Làm từ thiện cũng cần… tỉnh táo

(PLO) - Vài năm trở lại đây, người ta thấy các hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, hội nhóm trở nên mạnh mẽ. Nhiều mảnh đời được giúp, nhiều phận người thoát nguy khốn nhờ những tấm lòng nhân ái. Đó là một dấu hiệu đáng mừng bởi cộng đồng ngày càng nhiều người thiện tâm hơn. Tuy nhiên, không phải không có những người lợi dụng việc làm từ thiện để trục lợi…
Một chuyến từ thiện ở Gia Lai của nhóm “Chia sẻ yêu thương”
Một chuyến từ thiện ở Gia Lai của nhóm “Chia sẻ yêu thương”
Ngày càng nhiều 
tấm lòng vàng
Những năm gần đây, hoạt động thiện nguyện lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Rất nhiều cá nhân, tổ chức tự thân vận động lập ra những quỹ từ thiện ý nghĩa nhằm đỡ đần những hoàn cảnh khó khăn ở nhiều khía cạnh: Quán ăn từ thiện cho người lao động; đào giếng ở vùng cao, vùng khô hạn; phát áo ấm cho trẻ em nghèo; tăng chất lượng bữa ăn cho trẻ em miền núi… 
Bên cạnh các chương trình dài hạn, những tấm lòng thiện nguyện còn kêu gọi tổ chức các hoạt động từ thiện đơn lẻ như tặng quà cho trẻ em nhân các ngày lễ, tết, ủng hộ các hoàn cảnh bệnh nhi khuyết tật, gia cảnh khó khăn…
Nhiều nhóm làm từ thiện bài bản còn có cả tên hội, logo, quỹ, kế toán  thu - chi… Có những hội đã làm được khá nhiều “việc lớn” khi vận động được mạnh thường quân và tự trong hội ủng hộ được số tiền vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để xây dựng nhà cho người khuyết tật, người nghèo lang thang cơ nhỡ. 
Cũng có những nhóm chỉ là những sinh viên hay người mới đi làm, khi nào có hoạt động thì rủ nhau tham gia rồi quyên góp, ủng hộ thêm từ tiền đến sách vở, quần áo và các hiện vật khác, cùng nhau “lên đường” đem đến cho những gia cảnh khó khăn. 
Minh Thu, sinh viên năm thứ 3 Đại học Văn Lang chia sẻ, nhiều lần theo chân chị gái đi cùng nhóm từ thiện mang tên “Chia sẻ yêu thương” đến với người dân nghèo vùng núi cao hay các xã biên giới nghèo, mới thấy từng đôi dép, từng bộ quần áo cũ, từng hộp sữa, cân gạo quý như thế nào. Minh Thu kể, lần gần đây nhất trước Tết Nguyên đán, cô theo đoàn đến các xã miền núi của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đoàn phát gạo, dép, quần áo cho trẻ em nghèo. 
Món quà nào người dân cũng mừng, cũng thích, nhưng thích nhất là… bong bóng. Từng quả bóng bay đủ hình dạng, màu sắc được mô phỏng các nhân vật hoạt hình khiến đôi mắt những đứa trẻ lem luốc  sáng hẳn lên. Và các ông bố, bà mẹ cũng hào hứng đi nhận bong bóng về cho con mình, còn vui hơn nhận sữa… 
Lợi dụng từ thiện để mưu lợi cá nhân
Tuy nhiên, bất cứ hiện tượng xã hội nào cũng tồn tại mặt trái của nó, kể cả chuyện làm từ thiện, những hành động đáng ra chỉ nên xuất phát từ tấm lòng.  Mới đây, một vụ lùm xùm lớn liên quan đến một doanh nhân “nổi đình nổi đám” trong giới kinh doanh showbiz. 
Nữ doanh nhân này ngoài việc bị một nhóm người “tố cáo” lối sống thiếu chuẩn mực đạo đức, còn đưa ra những bằng chứng về sự “nổ” của nữ doanh nhân này, rằng tiền bạc, biệt thự, xe cộ đều là đi mượn. Đặc biệt, hoạt động từ thiện vốn là “thương hiệu” khiến nữ doanh nhân có uy tín trong cộng đồng cũng bị vạch trần là lợi dụng từ thiện để trục lợi cho bản thân. 
Một số người liên quan cũng đã lên tiếng chứng minh, như việc cùng một chiếc túi hàng hiệu được rao bán đến mấy lần để “làm từ thiện”, rồi nhận  vài trăm triệu từ các nhà hảo tâm cho một đợt từ thiện trong bệnh viện nhi, nhưng phát cho mỗi em nhỏ chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng… 
Trước đó khoảng một năm, một nữ doanh nhân khác khá nổi tiếng trên mạng xã hội với tên gọi Q.T cũng bị thành viên nhiều trang web, diễn đàn tố cáo mượn danh nghĩa từ thiện để lấy tiền bỏ túi, đồng thời chỉ ra các bằng chứng chứng minh điều này. 
Tuy những lời tố cáo đến nay vẫn chưa có cơ sở rõ ràng và người bị “tố” chưa hề bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng nó cũng khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại, thu bớt sự cả tin của mình khi ủng hộ cho những mạnh thường quân làm từ thiện tự phát. 
Tình trạng đã nói trên không phải là hiếm trong các hoạt động thiện nguyện hiện nay. Bên cạnh những người hảo tâm muốn đem chút của cải, sức lực để làm dịu bớt những nỗi đau, những cảnh đời khốn khó, còn có những kẻ lợi dụng việc làm từ thiện để trục lợi cho mình. Lợi dụng những kẽ hở của hoạt động từ thiện như tiền từ quá nhiều nguồn, khó quản lý thu - chi, ít công khai minh bạch tiền bạc… nên những kẻ này tha hồ kiếm lợi. 
Một chiêu bài của những kẻ trục lợi từ thiện là ngoài kêu gọi tổ chức những chuyến từ thiện quy mô, còn dựa vào những hoàn cảnh thương tâm đang được báo chí, mạng xã hội đề cập tới, được nhiều người thương cảm để kêu gọi ủng hộ. Khi mà lòng thương cảm lấn át tất cả thì nhiều người làm từ thiện khá thiếu tỉnh táo, nghe theo lời kêu gọi liên tiếp gửi tiền về, thậm chí không kiểm tra xem tài khoản có đúng là của người cần giúp hay không và số tiền có đi đến nơi hay không…
Làm từ thiện là một nghĩa cử đẹp đáng trân trọng, nên lan toả. Tuy nhiên, để tránh những kẻ xấu lợi dụng thì người làm từ thiện nên có sự tỉnh táo và khôn ngoan. Điều này mới khiến hành động của mình đem lại kết quả tốt đẹp và đúng đắn nhất.

Đọc thêm