Một lớp các nhà tỷ phú mới xuất hiện, các quỹ cộng đồng tăng vọt, các cá nhân tích cực đứng lên dùng uy tín quyên góp cộng đồng, tham gia các hội nhóm, các phong trào từ thiện, sự ra đời của các doanh nghiệp xã hội và xu hướng thành lập các quỹ từ thiện hoặc lồng ghép công việc từ thiện trong việc thực hành trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp… Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa ghi nhận một khái niệm vững chắc và thống nhất về từ thiện phát triển – một xu hướng từ thiện của tương lai.
Cá nhân làm từ thiện, doanh nghiệp làm từ thiện
Thủy Tiên được biết đến là một trong những ca sĩ chăm chỉ làm từ thiện nhất nhì showbiz. Cô đang trở thành một trong những người nổi tiếng được tung hô là “Nàng Tiên năm 2020” vì hành động thiện nguyện của mình.
Để cứu trợ đồng bào miền Trung trước tình hình mưa lũ, số tiền cô quyên góp được đã lên đến con số trên 150 tỷ đồng và không chỉ đứng ra vận động quyên góp, cô còn một mình đi miền Trung để theo dõi tình hình và tiến hành trợ giúp.
Trước đó, chỉ hơn 4 ngày đăng tải lời kêu gọi ủng hộ trên trang cá nhân, Thủy Tiên đã nhận được 11 tỷ để giúp đỡ người dân miền Tây Nam Bộ, lập quỹ mua máy lọc nước biển thành nước ngọt, làm dịu bớt phần nào cơ cực của đồng bào miền Tây giữa hạn mặn. Cô đã trực tiếp di chuyển xuống tận Tiền Giang khảo sát và hỏi ý kiến chính quyền để lắp đặt máy lọc nước giúp đỡ bà con vùng sông nước…
Tháng 12/2018, tại hội nghị xúc tiến hoạt động nhân đạo do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác phối hợp tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã đưa ra con số khảo sát 500 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, 58% doanh nghiệp xác định làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào. Các doanh nghiệp cũng như một số doanh nhân hoạt động từ thiện chủ yếu ở ba lĩnh vực: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo...
Bên cạnh đó, TS Vũ Tiến Lộc thông tin thêm, VCCI cũng tiến hành nghiên cứu riêng về sự tham gia, đóng góp cho an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện đối với 500 doanh nghiệp trong đó có 389 doanh nghiệp phản hồi về vấn đề này và có 333 (tương đương 85,6%) doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và 56 doanh nghiệp ít hoặc không nắm rõ mức độ tham gia của doanh nghiệp đối với các hoạt động xã hội.
Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện năm 2018, có tới 91% doanh nghiệp tham gia khảo sát từng thực hiện các chương trình liên quan đến trẻ em. Trẻ em dù không phải khách hàng chính của doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, hoạt động marketing, dịch vụ, hoạt động của nhà máy, khu vực làm việc doanh nghiệp hay các chương trình cụ thể.
Ông Malcolm Andersons, Giám đốc tài chính, Công ty đóng tàu Damen Sông Cấm cho biết: “Khách hàng của Damen không phải là trẻ em, nhưng trẻ em sinh sống trong các khu vực nhà máy mà Damen làm việc và là con em của công nhân viên của Damen, do đó, Damen quan tâm tới trẻ em, xây dựng các chương trình an toàn cho trẻ em cũng là các chương trình giúp cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên, tạo an tâm cho công nhân viên khi gia đình họ được bảo vệ an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TTNHH Phần mềm FPT cho rằng đầu tư vào trẻ em chính là đầu tư vào hiện tại và cả tương lai của doanh nghiệp, của môi trường doanh nghiệp hoạt động. Do đó, mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em là ý tưởng mà FPT rất quan tâm.
Từ thiện phát triển – xu hướng trong và sau Covid
Trong năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và cả khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đặc biệt, tại Việt Nam trong thời gian gần đây khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, chúng ta lại gánh chịu hàng loạt các thiên tai gây ra thiệt hại cả về người và tài sản. Các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” đang lan rộng trên cả nước và dường như chưa bao giờ cần thiết hơn trong khoảng thời gian này.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa ghi nhận một khái niệm vững chắc và thống nhất về từ thiện phát triển và sự nhầm lẫn với hình thức truyền thống – từ thiện nhân đạo. Tiếp cận trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19, các ý tưởng và chiến lược mới về hoạt động từ thiện nhân đạo và từ thiện phát triển đã bùng bổ mạnh mẽ.
