Từ quy hoạch kiến trúc…
Năm 1630, khi thanh giáo John Winthrop giong buồm vượt Đại Tây Dương từ Vương Quốc Anh đến New England (tên gọi trước khi nước Mỹ ra đời), ông đã nói với các bạn đồng hành rằng xã hội mà họ kiến tạo tại vùng đất mới phải giống như “thành xây trên núi”. Nói cách khác, họ phải là một cộng đồng Cơ Đốc tinh tuyền nhằm kiến tạo một hình mẫu cho thế giới, đặc biệt phải thông qua công cuộc giáo dục để đạt được mục tiêu này. Sau này, tổng thống thứ 40 của nước Mỹ Ronald Reagan cũng đã nhấn mạnh tư cách của đất nước Mỹ đối với thế giới như là “những người mang ánh sáng tự do”.
Trên những ý tưởng này, Tom Walker – người sáng lập làng Hoa Kỳ (American Village), đã định hướng quy hoạch kiến trúc của các toà nhà công cộng thuộc ngôi làng này phải biểu tượng cho tinh thần cơ bản của nước Mỹ. Ngôi làng Hoa Kỳ được thiết kế để trở thành lớp học, sân khấu, nhà hát và bảo tàng để gợi nhớ về sự thành lập của nước Mỹ. Nằm trên một ngọn đồi theo đúng nghĩa đen của câu nói “thành xây trên núi” của thanh giáo John Winthrop, làng Hoa Kỳ được biểu dương bởi người dân Mỹ như là một “ngọn hải đăng” của sự tự do.
Kể từ năm 1994, Walker đã hợp tác với Mike Hamrick, một kiến trúc sư tài năng xuất chúng của Eufaula (Alabama) để định hình ra tầm nhìn về cả khuôn viên của ngôi làng Hoa Kỳ mang tính biểu tượng của di sản tự do và tự chủ của Hoa Kỳ. Theo đó, có ba yếu tố chính chi phối quy hoạch tổng thể của làng Hoa Kỳ. Đầu tiên là Vòng tròn độc lập, đại diện cho sự tự do của nước Mỹ khi 13 thuộc địa Anh hợp nhất lại vì mục tiêu chung. Đó là ngày 4/7/1776, các thuộc địa tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh bằng một văn kiện do Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3) viết ra và trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Kiến trúc ngôi làng phải có các yếu tố biểu tượng cho nền độc lập Mỹ. |
Tiếp theo đó, trên đỉnh đồi là toà nhà Hiến pháp Xanh, đại diện cho sự tự do bên trong quá trình xây dựng nên Hiến pháp, dung hoà giữa ý chí, quan điểm của các đảng phái ở Hoa Kỳ thời bấy giờ. Cụ thể, trong và sau chiến tranh, 13 tiểu quốc thống nhất thành một chính phủ liên bang yếu thông qua bản hiến pháp hợp bang, là cơ sở của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ.
Xung quanh toà nhà Hiến Pháp Xanh là các cấu trúc chính đại diện cho các nhánh Hành pháp (Toà Washington Hall), Tư pháp (Tòa án Liên bang) và Lập pháp (Hội trường Độc lập). Cuối cùng là một đại lộ lớn đi từ Vòng tròn độc lập đến toà nhà Hiến pháp Xanh, tượng trưng con đường Hoa Kỳ đi lên từ thời kỳ thuộc địa đến thời kỳ cộng hoà dân chủ mới.
Dọc theo đại lộ đó là các Nhà nguyện – nơi để cầu nguyện công cộng, tạ ơn, tang lễ…, mở cửa bình đẳng cho tất các mọi người, bao gồm cả những người không có giáo phái hay không thuộc giáo phái cụ thể nào. Đến nay, dù kiến trúc trong ngôi làng có thể thay đổi và tinh chỉnh lại nhưng các yếu tố cốt lõi vẫn được giữ nguyên.
Ngôi làng đã đón tiếp hơn nửa triệu học sinh sau 19 năm mở cửa. |
Năm 1995, Quỹ Tín thác Công dân (American Village Citizenship Trust) chính thức được thành lập và được pháp luật liên bang công nhận tư cách một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, và được bảo trợ bởi Hạ nghị sĩ quá cố Al Knight và sau đó là Thượng nghị sĩ Frank C. Ellis, Jr.. Vào năm 1998, Đại diện Bang Alabama là Johnny Curry cũng đồng thời bảo lãnh cho khoản hỗ trợ tài trợ công đầu tiên cho quỹ này. Theo đó, vào ngày 30/11/1999, khuôn viên Làng Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa cho người ngoài.
