Nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Từ đó, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hàng Việt chiếm ưu thế tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Ảnh:TTXVN).
Hàng Việt chiếm ưu thế tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Ảnh:TTXVN).

Nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt

Để Cuộc vận động ngày càng lan tỏa, hiệu quả cao, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã triển khai, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động. Gắn kết việc tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua của các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Cuộc vận động cũng được các sở, ban ngành, địa phương chú trọng triển khai với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Trong đó, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ 22 sản phẩm OCOP của tỉnh vào tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà, 1 đơn vị đưa sản phẩm vào hệ thống Co.opmart, 7 đơn vị vào siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang). Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 5 đơn vị ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh cũng hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Sở Công thương tỉnh đã đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử tỉnh: http://sanphamninhthuan.vn. Qua đó, hỗ trợ 92 đơn vị tham gia sàn với trên 300 sản phẩm OCOP... Ngoài ra, tổ chức hai điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt” tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc), xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Điểm nổi bật trong công tác thực hiện Cuộc vận động của tỉnh Ninh Thuận trong năm 2023 đó là đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu, quảng bá về hàng Việt cụ thể: Cuộc thi trực tuyến “Bình chọn sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận được yêu thích” trên nền tảng fanpage Facebook. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức của người dân tạo điều kiện quảng báo, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhất là tận dụng các nền tảng số để tuyên truyền Cuộc vận động.

Tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉnh cũng tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của bà con vùng cao.

Đến nay, đã hình thành 2 điểm bán hàng Việt tại huyện Thuận Bắc và huyện Bác Ái. Hiện nay, hàng Việt chiếm khoảng 90% trong các chợ nông thôn, chủ yếu là các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi góp phần bình ổn thị trường, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thông qua hoạt động đưa hàng Việt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quảng bá hàng Việt, khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy phát triển, hình thành các kênh phân phối hàng Việt uy tín phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi cũng đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Qua đó, người dân sẽ có cái nhìn đúng về chất lượng hàng Việt, đây cũng là cách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mặt khác, tham gia đưa hàng Việt về vùng “khó khăn” cũng đồng nghĩa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường nông thôn, miền núi.

Nhằm khuyến khích tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh vay vốn với lãi suất 0% trong thời hạn 3 tháng để dự trữ hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, miễn phí tiền thuê gian hàng tại các phiên chợ, hỗ trợ hình mở các điểm bán hàng Việt theo nhu cầu thực tế của địa phương và các đơn vị tham gia.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, các phiên chợ, hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn; tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường; ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao trong mua sắm tài sản công...

Tiếp tục thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ninh Thuận diễn ra ngày 27/12/2023, ông Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thói quen mua sắm hàng Việt của người dân, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất trong cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Trong đó, chú trọng tới việc tổ chức, đổi mới thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số trong thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời, chấp hành nghiêm việc đăng ký nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đột phá; Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại điện tử, hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; Tổ chức các cuộc thi trực tuyến về sản phẩm OCOP, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà phân phối hàng Việt, diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng...

Đối với UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo rà soát, ban hành cơ chế, chính sách cần thiết thúc đẩy sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh ngày càng phát triển.