Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump trước cuộc bầu cử năm nay đã tuyên bố nếu bị thất cử thì chỉ bởi có gian lận và bị phe Đảng Dân chủ “đánh cắp chiến thắng”. Ông Trump hàm ý sẽ không chịu công nhận thất cử. Hình thức công nhận thất cử được thể hiện bằng việc người thất cử gọi điện thoại hoặc ra tuyên bố chúc mừng người đắc cử.
Thật ra, luật pháp hiện hành ở Mỹ không quy định bên thất cử phải công nhận kết quả. Chính quyền từng bang thông qua người được ủy quyền xác nhận kết quả bầu cử, tức là công nhận người thắng cử giành được số đại cử tri được phân bổ cho bang ấy. Mỗi bang có quy định riêng về thời điểm đưa ra xác nhận này, nhưng chậm nhất là trước ngày 8/12.
Từ đó có thể thấy việc người thất cử không chịu nhận thua không ảnh hưởng gì tới kết quả cuộc bầu cử. Người này có quyền khiếu kiện ở các cấp toà án ở Mỹ, có thể lên tới tận Tòa án Tối cao. Tòa án có thể có, nhưng cũng có thể không xem xét khiếu nại, có thể đưa ra phán xử công nhận hay không công nhận kết quả bầu cử, yêu cầu hay hay không yêu cầu kiểm phiếu lại, quyết định tiếp tục hay không tiếp tục công việc kiểm phiếu. Luật pháp không bắt buộc người thua và kẻ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống phải có liên hệ trực tiếp với nhau.
Luật thì như thế nhưng truyền thống chính trị ở Mỹ lại đã tạo thành cái lệ là người bị thất cử có hình thức thể hiện sự công nhận là đã thất bại. Cái lệ này, bắt đầu từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1896 khi ứng cử viên thất cử William Jennings Bryan gửi bức điện chúc mừng tới ứng cử viên đắc cử Willam McKinley. Cũng từ đấy, việc công nhận thất cử và chúc mừng người đắc cử còn được coi là biểu hiện của dân chủ và văn hóa, đạo đức chính trị ở nước Mỹ.
Trên phương diện này, trường hợp được nhắc đến nhiều nhất và coi như điển hình là phát biểu của thượng nghị sĩ John McCain năm 2008: “Nhân dân Mỹ đã quyết định và họ quyết định rất rõ ràng. Vừa mới đây, tôi có được vinh hạnh điện thoại với thượng nghị sĩ Barack Obama để chúc mừng ông đã được bầu làm Tổng thống mới của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu quý”.
Trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay chưa từng có ứng cử viên tổng thống bị thất cử nào không công khai công nhận thất cử. Năm 2000, ông Al Gore lúc đầu chúc mừng ông George W.Bush nhưng rồi rút lại sự công nhận này và yêu cầu kiểm phiếu lại vì mức độ chênh lệch phiếu bầu giữa thắng và thua quá suýt soát.
Cái lệ này ở Mỹ được đặc biệt coi trọng vì nó báo hiệu cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ chứ không bị đẩy vào cuộc chiến pháp lý quyết liệt và dai dẳng ở các cấp toà án. Sự công nhận của ứng cử viên thất cử là thông điệp xác nhận kết quả bầu cử và lời yêu cầu phe cánh chính trị của mình công nhận và chấp nhận kết quả mà không phản đối hay khiếu kiện gì nữa. Ở nước Mỹ, cái lệ này là một trong số rất ít những điều không phải luật mà được coi trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh như luật.
Ông Trump hiện tại đang chủ ý phá cái lệ ấy với việc khởi động những trình tự pháp lý tại các bang mà ông Biden đã giành về được phần thắng sát nút. Còn ông Biden ngay từ trước cuộc bầu cử đã cho biết là sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, tức là sẵn sàng hành xử theo cái lệ kia.