Ngôi làng “nằm trên một ngọn đồi” đã được ví von là một “khuôn viên đặc biệt của quốc gia”, “kho báu quốc gia”… và Tom Walker đã được ghi nhận bởi “tầm nhìn phi thường, khả năng lãnh đạo và sự kiên trì bền bỉ” trong việc thành lập Làng Hoa Kỳ.
Hình hài sơ khai của ý tưởng này là một nơi để thu hút, gắn kết nhiều người trẻ tuổi với lịch sử về quá trình giành lại và xây dựng nền tự do, dân chủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; từ đó tạo nền tảng cho họ trở thành những công dân tốt hoặc nhà lãnh đạo tốt. Với niềm tin ấy, kể từ năm 1993, Tom Walker đã bắt đầu phát biểu công khai và kêu gọi sự ủng hộ thành lập một điểm đến như vậy với cả các công dân và các bậc quan chức chính quyền bang và liên bang.
… Đến trải nghiệm hiện thực
Kể từ năm 1999, làng Hoa Kỳ đã bắt đầu chào đón các nhóm học sinh, sinh viên từ trong bang Alabama và trên khắp mọi miền đất nước đến tham quan, trải nghiệm, học hỏi để giáo dục, truyền cảm hứng cho các em khám phá lịch sử Mỹ một cách chủ động, sáng tạo nhất. Đến năm 2018, ngôi làng đã đón tiếp hơn 625.000 học sinh, sinh viên sau 19 năm mở cửa. Trước đại dịch Covid, làng Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu các sáng kiến mới để thu hút số lượng học sinh tham quan hàng năm lên tới 100.000 người.
Ông Tom Walker đã nhận định: “Làng Hoa Kỳ ngày càng được công nhận trên toàn quốc nhờ các chương trình thu hút và truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi tìm hiểu thêm về lịch sử thành lập nước Mỹ.
Học sinh tham gia các trải nghiệm “làm nên” nước Mỹ. |
Ở đây, các nguyên tắc về tự do và tự chủ đã đi vào cuộc sống, trong từng trải nghiệm của các em học sinh, sinh viên tham gia. Dù là các môn học xã hội, đọc, lịch sử, công dân, chính trị hoặc các môn học liên quan, trải nghiệm Làng Hoa Kỳ có thể cung cấp cho học sinh từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học những kiến thức bổ ích mà nhà trường chưa thể cung cấp đủ đến học sinh trong quá trình giảng dạy”.
Quả thực, đến nay làng Hoa Kỳ được duy trì nhở sự ủng hộ rộng rãi của các công dân Mỹ và các nhà lãnh đạo của đất nước này, đặc biệt các nhà trường, các bậc phụ huynh, … Họ tin rằng điều quan trọng của giáo dục là dạy cho người trẻ những bài học về sự tự do đúng nghĩa, thấm thía cái giá của sự tự do ấy và chuẩn bị cho người trẻ nhận thức và bản lĩnh để trở thành thế hệ tiếp quản tiếp theo của Hiến pháp và nền tự do, dân chủ Mỹ. Cũng như Nhà khai quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin đã nói: “…một nước cộng hoà, nếu bạn có thể giữ được nó”.
Ngôi làng đóng vai trò như một trung tâm giáo dục công dân và lịch sử Hoa Kỳ. |
Thực vậy, những người trẻ của chúng ta không thể bảo vệ những gì họ không trân trọng, và họ không thể trân trọng những gì họ không biết. Sáng kiến làng Hoa Kỳ là đưa những người trẻ tuổi “bước vào lịch sử” và khám phá sức mạnh và sự kịch tính trong hành trình giành độc lập, tự do và tự chủ của nước Mỹ, thông qua các chương trình học tập dựa trên trải nghiệm liên quan đến lịch sử, công dân và chính phủ Hoa Kỳ.
Đáng nói, vấn đề thế hệ người trẻ ngày càng thờ ơ với lịch sử không chỉ xảy ra ở Mỹ mà ở rất nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam. Làm sao để truyền cảm hứng cho người trẻ biết về lịch sử nước nhà, về bao nhiêu thế hệ đã bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước, để họ biết trân trọng thấu hiểu những nguyên tắc sáng lập quốc gia, bản Hiến pháp, pháp luật và các thể chế chính trị của đất nước. Chỉ khi người dân hiểu, họ mới có thể xác lập trách nhiệm công dân dựa trên nhận thức và kiến thức của mình, và xác định cách thức phục vụ đất nước với tư cách là một công dân hay một nhà lãnh đạo như thế nào.