Vinh danh 'Y thánh Việt Nam' giữa lòng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO phê chuẩn trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024” với công lao đóng góp, cống hiến cho nền y học của dân tộc Việt Nam. Tại phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông, người dân và du khách sẽ được tìm hiểu nghề đông y truyền thống, các bài thuốc quý.
Phố Lãn Ông tập trung nhiều cửa hàng đông y, buôn bán thuốc nam với lịch sử hàng trăm năm. (Ảnh: P.V)
Phố Lãn Ông tập trung nhiều cửa hàng đông y, buôn bán thuốc nam với lịch sử hàng trăm năm. (Ảnh: P.V)

Nhà y dược học vĩ đại

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Đây cũng là giai đoạn ông có duyên nghiệp với nghề y, hành nghề bốc thuốc và trở thành Đại danh y của nước ta.

Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích, gắn bó.

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng để lại nhiều tác phẩm lớn như: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học. Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.

Tìm hiểu nghề thuốc đông y tại phố cổ Hà thành

Khu phố cổ Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa rõ rệt, chủ yếu là khu phố nghề với các nghề thủ công truyền thống. Trong đó, phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề đông y, buôn bán thuốc nam, thuốc bắc. Phố Lãn Ông với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc đông y với hơn 70 cửa hàng thuốc đông y trải dài trên đường phố dài khoảng 200m. Đây cũng là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội giữ được nghề truyền thống theo tên gọi. Sau hàng trăm năm lịch sử, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc đông y nổi tiếng tại Thủ đô, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và nước ngoài.

Năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang phố Lãn Ông để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề truyền thống trong khu phố cổ. Nghề thuốc đông y ở phố Lãn Ông không chỉ nổi tiếng với các kỹ thuật nghề, các phương pháp điều trị đa dạng mà giá trị của nghề còn được thể hiện qua các y huấn mà những bậc tiền nhân để lại như Hải Thượng Lãn Ông với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người”.

Nhân kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hướng tới sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được phê chuẩn trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024” với công lao đóng góp, cống hiến cho nền y học của dân tộc Việt Nam, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động “Trưng bày, giới thiệu phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông tại phố cổ Hà Nội”. Đây không chỉ là dịp giới thiệu tới công chúng, du khách trong nước và quốc tế biết đến các giá trị đặc sắc của nghề mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, đóng góp thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống của Việt Nam.

Hoạt động trưng bày, giới thiệu phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông diễn ra các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần bắt đầu từ giữa tháng 5/2024 tại khuôn viên Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) - di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có giá trị của khu phố cổ Hà Nội. Tại đây trưng bày và giới thiệu nghề đông y Việt Nam, tái hiện không gian hoạt động nghề đông y truyền thống như tranh ảnh, tư liệu lịch sử, các gian hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu, các bài thuốc quý, các hoạt động chăm sóc, tư vấn bấm huyệt cho người dân miễn phí…