Tiếng “Xuân” còn có ý nghĩa trai gái vừa lòng nhau, yêu nhau. Ở Việt Nam ngày xưa, chính những ngày xuân, ngày hội hè đình đám là cơ hội cho nam nữ được đi chơi xa hơn ngày thường, là cơ hội nam nữ gặp gỡ nhau rất bạo dạn rồi tìm hiểu lấy nhau.
Thời xưa lễ giáo phong kiến có phần trung thành với thuyết “nam nữ thụ thụ bất thân”, thế mà trong những ngày đó trai gái lạ mặt chưa từng quen biết lại sát cánh chuyện trò chơi giỡn và kết bạn công khai như trò đánh đu.
Còn nhiều trò chơi có tính cách vui chung giữa nam và nữ. Nào là trò kéo dây tức là kéo co là một trò chơi tập thể có một bên nam một bên nữ; bên nào hơn thì được uống rượu, bên nào thua thì phải uống nước. Nào là trò bắt chạch là một trò chơi cổ.
Dự thi phải có từng cặp: Một trai một gái tay choàng cổ ôm nhau, còn tay kia kéo vào chum sâu để khoắng tìm chạch trong đó. Nào là thổi cơm thi dệt vải thi, nào là đánh cờ người, nhảy sạp… Tất cả đều cho thấy người phụ nữ Việt Nam thường thẹn thò e lệ thế nào, nhưng trong những ngày hội xuân, họ rất bạo dạn và cởi mở.
Ở những nơi mà lễ giáo phong kiến chưa có quyền lực mấy thì những tục giao thiệp giữa nam và nữ bạo dạn hơn. Ở Nghệ An, ở Lang Chánh (Thanh Hóa)… ngày Tết người ta tổ chức đi “chơi hoang”. Có nơi như hang Ré (Lang Chánh) người ta mang cỗ bàn lên cúng thần, trong một ngày ở chỗ cửa hang là nơi hội ngộ của bao nhiêu trai gái.
Họ ăn mặc đẹp hơn những ngày thường, rồi thổi khèn, hát đúm, tung “còn”, uống rượu với nhau. Cuối cùng từng cặp dắt nhau đến một nơi thanh vắng tìm hiểu hay đính ước.
Quan họ Bắc Ninh |
Ngày Tết không chỉ là mùa gặp gỡ riêng của nam nữ. Đây cũng là ngày vui chơi của thanh thiếu nhi và các cụ già. Xưa, thanh thiếu nhi trước ngày Tết đến, tổ chức thành phường súc sắc súc sẻ (từ Nghệ An vào Nam gọi là phường Sắc Bùa).
Chừng mươi người đến giao thừa đi chúc các gia đình, các em còn đi mùng tuổi họ hàng thân thích và theo tục lệ, mọi người có để sẵn một phong bao lì xì cho các em.
Mùa xuân còn là mùa gặp gỡ vui chung cùng mọi hạng người. Người ta tổ chức hội hè đình đám để cho mọi người cùng dự, cùng vui. Ở miền núi người ta thường tổ chức thành những buổi đi săn; ở miền có ao, hồ, sông người ta thường tổ chức thành những buổi đánh cá có tính cách mở rộng cho nhiều gia đình, nhiều người trong thôn xóm cùng dự, cùng vui vẻ.
Chẳng hạn như hội Tróc ngư của làng Ngư Xá (Hà Đông), làng Phù Lưu (Hà Tĩnh). Ngày hội đến, cả làng bất kì trai gái già trẻ đều xuống ngòi hay cánh đồng lầy đổi cá. Mỗi người có một phần việc của mình: Kẻ chăng lưới, người úp nơm, người xua cá… Xong làm cỗ tế thần, đem số cá đánh được chia cho từng người.
Qua những việc trên, ta thấy người Việt coi những ngày đầu năm là việc vui chung, chẳng những một mình mình vui mà còn phải tỏa cái vui ra xung quanh nữa. Ngày đó người ta xoa dịu phiền não, giảm bớt sự bực tức giận dữ.
Tục ngữ có câu: “Giận cho chết, ngày Tết cũng vui”. Do đó người ta kiêng cãi cọ, kiêng chửi bới, kiêng nói xấu nhau, đánh nhau, kiêng đến cả những tai nạn nhỏ như đứt tay trong ba ngày Tết. Những ngày này hình như có một ước lệ từ nghìn xưa để lại là đoàn kết, dẹp thù oán.
Tại sao người Việt lại hay kiêng, hay nói cho đúng là thận trọng những cử chỉ ngôn ngữ của mình trong những ngày Tết? Cố nhiên cái thận trọng đó có bao hàm tính chất mê tín, nhưng nó cũng bộc lộ tư tưởng và nguyện vọng của con người.
Như đã nói trên, Tết là một dịp để cho mọi người vui chung; người nào người đấy đều tỏ ra là mình vui vẻ, hòa nhã với. Mặt khác người ta ao ước năm mới phải có một sự mới, một tiến bộ hơn năm qua, mà sự mới, sự tiến bộ đó phải bắt đầu nghiêm chỉnh thi hành từ ngày đầu năm.
Con người ta mỗi năm đều có nguyện vọng khôn ngoan, giàu có, trưởng thành hơn. Do đó người ta không tiếc lời chúc tụng nhau: Nào quý, phúc, lộc, “sinh năm đẻ bảy”, “thọ tăng thêm thọ”. Người ta kiêng hót rác vì theo truyền thuyết, thần tài cũng có khi oái oăm chui vào đó.
Người ta cắm nêu, vạch vôi và vẽ cung tên cũng vì theo truyền thuyết ngày Tết, quỷ được đức Phật cho vào đất liền thăm quê cũ, vậy phải dùng một phép tắc huyền bí không cho quỷ quấy nhiễu. Tất cả những cái gì làm cho con người được bình yên mạnh khỏe và giàu có sung sướng dù bằng ảo tưởng đều được dùng đến, để hy vọng năm mới sẽ hơn năm cũ.
Nhảy sạp
|
Trước đây, ở một số địa phương, vào ngày đầu năm người ta có tổ chức phiên chợ Tết để cho mọi người đi chợ với ý nghĩa rũ cho hết mọi sự xúi quẩy ngu dại trong năm; đón cái hạnh phúc, cái khôn ngoan của năm sắp đến, như chợ Đồng (Hà Nam), chợ Phủ Giầy (Nam Định).
Đến ngày phiên chợ Phủ Giầy, mỗi người cố mang một thứ hàng bất kỳ là hàng gì, bất kỳ nhiều hay ít, chỉ lo bán được chạy, nghĩa là bán cho được cái dại của năm cũ đi.
Ở Nghệ An ngày trước cũng có tục lệ tương tự: Hoặc mang một vài thứ hàng lặt vặt ra bán hôm mùng Một như gạo, bánh kẹo… không cần lấy lãi; hoặc từ mờ sáng mùng Một đã đi rao “ai mua dại không?”, không cần có người trả lời.
Tất cả những tục lệ trên, nếu truy tìm ý nghĩa sâu xa, sẽ thấy nguyện vọng chung là muốn cmọi sự trong năm mới đều hơn năm cũ./.