữu sử dụng rừng với nhiều mục đích như khai thác gỗ phục vụ sản xuất và xuất khẩu, hoặc để giải trí hoặc đầu tư.
Nhằm đảm bảo nền công nghiệp rừng đi theo đúng định hướng của quốc gia, có khoảng 250 Hiệp hội Quản lý rừng phân bố trên mọi miền đất nước, nhằm cung cấp cho chủ rừng các dịch vụ tư vấn liên quan đến quản lý và khai thác rừng. Sứ mệnh của các Hiệp hội này được pháp luật quy định là thúc đẩy lâm nghiệp hộ gia đình phát triển, trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững về nền kinh tế, hệ sinh thái và sự phát triển xã hội. Nhờ đó, các chủ rừng có thể dễ dàng tiếp cận với sự hỗ trợ pháp lý và kinh nghiệm từ các chuyên gia về việc quản lý và sử dụng rừng của mình hiệu quả hơn.
Chống chọi với biến đổi khí hậu
Dân số thế giới và Việt Nam ngày một tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu gia tăng về nhà ở, cơ sở hạ tầng. Chính quá trình đô thị hoá, bê tông hoá các công trình tự nhiên diễn ra quá nhanh chóng, ồ ạt đã góp phần khiến diễn biến khí hậu trên toàn cầu ngày càng trở nên khó lường. Năm 2020 là một ví dụ điển hình khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Còn tại Việt Nam, thiên tai diễn ra khốc liệt và bất thường ngay từ những ngày đầu tiên của năm vừa qua.
Trước những thách thức về ứng phó biến đổi khí hậu, giới chức trách và giới chuyên môn ở Phần Lan đã thực hiện giải pháp bảo tồn rừng và khai thác gỗ bền vững, hướng tới sử dụng gỗ như một nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng tái tạo. Về mặt sinh thái, gỗ là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, khi đốt cháy không gây ra nhiều khí thải độc hại như các loại nguyên liệu khác. Khí các-bon thải ra khi đốt gỗ sẽ được hấp thụ bởi rừng cây. Sử dụng gỗ làm chất đốt cũng giúp các nước hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Tro và chất dinh dưỡng từ gỗ có thể được trả lại cho rừng để tái tạo hệ sinh thái.
Mục tiêu Liên minh Châu Âu là đến năm 2020, một phần năm nguồn năng lượng sử dụng ở các nước thành viên là từ các nguồn tái tạo. Một trong những công cụ quan trọng để Phần Lan đạt được mục tiêu này là Chương trình Lâm nghiệp Quốc gia, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng sản lượng gỗ tiêu thụ làm nguyên liệu cho năng lượng tái tạo lên 8 triệu mét khối vào năm 2015.
Nếu sắt thép lên ngôi ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì vật liệu định hình thế kỷ 21 được đánh giá là gỗ. Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một xu hướng mới “thời của gỗ” với các tòa nhà chọc trời đã và đang được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ như một giải pháp thay thế cho vật liệu bê tông, thép. Gỗ là vật liệu tái tạo góp phần giúp ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Lâm nghiệp hộ gia đình là đặc trưng nền công nghiệp rừng ở Phần Lan. |
Tại Phần Lan, ngành công nghiệp gỗ ngày càng phát triển theo hướng tuần hoàn và bền vững vì khí hậu. Các nhà sản xuất gỗ không chỉ cung cấp nguyên vật liệu cho các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng mà còn cung cấp các giải pháp “xanh hơn” và thân thiện hơn với môi trường. Các tiêu chuẩn đối với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng ngày càng được nâng cao, theo đó là những mô hình kinh doanh gỗ bền vững ra đời.
Các dòng sản phẩm từ gỗ phục vụ đa dạng nhiều lĩnh vực, từ xây dựng và nội thất, đến sản xuất năng lượng tái tạo. Để hoàn thành vòng đời sản phẩm, hầu hết gỗ thải đều được tái chế. Nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra nhằm tích hợp các tính năng thông minh trong các sản phẩm từ gỗ và dịch vụ giúp cập nhật trạng thái của sản phầm từ gỗ, cung cấp thông tin cho các nhà sản xuất quyết định sẽ tái sử dụng, tái chế hay thải bỏ sản phẩm đó.
Còn tại Việt Nam, định hướng bảo tồn rừng và khai thác gỗ bền vững đã là bài toán trăn trở của giới chức trách bao lâu nay. Bời lẽ nguồn tài nguyên thiên nhiên là hạn chế, thế giới ngày càng xa rời mô hình một chiều “khai thác, sản xuất, bỏ đi” sang một hệ thống tuần hoàn, tức là không có gì bị vứt đi và các sản phẩm cũ trở thành các nguồn nguyên liệu mới. Hướng tới sử dụng các nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế sẽ là một thách thức nhưng cũng là một hướng di bền vững trong công tác bảo tồn rừng, phát triển kinh tế vì nền khí hậu tại Việt Nam trong năm 2021.