Là dưỡng tử của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Cha nuôi mất đi, Lê Văn Khôi nổi dậy nơi thành Phiên An, gây nên sự kiện “sự biến thành Phiên An” kéo dài 3 năm (1833-1835) làm cho vua Minh Mạng vất vả đánh dẹp. Sau sự biến ấy, biết bao nhân mạng phải đầu lìa cổ, hồn lìa xác...
Con nuôi quan Tổng trấn
Tộc phả dòng họ Bế-Nguyễn khi viết về Lê Văn Khôi, cho hay được cả dung mạo, tính cách, rằng: “Bế Nguyễn Nghê (Hai Khôi tức Nguyễn Hựu Khôi) là người cao lớn, dũng mãnh, tính hay khôi hài, tài võ xuất chúng. Sức có thể nhấc được hai cối đá lớn, có thể nắm tay bóp nát quả dưa, mỗi bữa cơm bình thường rượu thịt đều 5 cân mà vẫn chưa đủ no”.
Còn “Cao Bằng tạp chí” do Bế Nguyễn Huỳnh soạn năm Canh Thìn (1820), thu thập truyền thuyết dân gian kể lại, theo đó Khôi thủa bé thông minh, lớn lên có sức khỏe phi thường, lượng ăn thì vô kể. Có giai thoại chứng tỏ sức lực của Khôi, rằng “Một hôm có 20 người dân bản khiêng 4 cây gỗ lim đi qua trước cửa nhà Khôi ngồi nghỉ ngơi. Ai nấy đều toát mồ hôi thấm ướt lưng vai, rất mệt nhọc.
Khôi trông thấy cười nói rằng: Các anh xoàng quá, vài cây gỗ mà phải bấy nhiêu người khiêng! Mọi người nói: Vậy thì anh vác thử xem! Khôi nói: Các anh hãy nhường hết phần cơm sáng nay cho tôi thì tôi sẽ giúp. Mọi người đồng ý. Khôi bèn vác hai vai hai cây gỗ lim, hai nách cặp hai cây khác (?) nhảy qua khe rộng hơn một trượng. Mọi người thán phục tranh nhau nhường phần cơm của mình cho Khôi. Khôi ăn một hơi hết nhẵn 20 suất cơm”.
Ấy, truyền thuyết đất Cao Bằng còn lưu truyền lại về Khôi như thế. Trong khi dân đất vùng Hà An, Hà Quảng, Thông Nông ở Cao Bằng thì truyền, Khôi thuở bé ham chơi nhưng học giỏi và có tài luyện ngựa, thuần được cả ngựa dữ của quan tỉnh. Ở nơi xa xôi cực Bắc là vậy, mà Lê Văn Khôi theo về với Lê Văn Duyệt, cớ sự ra sao?
Trong “Đại Nam liệt truyện”, cho biết việc ấy xảy ra vào năm Kỷ Mão (1819) thời vua Gia Long. Bấy giờ “hai trấn Thanh Nghệ và ở Thanh Bình (Ninh Bình), Thiên Quan (Nho Quan) những lưu dân thổ phỉ tụ họp nhau làm giặc, quan sở tại không kiềm chế nổi. Vua sai Tả quân Lê Văn Duyệt tới đó để kinh lược, Khôi mộ quân lệ thuộc dưới trướng, đánh dẹp thường có công, Duyệt yêu mến dùng làm nanh vuốt”. Điểm này, trong “Bản triều bạn nghịch liệt truyện” cũng đồng quan điểm như thế.
Vua Minh Mạng lệnh giết hết những người tham gia nổi loạn Lê Văn Khôi |
Trả thù cho dưỡng phụ
Có được Khôi trong tay, sức mạnh của Tả quân Lê Văn Duyệt lại như hổ mọc thêm cánh. Như chúng ta đã biết, oai danh của vị Tổng trấn Gia Định thành, lan ra đến cả ngoại bang còn phải nể sợ; trong vấn đề chọn người kế vị vua Gia Long, Tổng trấn họ Lê không trùng ý kiến với vua. Vì thế về sau, vua kế vị Minh Mạng lên ngôi, mang trong lòng sự thù hận với ông vì không chọn mình, chờ dịp vị công thần chết, vua mới ra tay.
Ở vụ án Lê Văn Duyệt kỳ trước, chúng ta đã hay, Bạch Xuân Nguyên vào thành Gia Định (đã đổi làm thành Phiên An) mà khơi nên mối hận thù ở Lê Văn Khôi (bấy giờ làm Minh Nghĩa vệ Phó Vệ úy) khi danh tiếng cha nuôi bị xúc phạm, còn mình và đồng chí thì bị đối xử, tra xét rất nghiệt. Bởi vậy mà “Cận đại Việt sử diễn ca” chép:
“Văn Khôi phẫn khí nghiến răng,
Đồng mưu bè đảng giết thằng Xuân Nguyên.
Cả nhà đâm chém ngửa nghiêng,
Chạy sang, Tổng đốc cửu tuyền theo chơn.
Loạn quân la hét vang rần,
Xúm nhau mổ bụng gian thần vạch ra”.
“Bản triều bạn nghịch liệt truyện” nói về việc khởi loạn của Khôi, ấy là viên quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên vốn tham lam, tàn bạo, được đặc cách bổ nhiệm nên ra sức nịnh hót triều đình, “tự xưng phụng mật chỉ tìm xét lại việc tư của Duyệt, bày nhiều nhân chứng để trị tội các thuộc hạ dưới trướng của Duyệt, tra hỏi lại bọn Khôi để kết tội, cùng để buộc tội luôn cả Duyệt nữa”.
