Lão ngoan đồng
Chu Bá Thông là nhân vật có võ công tuyệt đỉnh, nhưng dường như trong giang hồ chỉ biết ông với tư cách là sư đệ Vương Trùng Dương, người được suy tôn là võ công đệ nhất thiên hạ sau cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất. Có lẽ, vì có người sư huynh quá nổi tiếng, cho nên Chu Bá Thông cũng vì thế bị lu mờ đi phần nào. Ông được giang hồ gọi là lão ngoan đồng chính bởi tính cách hồn nhiên, có phần ngay thơ.
Dù đã cao tuổi, nhưng Chu Bá Thông tính tình như đứa trẻ con, luôn nghĩ ra những trò đùa tai quái, gây nên những hậu quả khó lường. Ngoài bản tính đó, họ Chu cũng là người say mê nghiên cứu, tập luyện võ công đến mức điên cuồng.
Sự ngây thơ của Chu Bá Thông đã để lại không ít chuyện tai ương, người ta nhớ về ông nhất vẫn là chuyện tình đầy bi kịch với Anh Cô. Khi đó, Vương Trùng Dương dẫn sư đệ đến nước Đại Lý gặp Nam Đế Đoàn Trí Hưng để truyền cho vị vua này môn Tiên Thiên Công, nhằm sau này khắc chế Cáp Mô Công của Tây độc Âu Dương Phong.
Trong thời gian này, khi sư huynh đang say mê đàm luận võ công thì người sư đệ lại mặc sức nghịch ngợm, quậy phá trong hoàng cung Đại Lý. Cũng từ đó, ông quen với Lưu Quý phi, một sủng phi của Đoàn Trí Hưng. Sau đó, hai người nảy sinh tình cảm và sinh được một con trai. Dù được Nam Đế tha tội chết, gả quý phi cho, nhưng với đầu óc quá đỗi ngây thơ của mình, Chu Bá Thông chỉ coi đó như một chuyện bình thường, nếu không muốn nói là trò đùa.
Cũng vì tính tình trẻ con, Chu Bá Thông bị Đông Tà Hoàng Dược Sư lừa chơi trò bắn bi, sau đó bị đoạt mất bộ Cửu Âm Chân Kinh mà trước khi mất, Vương Trùng Dương phó thác cho ông bảo vệ. Sau khi lên đảo Đào Hoa đoạt lại cuốn kinh bất thành, Chu Bá Thông bị giam cầm trên đảo, và vô tình kết giao với cô nàng Hoàng Dung vô cùng thông minh, xinh đẹp.
Sau này, khi rời khỏi đảo Đào Hoa, người đọc lại chứng kiên vô số trò đùa tai quái của Chu Bá Thông, như màn rượt đuổi với Bang chủ Thiết Chưởng bang Cừu Thiên Nhận, đánh cược với Tây Độc về việc giết cá mập trên biển, học Tiểu Long Nữ nuôi ong, trốn chạy tình nhân Anh Cô.
Với Chu Bá Thông, Kim Dung đã xây dựng nên một nhân vật đặc biệt. Một người lớn, với tâm hồn trẻ con, thật đặc biệt.Khác hẳn với một cao thủ võ lâm, thậm chí với một người bình thường, khi càng lớn lên, càng dễ bị cuốn theo dòng xoáy của anh chữ “danh vọng” mà đánh mất đi tâm hồn trẻ con, hướng thiện của mình. Nếu xét về khía cạnh người học võ, vòng xoáy của tham vọng, của những ám ảnh về việc làm sao để trở thành người vô địch thiên hạ luôn khiến họ mờ mắt.
Nhưng với Chu Bá Thông, mọi sự chỉ như một cuộc chơi, học võ chẳng phải để mình mạnh hơn để áp đảo quần hùng như những kẻ ác, cũng chẳng phải để làm điều hiệp nghĩa như những anh hùng. Đơn giản, tất cả chỉ gói gọn trong chữ “thích”. Với ông, đó chỉ đơn thuần như một món đồ chơi, mà bản tính trẻ con chơi hoài không chán.
Chu Bá Thông cũng không nuôi lòng thù hận, như việc bị Tây Độc hãm hại, nhưng ông không ghét, bị Đông Tà đánh gãy chân, giam cầm đến 15 năm nhưng ông không thù. Là người ngang hàng với nhóm ngũ tuyệt, nhưng ông lại kết làm huynh đệ với Quách Tĩnh, một kẻ hậu bối. Càng đáng buồn cười hơn nữa khi ông thậm chí kết nghĩa kim lan với cả Dương Quá, người thậm chí gọi Quách Tĩnh là bá bá (bác). Tất cả cũng chỉ bởi với Chu Bá Thông, danh vọng, địa vị chỉ là hư không.
