Quá khứ cả làng giàu lên nhờ nuôi rắn
Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có từ bao giờ chẳng ai biết, cả những người nuôi rắn lâu năm ở làng cũng lắc đầu. Ông Phùng Ngọc Lan (48 tuổi, ngụ thôn 3) - người nuôi rắn nhiều nhất nhì trong thôn, kể: xưa kia đây là vùng đất rậm rạp nên nhiều loài rắn trú ngụ. Thanh niên trong làng thường tìm bắt rắn làm thức ăn và bán cho các nhà giàu ngâm rượu, làm thuốc.
Khi bắt được rắn cái, họ để nuôi sinh sản. Cứ thế rắn sinh sôi nảy nở, nhà này đem cho nhà kia nuôi, dần dần thành ra cả làng nuôi rắn. Thời kỳ bao cấp, xã Vĩnh Sơn xây dựng trại nuôi rắn theo mô hình hợp tác xã bán cho Xí nghiệp dược phẩm Vĩnh Sơn sản xuất dược liệu và rượu rắn. Từ sau năm 1992, thấy nuôi rắn xuất khẩu ra nước ngoài có lợi nhuận cao, nhà nhà lập chuồng nuôi “mãng xà”.
Ông Nguyễn Văn Kiên, trưởng thôn 3 cho biết, nuôi rắn ít tốn kém, không cần nhiều lao động nên 80% hộ dân trong làng nuôi vật này phát triển kinh tế. Thức ăn cho rắn không cầu kỳ, là những con gà, vịt, ngan... mới nở, được mua từ các lò ấp thải loại với giá từ 25 – 30 ngàn đồng/kg.
Ba mươi năm nay, nguồn rắn thịt ở Vĩnh Sơn chủ yếu bán cho các thương lái ở Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh để đưa sang Trung Quốc. Giá bán trung bình 700 nghìn đồng/kg; có thời điểm được giá lên tới 1 triệu/kg.
Ngoài bán rắn lấy thịt, người dân còn có thêm nguồn thu từ các sản phẩm khác từ rắn như: Trứng rắn, rượu rắn, nọc rắn, cao rắn, da rắn ... Hộ nuôi nhiều thu được từ 1 - 3 tỉ đồng/ năm. “Năm 2010 và 2011, cả làng trúng đậm nhờ nuôi rắn. Trong hai năm đó, nhà cao tầng san sát mọc lên, nhiều nhà mua ô tô đắt tiền. Ai cũng tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng thêm chuồng trại”, trưởng thôn nhớ lại.
|
Ông Lan bên đàn rắn thịt ngày càng mất giá |
Hai năm trở lại đây, giá rắn thịt giảm dần, thị trường tiêu thụ không được “thuận buồm xuôi gió”. Hiện tại, giá bán rắn hổ mang loại một (trên 1,7kg/con) chỉ còn khoảng 480 nghìn đồng; loại 2 (1,2 – 1,7kg/con) khoảng 400 nghìn đồng/kg; loại 3 (dưới 1,2kg/con) chỉ còn 300 nghìn đồng/kg. Với mức giá thấp, trong khi chi phí đầu tư cao khiến người dân Vĩnh Sơn có nguy cơ thua lỗ cao.
Nhà ông Lan trước đây lúc nào cũng nuôi từ 1.000 con rắn trở lên, mỗi năm thu về hơn tỉ đồng. Nhưng năm nay vợ chồng ông mất ăn mất ngủ khi chứng kiến cảnh giá rắn mỗi ngày một xuống. Ngồi trước đàn rắn, giơ tay tính nhẩm, ông Lan buồn buồn: “Năm nay thì lời lãi không dám mơ, nếu bây giờ bán thì ít nhất cũng lỗ 300 triệu. Không chỉ nhà tôi mà nhà nào nuôi rắn trong làng cũng như đang ngồi trên đống lửa, chờ giá lên cao. Mà để rắn lâu quá, tốn tiền thức ăn, nếu có lên giá một chút, bán vẫn lỗ”.
