Làng Hoa Kỳ (Kỳ cuối): Giáo dục lịch sử sao cho xứng tầm?

(PLVN) - Làng Hoa Kỳ ở Mỹ không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một điểm giáo dục lịch sử hiệu quả cho giới trẻ. Tại Việt Nam, những chuyến đi về nguồn và trải nghiệm lịch sử như vậy vẫn chưa có nhiều đối với học sinh, sinh viên. Đáng nói, cần  có nhiều chương trình đủ hấp dẫn, nhiều tương tác cho người tham gia chứ không chỉ dừng ở tham quan kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Làng Hoa Kỳ (Kỳ cuối): Giáo dục lịch sử sao cho xứng tầm?

Từ bài học của ngôi làng lịch sử Mỹ

Làng Hoa Kỳ là một trung tâm giáo dục tiên phong trên nước Mỹ về giáo dục công dân và lịch sử Hoa Kỳ, đã thu hút và truyền cảm hứng cho hơn nửa triệu học sinh, sinh viên từ bang Alabama và các bang phía Đông Nam nước Mỹ. Điểm đặc biệt của ngôi làng này là người tham gia được “bước vào lịch sử”, khám phá sức mạnh dân tộc và những sự kiện kịch tích trong hành trình giành độc lập – tự do – tự chủ của nước Mỹ, thông qua các chương trình học tập, trải nghiệm. 

Sứ mệnh giúp cho người trẻ Mỹ biết và hiểu lịch sử Mỹ của ngôi làng được thực hiện qua ba bước tư duy. Đầu tiên, học sinh, sinh viên cần biết những câu chuyện lịch sử. Bài học quan trọng nhất về tự do không phải là tự do mà là về những thế hệ ông cha đi trước đã xây dựng và bảo vệ nền tự do đó: Họ là ai? Họ đã làm gì cho đất nước? Chúng ta nợ họ những gì?.

Sự tự do của nước Mỹ nằm ở cống hiến và hi sinh của những người đi trước.
 Sự tự do của nước Mỹ nằm ở cống hiến và hi sinh của những người đi trước.

Sau khi biết, học sinh, sinh viên mới thấy trân trọng những lý tượng về tự do nằm trong các nguyên tắc sáng lập quốc gia, Hiến pháp và các thể chế chính phủ, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Cuối cùng, sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn sẽ khuyến khích người trẻ trở thành những công dân và nhà lãnh đạo tốt phục vụ đất nước, hay người Mỹ gọi họ là “những người quản lý tự do”. 

Làng Hoa Kỳ đã được công nhận là “Di sản Cựu chiến binh”, nằm liền kề với Nghĩa trang Quốc gia Alabama – nơi an nghỉ cuối cùng của gần 200.000 cựu chiến binh. Vào tháng 2 năm 2014, Làng Hoa Kỳ đã xây dựng Đền thờ Cựu chiến binh Quốc gia và Danh dự. Đền Cựu chiến binh được tạo hình theo khuôn mẫu của toà Philadelphia’s Carpenters Hall, trong đó có nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, và hiện vật.

Ngôi đền tôn vinh cống hiến cho sự nghiệp độc lập tự chủ của đất nước của những cựu chiến binh đã ra đi hoặc hiện còn sống dưới hình tượng Nữ thần Tự do. Người tham quan còn có thể xem Sổ đăng ký Danh dự Cựu chiến binh, trang web và cơ sở dữ liệu chứa các bức ảnh, bản phác thảo tiểu sử và câu chuyện về các cựu chiến binh Mỹ và các thành viên tích cực của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ.

Làng Hoa Kỳ (Alabama Mỹ) gói gọn hành trình độc lập của nước Mỹ trong khuôn viên một ngôi làng
 Làng Hoa Kỳ (Alabama Mỹ) gói gọn hành trình độc lập của nước Mỹ trong khuôn viên một ngôi làng

Trong hầu hết các ngày học tại Làng Hoa Kỳ, học sinh được bước vào vai trò đại biểu cho Công ước Hiến pháp năm 1787, được khám phá những tài liệu liên quan đến dòng chữ “We the People ...” (Chúng ta, Con người…). Trung tâm của ngôi làng này là Phòng học của Hội trường Độc lập và Hội trường Quốc hội, lấy cảm hứng từ Hội trường Độc lập của Hoa Kỳ và Hội trường Quốc hội liền kề cố đô Philadelphia của Mỹ.

