Đích thân đi hỏi vợ cho chồng.
Cụ Bùi Thị Kiệm (87 tuổi, ngụ xóm 3, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).nhớ lại, năm 1964, cụ lấy chồng. Mong đợi mãi đến gần 3 năm sau mới được một mụn con gái. Rồi người con thứ hai, thứ 3 lần lượt chào đời cũng là... nữ.
Thời điểm ấy, gánh nặng về cậu con trai nối dõi tông đường vẫn đè nặng trên vai người phụ nữ. Nhiều năm sau, hai cụ dù muốn sinh thêm để kiếm con trai nhưng không được.
Mặc dù cụ ông rất cảm thông, động viên cụ Kiệm “trai, gái gì cũng là con, trời cho sao nhận vậy”, cố gắng nuôi 3 con gái thành người, nhưng quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ” không để cụ sống thanh thản.
Lúc nào cụ Kiệm cũng canh cánh, gia đình phải có con trai để sau này đầu đội, vai gánh hương hỏa tổ tiên; khi cha mẹ khuất núi còn có người chống gậy.
Rồi lời người ngoài gièm pha “người đàn bà không sinh được con trai là không biết đẻ, nhà nào không có con trai là mất gốc”...
Quan niệm cũ ám ảnh khiến cụ Kiệm ngày đêm trăn trở, cảm thấy có lỗi với chồng, với gia đình, dòng tộc nhà chồng khi chưa sinh được “thằng cu”.
Nhiều người còn bóng gió nếu không sinh được con trai thì cho chồng cưới thêm vợ lẽ để kiếm con nối dõi.
Dù gia đình vẫn luôn êm ấm, người chồng vẫn hết mực yêu thương nhưng cụ vẫn quyết tâm động viên chồng lấy thêm vợ mới. Cụ chấp nhận sống kiếp chồng chung.
Được vợ động viên “lập thiếp”, cụ ông vẫn từ chối. Có người còn khuyên, nếu không muốn lấy thêm vợ thì kiếm thêm đứa con riêng, cụ ông cũng bỏ ngoài tai tất cả.
Về phần cụ Kiệm, sau nhiều năm khuyên nhủ chồng không thành đành một mình nhờ người tìm đám tốt, đích thân đi hỏi vợ cho chồng.
Bao nhiêu đám gần nhà gần cửa đều được cụ Kiệm dẫn về nhà ra mắt, ra sức thuyết phục nhưng chồng không ưng. Sau có một số lái buôn quê Thanh Hóa nghe cụ bà trải bầu tâm sự, họ chỉ mối cho cụ ra Thanh Hóa, tìm gặp một người phụ nữ quá lứa lỡ thì, hiền lành, siêng năng, đang ở với người mẹ già ở huyện Nông Cống.
Biết được chút thông tin, cụ Kiệm liền ghi rõ ràng địa chỉ vào giấy rồi khăn gói lặn lội hàng trăm cây số đi tìm vợ cho chồng.
“Ngày ấy, xe cộ làm gì được thuận lợi như ngày nay. Tôi phải đi suốt gần 3 ngày mới tìm đến địa chỉ người đàn bà mà họ giới thiệu. Sau khi giãi bày hoàn cảnh gia đình và mục đích của mình, lời đề nghị của tôi bị gia đình bà ấy từ chối.
Nhẫn nại thuyết phục gần một tuần, bà ấy mới chấp nhận cùng tôi về nhà để xem mắt chồng và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình”, cụ Kiệm kể lại chuyến đi.
Sau khi đưa người phụ nữ kia về nhà, cụ Kiệm phải một mình vừa thuyết phục chồng, vừa thuyết phục người kianán lại một thời gian để hòa nhập với cuộc sống của gia đình, để hiểu hơn về tính cách của từng thành viên trong nhà và phong tục tập quán địa phương.
Sau 10 ngày kiên trì, cuối cùng, cụ Kiệm cũng thuyết phục được cả hai.
Lấy chồng, “lấy” cả vợ của chồng
Cụ Hồ Thị Hôn (71 tuổi), người “chị em” của cụ Kiệm nhớ lại: “Thời còn 18, đôi mươi, tôi rất được đám trai làng để ý. Thế nhưng vì một cuộc tình không trọn vẹn, người yêu đi bộ đội rồi nằm lại trong chiến trường, tôi quyết định sống như vậy suốt cả cuộc đời để giữ trọn lời hứa thủy chung.
Không ngờ khi gặp bà ấy (cụ Kiệm - PV) nghe bà thật thà chia sẻ về nguyện vọng của mình, đích thân đi hỏi vợ cho chồng, còn chấp nhận sống kiếp chồng chung để làm tròn trách nhiệm với gia tộc khiến tôi cảm phục.
Tôi chấp nhận làm vợ kế để không chỉ sống với chồng mà còn để được sống bên bà ấy.”.
|
Anh Đức là người con trai duy nhất trong số sáu người con của hai cụ
|
Đầu năm 1975, một đám cưới giản dị do đích thân cụ Kiệm chuẩn bị diễn ra dưới sự chúc phụng của quan viên hai họ cùng bà con lối xóm. Nhìn cụ Kiệm tất tả ngược xuôi lo toan trong ngày cưới của chồng, ai nấy đều cảm phục.
Sau đám cưới, cụ Hôn sinh liền 3 người con, chỉ được một người con trai là út (SN 1985). Đại gia đình một ông, hai bà với sáu người con của hai bà mẹ luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau khiến làng xóm đều ngưỡng mộ.
Mới đó mà đã hơn 40 năm trôi qua, người chồng chung của hai cụ đã qua đời. Các con đều yên bề gia thất. Hai cụ hiện sống với gia đình cậu con trai út. Vì tuổi già sức yếu nên hai cụ chỉ tối ngày quẩn quanh trong nhà ăn trầu, nói chuyện và chơi với đứa cháu nội vừa tròn 3 tuổi.
Hướng đôi mắt mờ đục về phía đứa cháu nội đang chơi đùa ở góc sân, cụ Kiệm vui vẻ: “Mới ngày nào mà giờ tôi và cụ Hôn đều đã tuổi già, sức yếu lại bệnh tật triền miên, suốt ngày hai già chỉ biết bầu bạn với nhau bên đĩa trầu, chén nước chè xanh và tìm niềm vui bên đứa cháu đích tôn”.
Nhờ được chính quyền địa phương cảm thông, không xét đến khía cạnh vi phạm pháp luật “một chồng, hai vợ”, gia đình cụ Kiệm vẫn sống hạnh phúc trong bấy nhiêu năm. Người dân địa phương cũng thường xuyên kể câu chuyện chung chồng hiếm có này như một dẫn chứng về tình người nhân ái, bao dung.