Người dân chờ đợi
Hồ Linh Quang ở phường Văn Chương (quận Đống Đa) là một trong những hồ ô nhiễm bậc nhất ở Hà Nội. Hơn chục năm qua, đây là chỗ tập trung rác thải và chỗ trú ngụ cho chuột bọ, muỗi gián, gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân. Ông Ngô Tiến Ngọc - Chủ tịch UBND phường Văn Chương tâm sự: “Dự án vẫn chưa được triển khai để chống ô nhiễm. Việc này phải chờ cấp thành phố và quận, phường không đủ sức giải quyết”.
Người dân ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng đang chờ đợi cải thiện hồ Cần và Ao cá Bác Hồ - hai công trình được triển khai hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thế nhưng đến nay dự án vẫn “tắc” và người dân đang khát khao môi trường hai hồ này được cải thiện để bà con có chỗ vui chơi, thư giãn tinh thần.
Ông Trần Văn Hân - cán bộ xây dựng đô thị phường Vĩnh Tuy cho biết: “Hồ Cần được hoàn thành từ năm 2010 nhưng vẫn chưa bàn giao cho phường, đến nay không ai quản lý. Ao cá Bác Hồ cũng được kè từ năm 2009 nhưng do thiếu vốn nên dự án đó dở dang, đang ô nhiễm”.
Ông Hân cho biết thêm, để quản lý tốt ao, hồ thì cấp trên phải giao cho phường, cấp kinh phí duy tu hàng năm, nhưng điều đó đã không được thực hiện. Chẳng biết khi các cơ quan có trách nhiệm “ngó đến” thì các hồ này có còn nguyên vẹn?
Ao hồ bị “khai tử” vì quản lý chồng chéo
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn địa bàn Thủ đô hiện chỉ còn 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha, riêng hồ Tây đã chiếm hơn 500ha (gần 50% diện tích ao hồ). Người Hà Nội vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của thực trạng ao, hồ mất dần và ô nhiễm. Họ là thủ phạm góp phần “xóa sổ” ao hồ và làm cho hồ ô nhiễm.
Từ vài năm trước, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã khảo sát và đưa ra con số có tới hơn 90% ao, hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm. Đến nay, sự chuyển biến cũng không nhiều. Nhiều cống thải của các hộ gia đình và hàng quán cũng thải thẳng ra hồ không qua xử lý, là nguồn phốt pho và nitrat làm tăng các loại thực vật nổi và tảo. Các loại tảo có vòng đời rất ngắn, khi chết đi sẽ tích tụ dưới đáy hồ ngày một nhiều, làm giảm thể tích hồ.
Mặt khác, quá trình phân hủy tảo cần có một lượng lớn ôxy trong nước, vì vậy sẽ làm giảm lượng ôxy hoà tan trong hồ, gây ảnh hưởng đến các loài động vật thuỷ sinh và tạo ra khí có mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh ao, hồ.
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đưa ra thông tin, có 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm làm bãi đỗ ôtô, tụ điểm tập kết phế liệu và rác thải. Những hồ lớn như hồ Tây, từ năm 1987 đến nay đã bị “hao” diện tích tới 50ha; hồ Trúc Bạch bị mất gần 1/4 diện tích. Một số hồ giờ chỉ còn nghe tiếng chứ thật ra đã bị xóa sổ! Đó cũng là một phần nguyên nhân cứ đến mùa mưa, người dân Hà Nội lại phải... chạy lụt.
Hiện tượng đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác thường xuyên diễn ra ở các hồ chưa được kè, trong khu vực dân cư. Rác thải xả trực tiếp xuống hồ là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp diện tích sử dụng, giảm khả năng điều hòa thoát nước.
Vì sao ao hồ Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng bị thu hẹp? Nhiều chuyên gia cho rằng, do các cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm và nguy cơ bị lấn chiếm, ô nhiễm vẫn đang hiện hữu. Cụ thể, ông Tạ Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường thì quản lý chất lượng nước, Sở Xây dựng quản lý về hạ tầng, các quận, huyện lại quản lý về địa giới hành chính. Chỉ riêng ao hồ mà nhiều cơ quan quản lý nên bị chồng chéo và sự quản lý sẽ lỏng lẻo”.
Ông Trương Mạnh Tiến - Chủ nhiệm CLB Ao hồ Hà Nội cho rằng, ao hồ Hà Nội là những “lá phổi” của thành phố và đông đảo người dân. Bảo vệ ao hồ chính là bảo vệ cuộc sống người dân. Ông Tiến kêu gọi mọi người hãy hạn chế sự ô nhiễm của ao, hồ để cải thiện chất lượng không khí, trước mắt giúp bầu không khí khu vực dân cư, những người dân thường tụ về trở nên trong lành hơn.
Thanh, kiểm tra phải đi cùng ý thức giữ gìn
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, như thanh tra, kiểm tra và xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; thí điểm xử lý ô nhiễm nước hồ và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa cải tạo môi trường các hồ nội thành...
Cuộc chiến giải cứu các ao, hồ trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận vô cùng tốn kém và phải có sự kết hợp của nhiều ngành chức năng và dựa vào ý thức người dân.