Giúp ích cho người là thiện
Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng, một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên: Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?
Hoà thượng nói: Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư.
Bọn nho sinh lại hỏi: Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy? Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác. Một người trong bọn nói: mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện.
Hoà thượng nói không nhất định là như vậy. Một người khác cho là tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện. Hoà thượng cũng bảo không nhất định là như vậy. Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy. Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: Giúp ích người gọi là thiện, chỉ vì ích mình gọi là ác. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác. Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi mình ấy là tư, mà tư tức là giả.
Làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Người đời vẫn có câu: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”, nghĩa là “thiện lai thiện báo, ác lai ác báo”. Tức con người gây ra việc gì, sẽ được trả lại đúng như thế.
Làm việc thiện phải xuất phát từ tâm. Nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp có ngàn người cũng không có nghĩa lý gì, ngược lại, tâm chân thiện, dù không có một đồng làm thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc rồi.
Sung sướng suốt đời nhờ tấm lòng chân thiện
Xưa có một ông lão ở huyện Long Khê, một hôm ông lão cùng con trai chèo chiếc thuyền nhỏ đi mua phân để bón ruộng. Sau khi ăn cơm xong, hai cha con liền đỗ thuyền bên cạnh bến sông để đi gánh phân. Đến chỗ nhà vệ sinh thì nhìn thấy một cái túi, liền cầm lấy mang lên thuyền rồi mới mở ra để xem xét thì thấy bên trong có hàng chục lượng vàng.
Thấy vậy, nét mặt ông nghiêm nghị nói với con trai: “Đây nhất định là có người đi vệ sinh xong đánh rơi rồi. Người giàu sang thường sẽ không đeo những thứ quý giá như thế này ở bên hông đâu, nếu như là người nghèo khó, thì vàng này chính là tiền để cứu mạng người đấy, chúng ta làm sao có thể lấy làm của riêng được? Ta muốn ở đây để chờ người đánh rơi quay lại tìm”.
Người con trai nghe xong rất tức giận, liền tranh cãi với cha, anh ta cho rằng người cha quá cố chấp. Nhưng nói mãi người cha vẫn không nghe, anh liền tức giận bỏ về nhà. Ông lão đành ở lại một mình chờ đợi. Rất lâu sau, từ xa có thể nhìn thấy một người đang chạy như điên lại, thần sắc hốt hoảng vào trong nhà vệ sinh xem xét. Ông thấy vậy liền chạy lại hỏi xem anh ta có chuyện gì.
Người nọ nói: “Cha của tôi bị sơn tặc vu oan đồng lõa với bọn chúng khiến cha tôi bị nhốt vào ngục. May mắn có những người đồng hương bảo đảm, quan mới đồng ý cho dùng 120 lượng vàng để nộp tiền bảo lãnh.
Tôi đã phải mang cả nhà cửa và ruộng vườn bán đi, lại đi đến bạn bè để mượn thêm tiền, mới gom được 60 lượng vàng. Quan phủ nói có thể giao nộp trước 60 lượng vàng cũng được, rồi sau khi cha của tôi được thả ra có thể từ từ gom góp sau nên tôi đem vàng quấn kỹ ở trên người, vội vàng đi đến châu phủ.
Ai ngờ đi đến đây thì đột nhiên muốn đi nhà vệ sinh, liền gỡ túi ra bỏ xuống. Bởi vì tâm tình rối loạn, nên để quên mất túi vàng ở đây. Tôi chết cũng không có gì đáng tiếc, nhưng cha của tôi biết làm sao bây giờ!”. Nói xong thì nước mắt giàn giụa.
Ông lão cẩn thận hỏi anh ta số lượng vàng và màu sắc của cái túi, quả nhiên đúng là cái túi mà ông đã nhặt được, mới an ủi anh ta: “Vàng đều ở chỗ tôi đây, tôi chờ anh lâu lắm rồi”. Nói xong liền lấy túi vàng còn y nguyên trả lại cho anh ta.
Người nọ vui mừng quá đỗi, vì để cảm tạ, định đem mười lượng vàng cho ông nhưng ông nhẹ nhàng từ chối nói: “Tôi nếu như có lòng tham thì đã lấy hết 60 lượng vàng kia luôn rồi, đâu cần phải chờ anh đến để lấy 10 lượng vàng làm gì?”.
Dứt lời liền vẫy tay từ biệt, chèo thuyền rời đi. Được nửa đường, đột nhiên mưa gió nổi lên, đành phải cho thuyền dừng bên cạnh một cái thôn hoang vắng. Lúc này, bờ đê của thôn bị nước xói mòn, sụp đổ ầm ầm, từ đó lộ ra một cái vò gốm, trên miệng vò gốm có tờ giấy bạc dán kín lại.
Ông cũng không biết được là bên trong có gì, vất vả lắm mới mang được nó lên thuyền. Một lát sau trời tạnh mưa, trăng cũng đã lên, ông chậm rãi chèo thuyền đi về phía trước, phải nửa đêm mới về đến nhà nhưng lại bị nhốt ở ngoài cửa vì con trai của ông đã mách lại cho vợ của ông biết và bà cố ý đóng cửa không cho ông vào, mặc cho ông ở ngoài gọi khản cả giọng. Không còn cách nào khác ông đành nói dối vợ rằng trên thuyền đang có một cái vò gốm rất quý, bên trong có thể toàn là bảo bối.
Vợ ông nghe xong tò mò mới vội vàng cùng con trai mở cửa, chạy ra chỗ thuyền tìm cái vò gốm để kiểm tra. Sau khi mở vò gốm ra, cả nhà đều vô cùng kinh ngạc, ánh trăng chiếu vào vò gốm phát ra ánh sáng trắng như tuyết, dùng tay sờ vào trong thì toàn là bạc. Ông lão cũng sững người như nằm mộng, không biết xử trí thế nào.
Đâu ngờ, hàng xóm của ông lão nửa đêm nghe được câu chuyện, ngày hôm sau, hàng xóm liền báo quan phủ là ông lão đã tự tiện khai quật đồ chôn giấu của người khác. Huyện lệnh Long Khê mới cho gọi ông lão tới để hỏi.
Ông đem hết chuyện trả vàng như thế nào rồi nhặt được bạc ra sao, kể lại hết cho huyện lệnh nghe. Sau khi nghe xong, huyện lệnh cảm khái mà nói: “Người làm việc thiện được nhận phúc báo, đây chính là trời ban cho đấy”.
Vì vậy huyện lệnh sai người bắt người hàng xóm đã tố cáo tới đánh cho một trận, đồng thời thả ông lão về nhà. Từ đó về sau, ông cùng cả nhà dời vào trong thành, hưởng phú quý cả đời.