Lao động xuất khẩu bị lừa: Đã có nơi “bấu víu”?

(PLO) - Rất nhiều người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng do thiếu hiểu biết hoặc quá cả tin nên đã bị lợi dụng mà không biết khiếu nại ở đâu.
Phần lớn lao động xuất khẩu gặp vấn đề chỉ biết kêu chính doanh nghiệp tuyển dụng trong nước.

Không còn “nóng” như nhiều năm trước nhưng lừa đảo trong xuất khẩu lao động vẫn có cơ hội hoành hành khi nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của thanh niên nông thôn thất nghiệp hiện vẫn cao.

Không biết kêu ai

Ông L.X. Đán, ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chấp nhận bỏ ra 60 triệu đồng với hy vọng con trai ông được đi Nhật làm việc nhanh chóng, theo lời của một nhân vật “cò” môi giới xuất khẩu lao động của một doanh nghiệp ở Bắc Ninh, có chi nhánh tại Văn Điển.

Sau hơn một năm “tiền trao” mà gia đình ông vẫn chưa được “ cháo múc”, ông Đán quyết định hành trình đòi nợ với hơn chục lần ngược xe khách từ Hà Tĩnh đi Bắc Ninh. Cuối cùng ông cũng chỉ đòi được gần 40 triệu đồng. Số tiền còn lại ông ngậm đắng nuốt cay chấp nhận mất bởi “vất vả quá”.

Cũng cho rằng mình bị lừa, nhưng chị Mai Thi Th ở Thái Bình thấy oan ức hơn bởi lúc đó chị đã ở trên đất người, một thân một mình không biết kêu ai. “Thay vì làm 10 tiếng/ngày như trong hợp đồng thì tôi phải làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, không được tiếp xúc với ai, không được ra ngoài, không biết tiếng… tôi gần như bất lực chấp nhận”, chị kể sau khi hết hạn về nước.

Thực tế, trường hợp như ông L.X.Đán và chị Mai Thị Th không phải hy hữu. Song điều đáng nói ở đây là, người dân gặp sự cố trước và sau khi đi xuất khẩu lao động bởi nhiều nguyên nhân đều không biết kêu ai, không dám gửi đơn khiếu nại vì họ nghĩ vấn đề của họ sẽ không được giải quyết.

Kết quả nghiên cứu thực địa về cơ chế khiếu nại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, phần lớn lao động gặp vấn đề đều chỉ biết gọi điện hoặc gửi đơn đến chính doanh nghiệp tuyển dụng trong nước, “cò” môi giới, hoặc chính quyền địa phương.

100% gọi điện đến doanh nghiệp và 70% lao động khi gặp sự cố tìm đến chính quyền, nơi mà theo mọi người là thường né tránh hoặc giải quyết theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Theo ILO, thông thường những vấn đề mà lao động gặp phải dẫn đến gửi đơn khiếu nại là sau khi đã đóng tiền mà không “xuất ngoại” được, hoặc sự khác nhau giữa các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng với công việc thực tế như: lương thấp hơn, giờ làm kéo dài hơn, và điều kiện ăn ở không đảm bảo… Có đến 90% người được hỏi cho biết họ thất vọng với thực tế công việc ở nước ngoài.

Cũng theo ILO, phần lớn lao động quyết định không khiếu nại vì không biết nơi gửi đơn thư hoặc họ nghĩ rằng họ sẽ không được trợ giúp. Khoảng 30% số lao động được hỏi cho biết đơn thư khiếu nại của họ được tiếp nhận nhưng 100% lao động trong số này cho biết họ không hài lòng về kết quả xử lý khiếu nại.

Đã có nơi “bấu víu”?
Tại một cuộc tọa đàm về vấn đề này diễn ra tại TP.HCM mới đây, đại diện Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước của ILO phối hợp với Cục Quản lý Lao động ngoài nước (MRC) khẳng định, cơ quan này có thể giúp người lao động tìm đúng địa chỉ, đảm bảo quyền lợi cho lao động theo pháp luật khi họ gặp sự cố liên quan đến lĩnh vực đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, trong nước, MRC hỗ trợ người lao động tìm đúng địa chỉ của các cơ quan, doanh nghiệp được cấp phép, tránh bị lừa đảo. Khi người lao động đã đi làm ở nước ngoài gặp khó khăn, cũng được hướng dẫn đến đúng để được trợ giúp.

Theo báo cáo của MRC, tính đến hết  tháng 12/2014, MRC đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hơn 13.500 lao động; Từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014 đã có 40 trường hợp hỗ trợ pháp lý được thực hiện cho 95 người, với số tiền thu lại cho người lao động là khoảng 250 triệu đồng.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước đã triển khai được 5 trung tâm hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 5 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi và Phú Thọ, những địa phương mà lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cao.

Sắp tới, tổ chức này sẽ triển khai mô hình  tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, nhằm hạn chế được lừa đảo xuất khẩu lao động.

Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước ( MRC) hướng dẫn người lao động nếu gặp bất cứ sự cố gì liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động có thể tìm đến trụ sở của văn phòng: Tầng 1, Toà nhà Cục Quản lý lao động ngoài nước, 41B Lý Thái Tổ, Hà Nội; Điện thoại: (84-4) 39366633; Email: mrcvietnam@gmail.com

Đọc thêm