Lão nông 40 năm mày mò lai tạo bằng được giống nhãn quý trên đất Vĩnh Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 40 năm gắn bó với cây ăn trái trên quê hương Vĩnh Long, lão nông tuổi 70 đã tìm tòi, ghép thành công giống nhãn siêu trái, cơm dày, từ đó tạo "chỗ đứng mới" cho loại quả này trên thị trường...

Gần 10 năm gắn bó giống nhãn siêu trái

Lão nông ấy là ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1957, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), người đàn ông mang tình yêu mãnh liệt với cây nhãn.

Ông cho biết đã gắn bó hơn 40 năm với nghề trồng các loại cây ăn trái. Không biết bao nhiêu lần ông khắc khoải vì sao vòng lặp được mùa - mất giá và được giá - mất mùa cứ xoay quanh người nông dân. Từ đó, ông quyết tâm làm sao để cây ăn trái Việt Nam ngày càng ổn định, không những trúng mùa mà còn phải được giá, đồng thời xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nhiều hơn, đến được những thị trường "khó tính".

Ông Nguyễn Văn Phúc - chủ nhân giống nhãn siêu trái (ảnh NVCC).

Ông Nguyễn Văn Phúc - chủ nhân giống nhãn siêu trái (ảnh NVCC).

Và trong một lần tình cờ ông Phúc được người thân tặng giống nhãn của Mỹ. Thấy ngon nên cuối năm 2014, ông Phúc mạnh dạn ghép những giống nhãn đầu tiên. Mãi đến năm 2016, ông Phúc mới tìm thấy tín hiệu khả quan. Đến cuối năm 2018, ông Phúc chính thức ghép thành công giống nhãn siêu trái. Hơn 4 năm ròng rã, ông đã chi phí hơn 500 triệu cho việc tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm về đặc tính của giống nhãn mới này.

"Để cho ra một giống tốt, tôi không ngại đi ra tận Daklak hay xuống tận Bạc Liêu để nghiên cứu sức chống chịu, ra hoa đậu trái, độ ngọt của loại nhãn này. Tôi liên tục đến nhiều nơi mua các giống nhãn về ghép. Biết là tốn kém, nhưng chỉ có như vậy mình mới hiểu hết đặc tính của nó ra sao mà phát triển hoàn thiện", ông Phúc chia sẻ.

Giống nhãn mới có vỏ dày, hạt nhỏ và cơm dày.

Giống nhãn mới có vỏ dày, hạt nhỏ và cơm dày.

Vườn ông Phúc đang có hơn 500 cây nhãn siêu trái. Vụ đầu tiên, ông thu hoạch 13 cây, trung bình mỗi cây cho ra sản lượng 100 - 150kg. Đối với hàng chọn trái siêu to khoảng 20 - 22 trái/kg, hàng tiêu chuẩn 50 - 55 trái/kg. Không chỉ cho trái nhiều, loại nhãn này có hạt nhỏ, cơm dày cùng với vị ngọt thanh.

Theo ông Phúc, nhiều nhà vườn tìm đến ông để mua cây giống là vì loại nhãn này có nhiều đặc tính nổi trội. Cụ thể, khi đến thời gian thu hoạch trái nhưng lại rơi vào vụ mất giá hay thời tiết bất lợi, nông dân có thể chủ động "neo trái" đến tận 1,5 tháng mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng của trái và sức của cây. Bên cạnh đó, tuy trái cho cơm dày nhưng lại rất dễ tách nên rất thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường khó tính. Ngoài ra, giống nhãn này rất ít công chăm sóc, chi phí giảm 50% so với nhãn Ido.

Sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó

Hiện nay, giống nhãn của ông Phúc được nhiều người biết đến. Một công ty ở TP Hồ Chí Minh đã bao tiêu đầu ra với giá bán 80.000 đồng/kg, cao hơn gấp 3 - 4 lần so với các loại nhãn khác. Nhãn giống của ông Phúc có giá bán lẻ 300.000 đồng/cây, đang không đủ cây để bán.

Phương pháp cắt da để tránh ra trái sớm được ông Phúc sử dụng thay cho phân hoá học.

Phương pháp cắt da để tránh ra trái sớm được ông Phúc sử dụng thay cho phân hoá học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhãn của ông được thương lái ưa chuộng một phần là vì chất lượng của cây giống, phần còn lại là vì trong quá trình chăm sóc ông Phúc luôn hạn chế tối đa sử dụng phân hoá học và ưu tiên các phương pháp sinh học.

“Vườn nhãn của tôi được xây dựng và chăm sóc theo mô hình khép kín, tận dụng các nguồn cá có sẵn tại địa phương để làm phân hữu cơ. Nên vừa vào vụ là đã có người đến cọc trước”, ông Phúc nói.

Trung bình mỗi tháng ông Phúc bán ra thị trường 100 - 200 cây giống với giá 300.000 nghìn đồng/cây.

Trung bình mỗi tháng ông Phúc bán ra thị trường 100 - 200 cây giống với giá 300.000 nghìn đồng/cây.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đặng Trương Hoài Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Ông Phúc ghép thành công loại nhãn siêu trái không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình mà còn là tin mừng cho người nông dân nói chung. Tuy nhiên, việc nông dân chọn trồng giống nhãn siêu trái này để phát triển kinh tế cũng cần phải thận trọng, tránh ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.

"Hiện UBND xã Chánh An đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục báo cáo về UBND huyện Mang Thít để đăng ký thương hiệu giống nhãn siêu trái này với tên gọi Phúc An theo đơn đề nghị của ông Phúc", ông Linh thông tin thêm.