Chính bởi sự lộng quyền của Khôi (hay sự giật dây của vua Minh Mạng) mà gây nên sự ấm ức cao trào của Khôi. Vẫn sách này chép “Tên Khôi, sợ tội đến mình, nên mưu làm loạn và nói là để báo thù cho Duyệt”.
Và thế là, nhằm ngày 18/5 năm Quý Tỵ (1833), Khôi cùng quan binh các đội Hồi Lương, Bắc Thuận, Thanh Thuận, An Thuận đột nhập vào thành giết Bạch Xuân Nguyên, bó người tên này làm đuốc tế trước mộ Lê Văn Duyệt, giết luôn Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, chiếm lấy thành mà chống lại triều đình. Chỉ trong một thời gian ngắn, theo “Việt sử tân biên”, Khôi đã chiếm được An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên, sáu tỉnh Nam kỳ lần lượt nằm trong tay Lê Văn Khôi. Đâu chỉ thế, “sự biến thành Phiên An” còn nhận được sự hưởng ứng của những lực lượng khác, như trong “Quốc sử ngâm” có ghi:
“Lê Khôi nổi loạn Nam Kỳ,
Man, Lào kháng cự, Bắc thì Nông Vân”.
Trong nghiên cứu “Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An (1833-1835), GS. Nguyễn Phan Quang cho hay, cuộc nổi dậy này, lại thêm có Xiêm La, Cao Miên hưởng ứng với Khôi, nên rất mạnh. Vua Minh Mạng bởi việc này, mà nổi trận lôi đình, trách tội Lê Văn Duyệt nuôi mầm tai họa, án hậu tử của Lê Văn Duyệt sau đó hình thành.
Cố Du bị xử lăng trì |
Án nghiệt danh cho cuộc nổi loạn
Sự biến thành Phiên An do Lê Văn Khôi đứng đầu, kéo dài tới 3 năm (1833-1835) làm cho vua quan nhà Nguyễn hết sức vất vả điều quân chống đỡ, đánh dẹp. Thế rồi, như trong “Gia Định xưa”, Huỳnh Minh cho hay, cuộc nổi dậy cũng đến lúc vãn hồi khi quan quân triều đình vây thành quanh năm suốt tháng “tình thế cực kỳ gay cấn, bấy giờ một chiến hữu đã từng thề sống chết với nhau là Vệ úy Thái Công Triều lại trở lòng quy thuận triều đình.
Đau khổ, căm hơn, lo lắng quá độ khiến thân xác ông (chỉ Lê Văn Khôi-Người dẫn chú) suy nhược. Vào khoảng tháng Chạp năm Quý Tỵ (1833) Lê Văn Khôi bịnh mất”. Tuy nhiên, trong “Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu” thì ghi Khôi mất năm Giáp Ngọ (1834).
Mất người đứng đầu, các chiến hữu của Khôi vẫn kiên trì chiến đấu nhưng rồi cuối cùng, thành Phiên An cũng bị hạ vào tháng 7 năm Ất Mùi (1835). Và đây, chính là lúc số phận những kẻ bại trận được định đoạt hết sức nghiệt ngã. Bên cạnh án của Lê Văn Duyệt được tuyên mà chúng tôi đã nói rõ ở kỳ trước, thì với những người can dự “cuộc nổi loạn”, cái chết cầm sẵn.
Hãy xem trong “Việt Nam danh tướng yếu mục” chép về số phận của họ: “Vì binh ngụy (chỉ quân Lê Văn Khôi-Người dẫn chú) bị vây đã ba năm, phần đói khác (khát) cực khổ, nên ai nấy cũng hình gầy vóc ốm; song tuy vậy chớ chạy cũng chẳng khỏi án tử hình; đức Minh Mạng lúc ấy xuống lịnh đồ sát cả thảy, chẳng chừa một đứa con đỏ.
Giết sạch thành Saigon rồi, truyền đem hết cả những thây đó vào chôn chung một huyệt tại làng Chí Hòa bây giờ, được tục kêu là “Mả Ngụy”. Chỉ có Lê Văn Khôi đã thát (thác) trước ngày thành bị lấy” (chúng tôi chép nguyên văn theo chính tả xưa).
Ấy là việc ghi chép chung về hậu kết cuộc nổi dậy, cả thành Phiên An tất thảy đều bị giết hết. Còn chung cục cụ thể, xem trong “Việt Nam sử lược”, thấy thảng thốt làm sao khi quân triều đình hạ được thành“vào bắt giết quân giặc cả thảy đến 1.831 người, đem chôn chung một chỗ”.
Theo tạp chí “Revue Indochinoise” số 7-8 năm 1915 thì 6 trọng phạm bị đóng cũi giải về Huế, trong đó có Linh mục người Pháp là Marchand (cố Du), một người Tàu tên Mạch Tấn Giai, và con trai Khôi mới lên 7. Tội tử hình được tuyên với các trọng phạm. Cố Du và 5 người kia bị tội lăng trì.
Danh sách của họ, trong “Gia Định xưa” còn ghi: Con Khôi, cố Du, Mạch Tấn Giai, Hoành, Trấm, Bột. Riêng Lê Văn Khôi bị chết trước đó, thì mộ bị quật lên, sọ bị nhốt trong cũi mà điệu về kinh để thọ hình. Đời làm vua của Minh Mạng đạt nhiều thành tựu, nhưng “sự biến thành Phiên An” cùng những án tử hàng nghìn người, vẫn là một vết đen của vị vua có nhiều cải cách này...