Lệ trước, luật sau

(PLVN) - Cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Nga lại một lần nữa làm thời sự hoá câu chuyện về luật và lệ này. Chừng nào còn tồn tại tình trạng “lệ trước, luật sau” thì chừng đấy các mối quan hệ quốc tế và trật tự thế giới không thể ổn định bền vững thật sự được.

Tỏng thống Nga Vladimir Putin.
Tỏng thống Nga Vladimir Putin.

Mới rồi, cử tri ở Nga trong cuộc trưng cầu dân ý đã chấp thuận những sửa đổi hiến pháp hiện hành theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã được lưỡng viện lập pháp Nga thông qua. Một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng nhất ở những sửa đổi Hiến pháp này là quy định đặt luật pháp quốc gia của Nga lên trên luật pháp quốc tế.

Cụ thể ở đây là xác lập trật tự hiệu lực giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế chứ không tìm kiếm sự hài hoà giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế. Nước Nga đưa vào hiến pháp chủ trương hoặc nguyên tắc này thôi chứ thật ra đâu có phải là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện chuyện lệ trước, luật sau. Luật ở đây là luật pháp quốc tế.

Trong thế giới ngày nay, luật pháp quốc tế chế tài mối quan hệ giữa các quốc gia và đối tác với nhau. Các nước và các đối tác công nhận luật pháp quốc tế và dùng nó để ràng buộc lẫn nhau vào lợi ích và trách nhiệm trong các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương với nhau.

Ở những thời trước đây thì không nói làm gì, nhưng ở thời hiện tại, cách hiểu cần thiết chung là luật pháp quốc gia phải tương đồng với luật pháp quốc tế hoặc ít nhất thì cũng không trái ngược với luật pháp quốc tế.

Quốc hội Nga không thể đặt luật pháp quốc gia của Nga lên trên luật pháp quốc tế.
Quốc hội Nga không thể đặt luật pháp quốc gia của Nga lên trên luật pháp quốc tế. 

Điều này có nghĩa rằng trong quá trình xây dựng pháp luật ở phạm vi quốc gia, các nước luôn phải để ý đến luật pháp quốc tế. Cái lệ ở đây là coi trọng luật pháp quốc gia trước và sau đó mới lưu ý đến luật pháp quốc tế. Coi trọng luật pháp quốc gia ở đây còn bao hàm cả ý viện dẫn luật pháp quốc gia để biện minh cho những quyết sách hay hành động bất chấp hoặc vi phạm luật pháp quốc tế.

Ở nước Mỹ, tổng thống Donald Trump thể hiện cái lệ này trong khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” mà ông Trump thực hiện. Ở nước Nga, cái lệ này đã được hiến pháp hoá thông qua cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi.

Còn Trung Quốc lại thực thi nó trên thực tế khi thúc đẩy tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước ở khu vực Biển Đông, xâm chiếm trái phép một số đảo chìm và đảo nổi ở đây, thay đổi hiện trạng khu vực bằng xây dựng đảo nhân tạo, công khai coi những lãnh thổ chiếm đóng trái phép và vùng biển nơi đây thuộc về Trung Quốc.

Hay như Israel dùng cách tương tự để thôn tính lãnh thổ của láng giềng vào lãnh thổ của Israel. Cái lệ này không phản bác hay vô hiệu hoá luật pháp quốc tế một cách chung chung mà chỉ trong những trường hợp, vụ việc hay vào thời điểm nhất định. Cả ở đây cũng còn thấy bóng dáng của một cái lệ khác nữa là luật pháp quốc tế được các đối tác kia vận dụng và đề cao khi có lợi cho họ và bị bất chấp hay vi phạm khi nó gây bất lợi cho mưu tính nào đấy của họ.

Lệ có thể được đặt cao hơn và lấn át luật như vậy bởi quốc gia vừa chủ động vừa có thực lực để đảm bảo luật quốc gia được thực hiện trong khi không có cơ chế nào đảm bảo cho luật pháp quốc tế luôn được tuân thủ và thực hiện. Nói theo cách khác, cái lệ trên luôn khả thi hơn luật pháp quốc tế.

Khác so với luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế chỉ có thể khả thi ở mức độ các nước và các đối tác trên thế giới tôn trọng và tuân thủ nó. Mỹ là ví dụ điển hình nhất. Mỹ tham gia các tổ chức quốc tế nhưng khi Mỹ không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm, chẳng hạn như về tài chính của thành viên thì cũng chẳng ai làm gì được Mỹ.

Cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Nga lại một lần nữa làm thời sự hoá câu chuyện về luật và lệ này. Chừng nào còn tồn tại tình trạng “lệ trước, luật sau” thì chừng đấy các mối quan hệ quốc tế và trật tự thế giới không thể ổn định bền vững thật sự được.

Đọc thêm