Nhiều người cho biết họ thường xuyên nghe thấy những tiếng la hét, những bóng ma lởn vởn quanh các hành lang đổ nát ở đây. Trên thực tế, vị trí này từng là nơi giam giữ, tra tấn tàn nhẫn các tù nhân trong Thế chiến II.
Nơi quân Nhật chiếm đóng và tra tấn tù nhân
Được xây dựng từ năm 1930 trên con đường Netherveron, bệnh viện Old Changi có một lịch sử thú vị và cũng vô cùng rùng rợn. Thời điểm đó, Singapore chưa tách khỏi Malaysia, và vẫn là thuộc địa của Anh, nên bệnh viện gồm 3 tòa nhà 24, 37 và 161được xem là một phần của doanh trại quân đội.
Từ năm 1942- 1945, khi Nhật Bản tấn công Malaysia, bệnh viện Old Changi trở thành một trong những địa điểm đầu tiên lọt vào tầm ngắm. Sau khi chiếm đóng, quân Nhật biến nơi đây thành nhà tù, giam giữ hơn 50.000 binh lính.
Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện ANZUK và phục vụ các thành viên của lực lượng vũ trang Liên bang Úc, New Zealand và Vương quốc Anh. Mười năm sau, bệnh viện được chuyển cho Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) và nó trở lại thành bệnh viện chuyên phục vụ chăm sóc y tế cho nhân viên SAF và gia đình của họ.
|
Bệnh viện Old Changi |
Tuy nhiên, Old Changi nổi tiếng không phải vì là nơi chăm sóc bệnh nhân tốt mà vì những lời đồn đoán quanh những hồn ma lẩn khuất trong bệnh viện. Một số người dân địa phương quả quyết họ thà chịu đau ở nhà còn hơn đến bệnh viện ma ám. Nhiều người tin nơi đây là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng thưa thớt.
Năm 1994, người ta chuyển bệnh viện Changi đến địa điểm mới. 3 năm sau, Old Changi chính thức bị bỏ hoang. Năm 2006, một công ty đã thu mua bệnh viện này với hy vọng chuyển đổi khu đất thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng, tuy nhiên ý tưởng thất bại do thiếu tài chính. Sau đó, một dự án biến bệnh viện này thành khu nghỉ dưỡng cũng thất bại vào năm 2010.
Rùng rợn những câu chuyện ma quái
Với quá khứ đẫm máu như thế nên bệnh viện Old Changi luôn gắn liền với những câu chuyện ma ám được người dân xung quanh rỉ tai nhau. Nhiều người dân cho rằng bệnh này viện bị ma ám, rằng nơi này là nơi giao thoa giữa sự sống và cái chết.
Theo đó, thời điểm Nhật chiếm đóng, có nhiều lời truyền miệng cho rằng: khi xâm chiếm Singapore và các bãi biển của Changi, quân Nhật đã giết hại dã man nhiều thường dân và tù nhân chiến tranh ở đây bằng cách chặt đầu. Có nhiều tin đồn về những căn phòng tra tấn dã man và hành quyết đẫm máu tù binh chiến tranh của phát xít Nhật ở đây. Thậm chí sau chiến tranh, nhiều người cho biết chính quân đội Nhật Bản cũng bị xử tử tại ngôi làng Changi này.
Hồ sơ tù binh chiến tranh bị tra tấn đến chết ở Old Changi đến giờ vẫn là một bí ẩn. Bệnh viện đã bị tàn phá sau thời gian dài chiếm đóng của phát xít Nhật. Cửa sổ bị vỡ, các mảnh kính khắp mọi nơi, hình vẽ graffiti ở trên tường càng tạo nên một bức tranh ghê rợn. Không thắc mắc tại sao hiện giờ, chính phủ Singapore lại quản lý chặt chẽ việc vào thăm bệnh viện.