Đệ nhất cao thủ
Một người không màng đến bất cứ thứ gì ngoại thân, ấy vậy mà cuối cùng, vị trí Kim Dung đưa Chu Bá Thông đến lại là đệ nhất cao thủ. Ông là trở thành Trung Thần Thông, là trung tâm, người cao cường nhất trong nhóm ngũ tuyệt sau cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba (4 người còn lại là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Cuồng Dương Quá, Nam Tăng Nhất Đăng đại sư và Bắc Hiệp Quách Tĩnh).Dù Hoa Sơn luận kiếm không đọ sức phân cao thấp, nhưng nếu xét về đơn đả độc đấu, quả thật không ai vượt qua được Chu Bá Thông.
Ông nổi tiếng với môn tuyệt kỹ do chính ông tạo ra: Song thủ hỗ bác. Đây môn võ “phân tâm nhị dụng”, biến một thành hai, chia tâm trí ra làm đôi, một người nhưng là hai người, võ công tăng lên gấp bội. Chính đầu óc ngây thơ, chất phát và lương thiện thì mới học được môn võ công này bởi cái tâm phải tĩnh như nước, không vướng bụi trần, không so đo tính toán với thiên hạ. Bởi vậy cũng chỉ hai người có đủ các tố chất như thế mới học được Song thủ hỗ bác là Quách Tĩnh và Tiểu Long Nữ.
Ngoài môn võ trên, Chu Bá Thông cũng là người sáng tạo ra 72 tuyệt chiêu của bộ Không minh quyền. Đây là môn võ được biết đến là chí âm, chí nhu trong thiên hạ. Bí quyết của môn võ này là lấy hư đánh thực, lấy không đủ thắng có thừa. Quyền lực như có như không, bên trong chữ nhu mang tính mềm dai, thân thể mềm mại như trùng, sức lực xuất quyền chỉ là hư, quyền chiêu thường thường không có gì lạ, nhưng khi giao đấu với đối thủ lại cực kì lợi hại. Môn võ này yếu quyết của nó cũng giống như Thái cực quyền mà hơn 100 năm sau Trương Tam Phong sáng tạo ra.
Ngoài việc tự sáng chế võ công, Chu Bá Thông là đệ tử phái Toàn Chân, cho nên không cần nói cũng biết ông thành thạo võ công phái này như thế nào. Hãy xem chỉ cần dùng võ công bản môn mà Vương Trùng Dương trở thành vô địch thiên hạ để thấy Chu Bá Thông, trưởng bối tại phái Toàn Chân cao cường đến như thế nào.
Thậm chí, họ Chu còn coi khinh cả Hàng long thập bát chưởng vì cho rằng môn võ này chỉ có giới hạn nhất định, không thể lên đến cảnh giới tuyệt đỉnh như Tiên Thiên công của Toàn Chân giáo. Ông cũng cho rằng võ công của phái Toàn Chân như thuyền trôi giữa đại dương, dù luyện như nào cũng không có đích đến. Một tâm hồn trẻ thơ như Chu Bá Thông, lời nhận xét đó là không thể xem thường, bởi ông không biết khoác lác.
Cuối cùng, điểm mạnh nhất của Chu Bá Thông chính là học được trọn bộ Cửu âm chân kinh. Ông đến với môn võ này cũng theo cách “không muốn mà có”. Khi đó, Quách Tỉnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu âm chân kinh và cũng vô tình mà luyện thành. Đây là bộ tuyệt kỹ ẩn chứa sức mạnh vô biên, có thể giúp các cao thủ xưng hùng xưng bá giới võ lâm.
Cũng chính vì sự lợi hại của Cửu âm chân kinh mà trong võ lâm luôn bị khuấy động can qua. Không ít cao thủ trên giang hồ đổ máu cũng vì tranh giành nhau bộ kinh này. Vợ chồng Trần Huyền Phong – Mai Siêu Phong chỉ cần có quyển thượng của của bộ kinh mà đã trở thành cao thủ, khuấy đảo giang hồ, thì đủ biết người học được cả quyển thượng – quyển hạ như Chu Bá Thông sẽ có võ công như thế nào.