Tại đây, học sinh, sinh viên được trải nghiệm khoảnh khắc công bố những tài liệu lịch sử quan trọng nhất của Hoa Kỳ: Bản Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp Hoa Kỳ và  Bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Đây không chỉ là di tích lịch sử trên mảnh da cũ mà đại diện cho “niềm tin chính trị của chúng ta; văn bản hướng dẫn công dân” và  “bảo đảm các phước lành của tự do” cho các thế hệ nước Mỹ theo quan điểm của cựu tổng thống Jefferson. 

Cha đẻ của nước Mỹ, George Washington từng thẳng thắn tuyên bố vận mệnh của nền tự do nước nhà nằm trong tay người dân Mỹ. Ông nói: “Tên nước Mỹ, thuộc về bạn, với tư cách quốc gia của bạn, phải luôn nêu cao lòng tự hào chính đáng của Chủ nghĩa yêu nước…”  Trong suốt lịch sử nước Mỹ, tinh thần người Mỹ và trách nhiệm của công dân Mỹ đã được thử thách qua các thời kỳ đói nghèo và thịnh vượng, chiến tranh và hòa bình, chia rẽ và thống nhất. Ngôi làng văn hoá lịch sử quan trọng này góp phần nhắc nhở người trẻ Mỹ về một hành trình “Chúng ta” thành “Con người” cũng như nhắc nhở họ về chức vụ cao nhất nước Mỹ: Công dân.

Đến công tác giáo dục lịch sử tại Việt Nam

Từ bài học kinh nghiệm của nước Mỹ, có thể thấy mô hình “trường học gắn với cuộc sống”, “du lịch tham qua về nguồn cội” đang phát triển nhiều năm nay. Hiện nay, có nhiều trường tiểu học, THCS, THPT đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử.

Việc tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm thực tế như trên là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. 

Tuy nhiên, chủ yếu các chuyến đi này vẫn dừng ở các hoạt động ngoại khoá, còn các hoạt động trải nghiệm chủ yếu là “cưỡi ngựa xem hoa”. Đáng nói, các chuyến du lịch về nguồn không chỉ gói gọn trong các bảo tàng, khu di tích mà có nhiều ngôi làng cũng hàm chứa các câu chuyện lịch sử quan trọng. 

Đơn cử, cụm di tích danh thắng ven biển Hải Thanh (tỉnh Thanh Hoá) là một quần thể di tích đền chùa miếu mạo phong phú từ lâu đời, được đánh giá có nhiều tiềm năng trở thành điểm du lịch về nguồn kết hợp “về quê”. Cụ thể, Cụm di tích bao gồm Đền thờ tứ vị ở Lạch Bạng, hay đền Lạch Bạng – ngôi đền cổ dưới thời vua Lê, Nguyễn, toạ lạc trên một mỏm núi Do Xuyên, thể hiện sự ngưỡng vọng và lòng biết ơn tới các anh hùng dân tộc, các vị tướng có công mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước như Quang Trung hoàng đế, Tô Hiến Thành, Lý Thái Úy và Hoàng Minh Tự.

Học sinh Việt Nam tham quan và trải nghiệm văn hoá tại di tích đền Hùng
 Học sinh Việt Nam tham quan và trải nghiệm văn hoá tại di tích đền Hùng

Mặt khác, Đền Quang Trung ghi nhận một sự kiện lịch sử quan trọng với dân xứ này trong sử sách. Đó là vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã cho ém đội thủy quân tại Nghi Sơn, Lạch Bạng, được cư dân các làng biển nơi đây hỗ trợ nhiệt thành. Sau khi khải hoàn trở về, vua Quang Trung ghi nhận công lao của người dân Lạch Bạng, đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ Ngài, hằng năm cúng bái. Dù có những câu chuyện hay, điểm đến này vẫn xa lạ trong các tour du lịch giáo dục, du lịch về nguồn cội. 

Có thể nói, lịch sử Việt Nam gắn bó sâu sắc với làng quê Việt Nam, nhưng điều này dường như đang bị lãng quên trong quan điểm làm du lịch của các nhà quản lý. Dẫu biết việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo dục truyền thống cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng kể từ khi học sinh ngồi ghế nhà trường.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn “loay hoay” với việc làm sao để sau khi ra trường mỗi học sinh đều phải có lý tưởng đẹp, có tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào tự tôn dân tộc, phát triển về trí tuệ và thể chất, kỹ năng sống tốt, năng động, sáng tạo, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Đọc thêm