Các cư dân xung quanh khẳng định thường xuyên nghe thấy tiếng la hét vọng lại từ các hội trường bỏ trống, hay nhìn thấy những “hồn ma không đầu” đẫm máu lảng vảng trong khuôn viên bệnh viện ma này. Chúng được cho là oan hồn của những người lính, tù nhân bỏ mạng nơi đây trong quá khứ. Số khác tin rằng bệnh viện Old Changi bị ám bởi linh hồn của một người bảo vệ từng qua đời ở đây vì một lý do bí ẩn. Một số người còn khẳng định, mình bị đẩy bởi những bàn tay vô hình, nhìn thấy một phụ nữ tỏa ra luồng khí hắc ám, hay mơ thấy mình bị những người đàn ông mặc quân phục tra tấn.
Một người Singapore tên Emmanuel Chan cho biết: “Không hề có ma ở đây, Tôi đã đến đây vì nghe nói là có ma ám. Tôi đi cùng với nhiều người bạn, chúng tôi không thấy điều gì bất thường cả. Giờ tôi hoàn toàn sẵn sàng đến đó một mình vào buổi đêm nếu ai đó trả tiền cho tôi làm điều đó.”
Hiện tượng kỳ bí nổi tiếng nhất thường xảy ra với một nhóm thợ săn ma – những người bạo gan thám hiểm bệnh viện vào ban đêm. Theo đó, những người này thường đi thành nhóm và một thành viên trong nhóm bỗng dưng mất tích trong một khoảng thời gian ngắn. Thành viên mất tích sau đó trở về và kể lại trải nghiệm đáng sợ của mình.
Theo lời kể, họ vô thức đi theo một người bạn đến một góc hẻo lánh của bệnh viện. Sau đó, họ nhận ra người mà họ đang đi theo không còn giống như bạn của họ nữa, mà đúng hơn là một người nào đó, hoặc…thứ gì đó. Cái bóng lạ đó nói với họ: “Bạn không thuộc về nơi này, nó rất nguy hiểm. Xin đi cho và đừng bao giờ quay lại”, nói xong cái bóng bí ẩn biến mất.
|
Khung cảnh rùng rợn bên trong bệnh viện Old Changi |
Vào năm 2017, một đoạn video về cảnh một y tá bế em bé trong bệnh viện này phát tán khắp các trang mạng xã hội, làm dấy lên cuộc tranh luận về tính xác thực của nó và sự ma quái của bệnh viện Old Changi và những huyền bí bên trong nơi này.
Bất kể là ngày hay đêm, bệnh viện Old Changi lúc nào cũng bị bao phủ bởi không khí lạnh lẽo đến rợn người. Nó được xếp vào một trong những địa điểm rùng rợn nhất đảo quốc sư tử. Câu chuyện ma ám ở bệnh viện Old Changi được lan truyền rộng rãi, thế nhưng chưa bao giờ được xác nhận. Những nhà thám hiểm luôn bị thu hút bởi bệnh viện Changi bí ẩn. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến Changi để tận mắt tham quan địa điểm bị đồn thổi là ma ám này.
Ngoài ra, một điều đáng sợ hơn chính là khu Old Changi Hospital nằm ngay bên cạnh khu Changi Commando Barrack - Trại lính cũ của Nhật và là nơi xử tử các phạm nhân, đây cũng là địa điểm ma ám đáng sợ nhất Singapore, từ năm 1990 đến nay không ai được phép bước vào khu vực này.
Sau nhiều năm đóng cửa bỏ hoang, Old Changi Hospital đã trở thành nơi ma ám nổi tiếng của Singapore thu hút nhiều nhà thám hiểm và những tay săn ma đến tham quan. Thậm chí, sự ma quái v à hoang vắng của bệnh viện đã trở thành bối cảnh của một loạt bộ phim truyền hình nổi tiếng như Grow Up, The Crime Hunters, CID và Incredible Tale…Năm 2011 một bộ phim lấy bối cảnh của Old Changi Hospital đã được ra mắt vời tên gọi “Haunted Changi” đã gây sốt phòng vé và khiến khán giả “ngất ngay tại rạp”.
Ngày nay, công trình Bệnh viện Old Changi vẫn còn nguyên vẹn nhưng đã bị chính quyền cấm tiếp cận. Cảnh sát Singapore thậm chí phải đặt biển cảnh báo với nội dung: “Cảnh báo! Từ năm 2016, 20 người đã bị cảnh sát bắt giữ hoặc điều tra vì xâm nhập Bệnh viện Old Changi”.