Bài học cay đắng bán trứng rắn
Vào mùa đông này, gia đình ông Lan dùng máy sưởi trong chuồng cho rắn. Theo kinh nghiệm ông Lan, cứ trời lạnh là rắn nghỉ ăn, ảnh hưởng lớn đến trọng lượng nên trước mùa rét phải xuất vội, dễ bị ép giá. “Nếu giờ không bán thì phải đợi đến tháng 5 năm sau, khi thời tiết đã nóng, rắn ăn nhiều, sinh trưởng mới bán được”, ông Lan nói.
Tuy nhiên nếu cầm cự lâu, rắn sẽ hao cân, dễ chết. “Nhà nào cũng phải vay ngân hàng mới có vốn chăn rắn, nhà tôi vay hơn một tỉ, sắp tới phải trả lãi hơn 300 triệu. Nhà tôi còn vay mượn được để trả lãi sòng phẳng cho ngân hàng, còn nhiều nhà không có tiền trả lãi, đành phải bán giá rẻ chứ biết làm thế nào”, vẫn lời ông Lan.
Ông Phùng Quang Hà, một thương lái trong làng chia sẻ: “Thực ra lúc này rắn không khó bán, nhưng vì giá xuống quá thấp nên ai cũng “om” lại. Ngày nào vợ chồng tôi cũng hai chuyến ô tô lên cửa khẩu. Thị trường chính là Trung Quốc, nay tỏ ra khó tính, chê hàng và ép giá khiến lái buôn chúng tôi cũng phải chịu cảnh thua lỗ chẳng kém người chăn nuôi”.
Lí giải nguyên nhân “sút” giá đột ngột, ông Hà cho biết, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rắn rất mạnh, chủ yếu cung ứng cho các nhà hàng. Thời điểm năm 2010, các cơ sở thu mua bên đó có nhu cầu mua thêm trứng rắn hổ mang về ấp, trả giá cao 150 nghìn đồng/quả. Thấy bán trứng có lãi cao, mất ít công, ít vốn nên người dân ồ ạt đem hết trứng đi bán.
Năm 2011, họ trả giá trứng thấp hơn, chỉ 50 nghìn đồng/quả, nhưng giá này vẫn còn lãi nên dân Vĩnh Sơn có bao nhiêu trứng vẫn dồn bán hết. “Song song việc mua trứng rắn, thương lái Trung Quốc vẫn mua rắn thịt, khiến dân mình chủ quan, vẫn tăng gia mở rộng quy mô nuôi. Trứng rắn bán ngày xưa nay họ đã nuôi thành rắn thịt, không cần mình nữa”, thương nhân này cho hay.
Sau khi mua trứng ồ ạt, người nước ngoài xây dựng rất nhiều xưởng chăn nuôi rắn quy mô lớn, đầu tư thiết bị hiện đại, thức ăn công nghiệp, có điều hòa bốn mùa nên rắn không nghỉ ăn vào mùa đông, vẫn sinh sản nhanh, năng suất thịt cao.
“Bởi vì lí do đó mà sau khi mua trứng của ta từ năm 2010 đến nay, rắn của họ đã lớn. Các xưởng chăn nuôi đủ khả năng cung cấp cho thị trường của chính họ. Từ đó dẫn đến việc thu mua bên mình giảm và có tình trạng ép giá”, anh Hà giải thích cụ thể hơn.
“Mình dại ở chỗ tham lợi nhuận tức thời, bán trứng rắn cho nước ngoài. Giá như mình có hiệp hội, có tổ chức, biết được người ta mua rắn trứng về làm giống, tự cung cấp cho thị trường thì mình đừng bán trứng. Từ chỗ nắm quyền chủ động, nay trở thành bị động, bị họ ép giá. Đây là bài học đắng lòng cho những người dân nuôi rắn ở đây, cũng là kinh nghiệm quá đắt giá”. - một người dân Vĩnh Sơn than thở.