Lao vào tâm bão cứu người dân

(PLO) - Bão số 11 chồng lên bão số 10 quần nát đất và người Quảng Bình. Bất chấp đất trời cuồng quay trong “cơn thịnh nộ”, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội vẫn lao vào tâm bão lũ cứu người dân…
Lao vào tâm bão cứu người dân

Mệnh lệnh từ trái tim

1h ngày 16/10, một trận lốc xoáy kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn 3 thôn: Hà Sơn, Linh Cận Sơn và Xóm Dài của xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch đã gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, khiến hơn 350 ngôi nhà bị tốc mái, 70 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; hàng chục người bị thương và 3 người chết sau trận lốc xoáy ấy. Nhiều người dân trong đó có người già và trẻ nhỏ còn bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống. 

Thực hiện mệnh lệnh từ trái tim “Cứu người dân là trên hết”, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Bình đã huy động hầu như toàn bộ xuồng cao tốc, xe quân sự và lực lượng cán bộ, chiến sĩ có mặt tại khắp nơi trong tỉnh để sẵn sàng cùng dân ứng phó với bão số 11.
Hơn 50 chiến sĩ cùng 4 xuồng cao tốc, 7 xe quân sự nhanh chóng có mặt tại xã Quảng Sơn để triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn. Đến cuối chiều ngày 16/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ CHQS tỉnh đã ứng cứu, di dời hơn 200 người dân địa bàn các thôn trên ra khỏi vùng nguy hiểm. 
Cùng với việc di dời người và tài sản, ngay trong chiều tối 16/10, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ hơn 100 thùng mì tôm, lương khô, 50 thùng nước uống, đồng thời che dựng lều bạt, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân.
Sáng 17/10, thêm 100 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 996 tiếp tục được Bộ CHQS tỉnh điều động tăng cường giúp nhân dân xã Quảng Sơn khắc phục hậu quả do lũ, lốc xoáy gây ra. 
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiếu - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh này, ngoài việc điều động lực lượng kịp thòi đến cứu dân, đơn vị còn phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và đưa thêm 100 cán bộ chiến sĩ khác để tỏa về các địa phương giúp dân. 
Chúng tôi gặp binh nhất Mai Văn Tư (Tiểu đoàn 42 – Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) người lấm lem bùn đất, cả ngày hôm nay anh chưa được nghỉ ngơi và anh cũng không muốn nghỉ bởi: “Chúng tôi nhận lệnh ra hỗ trợ cho bà con ở xã Quảng Sơn từ hôm 16/10 đến bây giờ. Trên đường đi cũng không nghĩ cảnh tượng sau lốc xoáy và lũ kinh hoàng đến thế. Chúng tôi không thể cầm lòng, nhiều người thấy bà con khóc cũng sụt sùi khóc theo...”, anh Tư nói.
Quân đội giúp bà con dọn nhà sau bão.
Quân đội giúp bà con dọn nhà sau bão.

Giúp dân gượng dậy

Dòng nước lũ đỏ đục vẫn quây lấy xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, lính Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã có mặt ở vùng lũ khủng khiếp này. Từng lớp sóng lũ mạnh như muốn dúi chiếc ca nô giữa dòng, nhưng những gói mì tôm, lương khô, nước uống đã được mang đến tận tay bà con. 
Liên tiếp những ngày sau, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng lại tiên phong để giúp bà con nơi đây sớm ổn định cuộc sống. Họ đã cùng dân thu dọn lại những đồ vật còn sót lại, sửa sang nhà cửa và một số công trình dân sinh, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân. 
“Mấy mẹ con trong nhà đều tha phương làm ăn ở tận Sài Gòn nhưng không khá được, lại quay về dựng ngôi nhà ở tạm (tại thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Minh - PV). Sau 5 phút lốc xoáy đã tan tành hết trong đêm, sáng thì lụt lội ập về… Ngước lên than trời rồi biết sống răng đây? Khi các anh lính biên phòng đến dọn nhà, mang nước uống, cấp cho mì tôm ăn tạm đỡ đói mới biết rằng dân tui còn đồng chí, đồng bào chia sẻ, cực khổ mấy cũng gắng đứng lên xây dựng lại…”, bà Phạm Thị Hường chia sẻ.

Đại tá Dương Ngọc Bội – Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Bình - khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chúng tôi, những người lính biên phòng sẽ bám trụ lại đây lâu nữa; sẽ làm hết sức mình, cùng với chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang giúp sức dân gượng dậy sau lốc xoáy, lũ ngập”. Với tấm lòng sẻ chia, BĐBP tỉnh này cũng đã hỗ trợ cho người dân vùng lũ một số lượng mì tôm, nước uống, lương khô và nhiều vật dụng khác trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ở nhiều xã như Sơn Trạch, Phúc Trạch… của huyện Bố Trạch, hình ảnh những chiến sĩ công an hiên ngang trên những chiếc thuyền, ca nô vượt dòng lũ dữ mang nước uống, mì tôm, lương khô đến với từng người dân hẳn sẽ không bao giờ mờ phai trong ký ức đồng bào nơi đây. Chúng tôi và người dân các huyện vùng Nam huyện Quảng Trạch cũng thế, quên sao được hình ảnh những anh lính trẻ biên phòng, quân đội tuổi chỉ mới đôi mươi tay vác chiếc kèo, cái cột nhà, tay chặt cây đầy khẩn trương, cần mẫn và trách nhiệm.

Bão lũ đi qua, đau thương, xót xa, tan hoang để lại. Nhiều người dân trắng tay  chỉ sau một trận lốc xoáy, một cơn lũ dữ; nhiều vùng quê như quay lại cả chục năm vì thiệt hại như lời ông Trần Thanh Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch đã thốt lên: “Dân bi đát lắm rồi! Thiệt hại kinh khủng, phải sau 10 năm nữa dân mới gượng dậy nổi và xây dựng lại được như trước…”.  Những đứa con mất cha, những gia đình từ nay vắng mẹ, vợ chồng mất nhau, những học sinh mất cô giáo mãi mãi…

***

Bão lũ, lốc xoáy dồn dập khiến đồng bào đã có lúc cùng cực đến tuyệt vọng, ngửa mặt lên kêu than phận khổ không thấu trời xanh. Nhưng qua thiên tai, hoạn nạn mới hiểu vì sao con người Quảng Bình gan góc, dũng mãnh trước thiên nhiên khắc nghiệt đến thế. Lũ lụt hàng năm vẫn tàn phá, hạn hán vẫn đày đọa đất và người nhưng con người nơi mảnh đất này vẫn trong gian lao, khốn khó mà gây dựng lại bởi “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, bởi đồng bào còn có đồng chí, đồng đội, những anh lính Cụ Hồ… với mệnh lệnh từ trái tim: “Cứu người dân là trên hết”, sẵn sàng quên mình xông pha vào gian khó, gánh vác cùng người dân giữa khốn khó muôn bề…

“Là lính trẻ, ngoài nghĩa vụ cao cả bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc, chưa bao giờ chúng tôi thấy dân cần mình như lúc này. Đến hết đời tôi cũng không quên được hình ảnh người mẹ ôm con ngồi trên mái nhà giữa bốn về lũ vây, nước mắt giàn giụa vì xúc động, tay run run cầm vội mấy gói mì tôm, những chai nước uống… Và chúng tôi, sẽ lại xông pha khi Tổ quốc, nhân dân cần”, binh nhất Mai Văn Tư bày tỏ.

Đọc thêm