Làm phúc phải tội và lòng tốt bản năng

(PLVN) - Làm việc tốt, việc thiện mà bị vu oan là thủ phạm, đánh đập, kết tội. Để rồi khi sự thật rõ ràng lại nghẹn ngào xin lỗi, bù đắp. Vòng xoáy “ngược đãi lương tâm” này đã và đang cuốn rất nhiều người, một khi họ không có được cho mình thái độ đúng đắn, sự cẩn trọng khi suy xét một sự việc nào đó.
Cho dù thế nào thì lòng tốt vẫn luôn như ánh sáng rọi soi.
Cho dù thế nào thì lòng tốt vẫn luôn như ánh sáng rọi soi.

Nhà viết kịch Becton Brest người Đức có một vở kịch rất hay để phản ánh thực tế làm phúc phải tội và lòng tốt bản năng. Vở kịch mang tên “Lẽ thường và lẽ biến” kể chuyện một nô lệ đi theo chủ qua sa mạc, anh ta bị chủ hành hạ tàn tệ suốt cả chặng đường dài. Một đêm, thấy chủ bị ốm nằm rên rỉ kêu khát, anh ta động lòng thương đã mang bình nước sang lều cho chủ uống. Nhưng chủ thấy anh ta sang lều mình giữa đêm đã rút súng bắn chết. 

Ra toà, chủ nói rằng ông ta buộc phải bắn vì người nô lệ kia đã mang một hòn đá vào lều trong đêm định giết ông ta. Toà hỏi vì sao ông biết anh ta có ý định giết ông? Người chủ nói vì ông đã hành hạ anh ta thậm tệ, anh ta không thể không căm thù.

Khi các nhân chứng cho biết đó không phải là hòn đá mà chỉ là cái bình nước uống, ông ta nói đêm tối quá nên tưởng đó là hòn đá. Cuối cùng ông ta được tha bổng vì toà cho rằng ông ta có quyền tưởng đó là hòn đá và có quyền sợ anh kia giết mình vì trong thời buổi “mắt trả mắt, răng trả răng” này không mấy khi có chuyện mang nước cho kẻ thù uống khi hắn ta bị ốm.

Với mong muốn dùng sân khấu như một diễn đàn cho những tư tưởng, qua vở kịch, nhà viết kịch Becton Brest đã đưa ra một thông điệp là hiệu quả của ứng xử không phụ thuộc vào bản thân tính chất, động cơ của ứng xử mà phụ thuộc nhiều hơn vào cách nghĩ, cách cảm của một thời. 

Và khi nào chưa chữa tận gốc những định kiến, méo mó và bất cập của cách nghĩ, cách cảm này thì mọi thiện chí và mọi kỹ năng giao tiếp đều tạm bợ và manh mún, thậm chí chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ giữa những con người. 

Đớn đau những vấp váp niềm tin

Thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều câu chuyện mà trong đó người làm việc tốt, việc thiện bị vu oan là thủ phạm, đánh đập, kết tội, để rồi khi sự thật rõ ràng, dư luận lại nghẹn ngào xin lỗi, bù đắp.

Chiều 13/9/2019, tại thành phố Rạch Gía, tỉnh Kiên Giang, một người phụ nữ điều khiển xe máy chở một bao tải. Đến đoạn đường gần ngã tư Trần Phú và Nguyễn Hùng Sơn bao tải rơi xuống đường. Người dân phát hiện bên trong bao tải có xác thai nhi nên đã trình báo với công an. 

Thời điểm xảy ra sự việc, rất đông người tập trung lại xem, chụp ảnh, khiến cho giao thông tại đoạn đường ùn tắc nghiêm trọng, gây mất trật tự an ninh. Một số người dân tung tin thất thiệt lên mạng, gây hoang mang dư luận được truyền đi như trong bao tải có 3 xác thai nhi hoặc xe tải cán qua bao tải… 

Tuy nhiên, theo thông tin trả lời truyền thông của Đại tá Phạm Trung Thành – Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang thì sáng 13/9, tại bãi rác trên cầu số 3 huyện Hòn Đất, Kiên Giang, một công nhân phát hiện thi thể thai nhi ở bãi rác và đã điện thoại cho người phụ nữ tên Hương đem về chôn cất. 

Người phụ nữ tên Hương đó chính là người điều khiển xe máy và làm rơi bao tải có chứa thi thể thai nhi. Người phụ nữ này thường làm từ thiện với các việc làm cụ thể như: Chôn cất thi thể thai nhi bị bỏ rơi trong rác. Chính vì vậy, hoàn toàn không có chuyện người phụ nữ này có động cơ xấu.

Trước đó, ngày 7/9, tại tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra câu chuyện “làm ơn mắc oán”, gây ra hậu quả thương tâm. Ông Trần Phước Hùng là nhân viên bảo vệ của Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, Quảng Nam bị đâm chết khi can ngăn chồng đánh vợ.

Trong lúc mâu thuẫn xảy ra giữa hai vợ chồng tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, ông Hùng đến can thì bị đối tượng dùng dao đâm vào sườn. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên ông Hùng đã không qua khỏi. 

Lòng tốt đang bị thử thách.
Lòng tốt đang bị thử thách. 