Dịch bệnh cho thấy mỗi cá nhân không nằm ngoài được cộng đồng, chính vì thế, văn hoá chia sẻ và đoàn kết cộng đồng trên toàn thế giới đã định hình lại cách thức hoạt động của các hoạt động từ thiện nhân đạo và từ thiện phát triển, trên mọi lĩnh vực, không chỉ sức khoẻ, mà còn biến đổi khí hậu, giáo dục, nhà ở,… và hơn thế nữa. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Vậy thế nào là từ thiện phát triển? Tại hội thảo “Từ thiện phát triển – Xu hướng trong và sau Covid 19” do MSD tổ chức mới đây, cung cấp cho hội thảo hiểu biết rõ hơn về từ thiện phát triển và văn hoá từ thiện, bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội. Hệ sinh thái từ thiện phát triển rất rộng lớn, có thể xem như một ngôi nhà lớn, một ngôi nhà chung mà trong đó mỗi chúng ta là một chủ thể cần chung tay, chung sức để giúp hệ sinh thái ấy phát triển cao hơn, phức hợp hơn”.
Bà Nguyễn Thị Ý Như – Trưởng phòng Truyền thông và Đốí ngoại, Công ty Coca Cola Việt Nam; Bà Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam và bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP.
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 và một chuỗi những thiên tai gần đây khiến chúng ta giật mình về những kĩ năng, khả năng ứng phó, đặc biệt là của nhóm những người yếu thế, những người mà khả năng tiếp cận còn giới hạn. Về dài hạn, những hoạt động từ thiện phát triển cần được đẩy mạnh để nâng cao khả năng ứng phó cho nhóm yếu thế song song với những hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp”.
Từ cương vị của Công ty Coca-Cola, đơn vị đã có nhiều năm hoạt động từ thiện và các dự án xã hội, bà Nguyễn Thị Ý Như nhấn mạnh: “Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có mong muốn và nhu cầu làm những việc tốt, giúp ích cho mọi người và cho xã hội. Bản thân doanh nghiệp hay tổ chức khi vận hành đều hướng tới sự trường tồn, vì vậy việc hướng tới phát triển bền vững lâu dài luôn là ưu tiên hàng đầu.
Các hoạt động từ thiện nhân đạo và từ thiện phát triển không loại trừ nhau mà sẽ bổ sung cho nhau. Với chúng tôi, một trong các nỗ lực để tạo nên sự phát triển bền vững là làm sao cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không gây ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai”.
Như vậy, có thể thấy từ thiện phát triển – xu hướng từ thiện của tương lai sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng. Đó không chỉ là việc cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ tiền của, vật chất cho những người cần giúp đỡ mà còn là trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp trong từng hoạt động để sao cho không gây ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai, như mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em là một ví dụ.
Làm sao để từ thiện ngày càng thực chất, bớt hình thức?
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, tất cả sự hỗ trợ đều từ xuất phát điểm có sẵn là lòng tốt của người Việt. Nhưng chúng ta phải làm sao để việc làm từ thiện ngày càng đi vào thực chất, ngày càng bớt hình thức, bớt chạy theo việc đánh bóng tên tuổi, ngày càng trung thực hơn.
Bà Ninh lấy dẫn chứng từ câu chuyện một đơn vị kêu gọi đóng góp thiện nguyện: “Lần nào cũng có một vài doanh nghiệp tranh thủ lên sân khấu cầm bảng trao tượng trưng khoản đóng góp 1 tỉ, 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, chụp ảnh, quay phim xong, đơn vị tổ chức phải chạy theo các doanh nghiệp đó rất lâu mới nhận được thực tiền, thậm chí đơn vị tổ chức phải bỏ cuộc luôn”.
Theo bà Ninh, lòng tốt ở Việt Nam không thiếu nhưng lác đác vẫn có những người lợi dụng, nhân danh lòng tốt để mưu cầu lợi ích riêng, không chỉ cá nhân mà có cả những doanh nghiệp thứ thiệt. Từ đó, bà Ninh đúc kết: “Làm thật mà khoe một chút thì chắc không ai chê bai, làm nhiều mà không nói thì càng được vô cùng kính nể… Doanh nghiệp càng thực chất, càng kín đáo đi làm từ thiện thì doanh nghiệp đó càng bền vững ở cả tầm vóc và văn hóa doanh nghiệp”.