Luật pháp Mỹ có quy định rất cụ thể về chuyện bầu cử này. Theo đó thì cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra vào ngày Thứ Ba đầu tiên của tuần đầu tiên trong tháng 11. Cuộc bầu cử ngày hôm ấy xác định ra ứng cử viên tổng thống nào giành về được bao nhiêu đại cử tri.
Nguyên tắc bầu cử ở nước Mỹ là ứng cử viên nào giành về được đa số phiếu bầu phổ thông ở bang nào thì chiếm trọn số đại cử tri ở bang ấy. Vì nguyên tắc này mà xảy ra tình huống ứng cử viên giành được đa số phiếu bầu phổ thông nhưng không có được đa số đại cử tri như ông Al Gore hồi năm 2000 hay bà Hillary Clinton năm 2016 - cả hai đều là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ như cựu phó tổng thống Joe Biden năm nay.
Khoảng sau giữa tháng 12 của năm bầu cử, các đại cử tri nhóm họp và bầu tổng thống. Mới đây, Tòa án Tối cao nước Mỹ ra phán quyết là các đại cử tri trong hội nghị bầu tổng thống bị ràng buộc vào sự lựa chọn của đa số cử tri ở bang đấy trong cuộc bầu cử tổng thống, có nghĩa là phe nào thắng ở bang đấy trong cuộc bầu cử tổng thống thì tất cả số đại cử tri ở đó phải bầu cho ứng cử viên tổng thống của bang đấy. Quy định này của tòa án đảm bảo cho sau ngày bầu cử biết được ngay ứng cử viên nào thắng cử cho dù trên danh nghĩa chính thức vẫn còn phải chờ tới hội nghị các đại cử tri.
Đồng thời với cuộc bầu cử tổng thống là cuộc bầu cử toàn bộ Hạ viện và một phần ba số dân biểu ở Thượng viện. Luật pháp Mỹ quy định là ngày 3/1 của năm tiếp theo năm bầu cử, quốc hội mới phải họp phiên đầu tiên.
Tổng thống mới của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 năm ấy và việc bàn giao quyền bính giữa người cũ với người mới được tiến hành đúng 12h trưa cùng ngày. Theo đó, bất kể cuộc bầu cử tổng thống có thế nào thì nhiệm kỳ của tổng thống cũ cũng vẫn sẽ kết thúc vào 12h trưa ngày 20/1 của năm sau bầu cử. Trong trường hợp đến thời điểm ấy vẫn chưa ngã ngũ ai đắc cử tổng thống thì quyền bính được trao cho Chủ tịch Hạ viện.
Luật thì như vậy, trong chuyện bầu cử này ở nước Mỹ cũng còn có một cái lệ là ứng cử viên bị thất cử gọi điện trực tiếp cho ứng cử viên đắc cử chúc mừng. Cú điện thoại này tuy không được quy định trong pháp luật nhưng lại được coi là một trong những biểu tượng của đạo đức và văn hóa chính trị, tạo cái lệ chính trị bất thành văn rằng kẻ thua cuộc phải công khai thú nhận là đã thua cuộc. Cho tới nay, ở nước Mỹ luôn như thế.
Năm nay rất có thể sẽ khác. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thuộc phe Đảng Cộng hòa có những phát ngôn báo hiệu sẽ tạo cái lệ mới để bất chấp cả luật lẫn lệ nói trên. Vài tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ, ông Trump tuyên bố nếu mình tái đắc cử thì mọi chuyện đều ổn, nhưng nếu mình thất cử thì chắc chắn có gian lận bầu cử.
Ông Trump quả quyết là chỉ nhờ gian lận bầu cử thì đối thủ chính trị của mình mới có thể thắng cử. Hàm ý của ông Trump là sẽ không có chuyện công nhận bị thua, sẽ không có cú điện thoại gọi chúc mừng đối thủ chính trị đã đắc cử và sẽ không có chuyện tự nguyện trao lại Nhà Trắng cho người đắc cử tổng thống vào thời điểm cụ thể đã được luật pháp quy định.
Luật pháp hiện hành ở Mỹ không lường trước được về sau sẽ có tổng thống đương nhiệm không được tái đắc cử không chịu chuyển giao quyền lực nên giờ có nguy cơ bị cái lệ mới của ông Trump làm cho khốn khó. Cho nên không loại trừ nước Mỹ sa vào cuộc khủng hoảng chính trị và pháp lý sau cuộc bầu cử tổng thống tới.