Tháng 3/2018 tại tỉnh Đồng Tháp, hai công an bị đánh trọng thương trên đường đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu vì bị hiểu nhầm công an đánh người. Khi đưa nạn nhân đi qua huyện Thanh Bình, hai công an bị nhóm người chặn lại, tấn cống. Hậu quả là gây thương tật cho Thượng úy Nguyễn Thanh Sang 13%, chiến sĩ Phạm Hoàng Bửu 12%. 

Một câu chuyện hiểu lầm, làm việc tốt giúp người khác nhưng lại nhận được rất nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng nữa là vụ việc của ca sĩ Tuấn Hưng. Trên đường đi, ca sĩ gặp trường hợp nam thanh niên bị tai nạn, hôn mê.

Anh dừng xe và tìm cách đưa nạn nhân đến trạm y tế gần nhất để sơ cứu. Tuy nhiên, trong lúc tìm phương tiện hỗ trợ thì việc làm của anh đã khiến người dân hiểu lầm là người gây án, sau đó họ có rất nhiều lời lẽ khó nghe. Cuối cùng, qua những hành động cụ thể, mọi người hiểu chuyện và “lỗi lầm” mà anh bị gán đã được hóa giải…

Qua những câu chuyện trên có thể thấy, bất kể khi bạn chân thành thế nào thì khi gặp người hoài nghi bạn sẽ thành kẻ nói dối. Buồn thay!

Đừng ngược đãi lương tâm

Có một câu nói rằng “Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên. Đó là tính thiện và lòng trắc ẩn mà ai trong chúng ta cũng có. Lý do mà cuộc đời này tồn tại những người tử tế là vì họ không ngược đãi lương tâm của mình chỉ vì sợ những điều phiền phức”.

Ở Hải Phòng, một người tài xế đã dừng lại bên đường để sơ cứu và đưa một thanh niên bị tai nạn giao thông đến bệnh viện. Khi đưa nạn nhân với máu me đầm đìa lên ô tô của mình để chở đi cấp cứu, người tài xế đã bước qua được nỗi sợ những điều phiền phức.

Anh nói: “Thực ra nói là không sợ hãi gì thì không đúng nhưng khi cứu người là tôi chấp nhận chuyện mình có thể gặp rắc rối. Tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết có người cần cứu, mình có thể cứu thì mình phải giúp họ”.

Lòng tốt đang bị thử thách, đó là một thực tế. Thế nên mới có những câu chuyện giúp đỡ người bị tai nạn giao thông rồi lại bị vu oan gây tai nạn, để rồi từ đó người tốt đó “ra đường nhiều khi tôi nhắm mắt, không phải vì vô cảm mà vì sợ hãi”. 

Lý giải tại sao làm người tốt cũng lắm gian nan như hiện nay, ThS xã hội học Lê Minh Tiến đánh giá, lòng tin của con người ngày càng xuống thấp vì đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy gian dối, từ thực phẩm đến thành tích. Điều này phản ánh một thực trạng xã hội là lòng tin của con người vào người khác, vào những giá trị truyền thống tốt đẹp đã không còn như ngày xưa.

Bây giờ người ta xem người có lòng tốt và những lời nói thật lòng như một thứ gì rất quý hiếm chẳng đến lượt mình, thế nên một hành động tốt, một lời nói thật sẽ bị nghi ngờ hoặc bị ví như đang lợi dụng để đạt được việc gì đó…

Phật dạy rằng, bài học khó nhất của đời người là học làm người tốt. Vì bạn vốn là người tốt, đã làm rất nhiều việc tốt để giúp đỡ mọi người. Nhưng trong giây phút vô tình nào đó bạn làm việc gì không phải với người khác, ngay lập tức bạn bị họ trách mắng, trút giận, thậm chí là trừng phạt bạn. Vậy là trong mắt người khác nghiễm nhiên bạn đã trở thành người xấu.

 Sống sao cho vừa lòng hết tất cả mọi người? Làm sao 10 người thì có cả 10 người yêu quý bạn được. Đâu đó vẫn có người không hài lòng, ghen ghét, đố kị. Thế mới nói học làm người tốt thật là khó. Điều bạn nên làm là cố gắng học hỏi để hoàn thiện bản thân mình, mỗi ngày đừng quên làm việc tốt. Người tốt có thể thiệt thòi, nhưng lòng tốt sẽ nhận phước báu.

Vĩ thanh

Trời có mắt, nhân gian có tình nên không để ai phải chịu thiệt mãi. Khi người tốt rước họa vì một người xấu, anh sẽ được đền đáp bởi vạn người tốt. Người xấu cần bị trừng trị theo pháp luật và người tốt cần được động viên và bảo vệ. Hãy tạo ra một môi trường thuận cho cái tốt.

Môi trường ấy không gì khác là hãy làm luật cho nghiêm, cho chặt, cho thật ít kẽ hở. Hãy xây dựng một nền nếp văn hóa trên đó có ngôi nhà dân trí cao hơn. Hãy bồi đắp đạo đức như những tầng phù sa đầy đặn. Đó là cách mà chúng ta có thể làm để xã hội tốt lên sau những vấp váp niềm tin như thế! 

Đọc thêm