Đừng “phá nát” theo trào lưu
Mặc dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xóa môn lịch sử khỏi chương trình. Tuy nhiên, “là một bộ môn khoa học chính thống, tại sao lại không được đưa môn lịch sử vào giảng dạy một cách bắt buộc như các môn toán, ngữ văn mà lại phải tích hợp với môn công dân với Tổ quốc?” - là câu hỏi mà tất cả các chuyên gia giáo dục đều đặt ra.
GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, lịch sử khác với giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Việc tích hợp môn lịch sử của Bộ như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính gò ép, như vậy sẽ phá nát chương trình môn lịch sử.
Theo GS Bình, ở các nước phát triển, không nước nào cho lịch sử là môn tự chọn mà luôn coi việc học môn lịch sử là bắt buộc. GS Bình cũng lo ngại nếu sử trở thành môn tự chọn ở THPT thì sẽ hiếm có người chọn môn này. Như vậy, người Việt Nam đang quay lưng lại với lịch sử dân tộc.
PGS Kiều Thế Hưng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn cho rằng, đừng nhầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó được gắn vào một môn học nào đó với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống. Nhận thức về lịch sử cũng như nhận thức về bất cứ khoa học nào là phải nhận thức trong hệ thống.
Kiến thức lịch sử có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau, nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế bộ môn lịch sử hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tai hại cho xã hội.
Chưa kể, nói đến lịch sử không chỉ nói đến tri thức khoa học thuần túy mà còn là nói tới tình cảm thiêng liêng không chỉ của thế hệ trẻ mà là của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với Tổ quốc mình. Đó không chỉ là niềm vui và tự hào mà còn chạm tới máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến và hy sinh cho dân tộc này, đất nước này.
Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Chúng ta không nên đánh đồng tầm quan trọng của môn lịch sử với môn công dân với Tổ quốc. Đành rằng thực tế hiện nay, số lượng học sinh chọn thi môn lịch sử qua các kỳ thi vừa qua đang bị giảm đáng kể, có thể do cách dạy sử của chúng ta đang có vấn đề. Nhưng xin hãy nhìn nhận vấn đề này một cách tổng thể hơn, chứ đừng chạy theo trào lưu mà quên mất cội rễ của mình”.
Cứ thấy khó là bỏ?
Thực tế cho thấy qua các kỳ thi đại học, thí sinh chọn khối C (những bộ môn khoa học xã hội như văn, sử, địa) ngày càng giảm. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh đại học 2014, khi môn sử được quy định là môn tự chọn thì có những hội đồng chỉ có một thí sinh tham gia thi.
Vì sao học sinh “né” môn sử? Dư luận, giới học thuật cũng như chính các nhà sư phạm trong cuộc đã tốn rất nhiều giấy mực để chỉ ra nguyên do. Chương trình, sách giáo khoa với kiến thức nặng nề, nhiều số liệu khô khan, khó nhớ, thiếu hấp dẫn, ít tranh ảnh, phương pháp dạy học của giáo viên còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới…
Và điều quan trọng, học sinh dù có yêu môn sử vẫn chỉ muốn vào những ngành có nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường dễ xin việc làm, lương cao hơn, nên các em phải thi các khối A, B, D. Như vậy, so với các khối thi trên, khối C thiếu hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, trong khối này, môn văn được nhiều em chú trọng để dự thi cả các ngành thuộc khối D, còn các môn sử, địa ít được quan tâm.
Thêm nữa, đa số học sinh hướng vào các khối A, B, D nên việc học sử, địa của những em này chỉ để dùng riêng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không dùng cho thi tuyển sinh đại học (trong khi các môn văn, toán, lý, hóa, ngoại ngữ dùng cho cả hai kỳ thi).
Tuy nhiên, nhìn sâu xa, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn cho rằng: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT là đơn vị thực hiện chủ trương. Chúng ta không thể trách học sinh khi các cháu rất thực tế và thấy rằng tất cả các hệ thống giáo dục không coi môn sử ra gì. Tại sao Bộ GD-ĐT không tập trung đổi mới môn sử?
Tại sao lại cứ thấy khó là bỏ, phải tìm ra cái mới mà chưa biết cái mới là cái gì, cái đó là cái đáng lo nhất. Đã là giáo dục, đừng coi đây là một nơi thử nghiệm cho những dự án mà phải hết sức thận trọng. Tôi không yên tâm khi thấy cách làm của Bộ GD-ĐT. Điều đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ lĩnh vực này”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sắp tới nếu chương trình mới được thông qua thì học sinh học lịch sử trong môn “công dân với Tổ quốc” (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong khoa học xã hội có 2 phân môn với 3 tiết, nghĩa là môn lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết. Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức lịch sử ở chương trình mới. Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn lịch sử 3 tiết). Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp.
Đừng “phá nát” theo trào lưu
Mặc dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định vị trí của môn lịch sử không có gì thay đổi, môn lịch sử vẫn được tôn trọng, vẫn là bắt buộc, không ai xóa môn lịch sử khỏi chương trình. Tuy nhiên, “là một bộ môn khoa học chính thống, tại sao lại không được đưa môn lịch sử vào giảng dạy một cách bắt buộc như các môn toán, ngữ văn mà lại phải tích hợp với môn công dân với Tổ quốc?” - là câu hỏi mà tất cả các chuyên gia giáo dục đều đặt ra.
GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, lịch sử khác với giáo dục quốc phòng an ninh và khác với nội dung giáo dục công dân. Việc tích hợp môn lịch sử của Bộ như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính gò ép, như vậy sẽ phá nát chương trình môn lịch sử.
Theo GS Bình, ở các nước phát triển, không nước nào cho lịch sử là môn tự chọn mà luôn coi việc học môn lịch sử là bắt buộc. GS Bình cũng lo ngại nếu sử trở thành môn tự chọn ở THPT thì sẽ hiếm có người chọn môn này. Như vậy, người Việt Nam đang quay lưng lại với lịch sử dân tộc.
PGS Kiều Thế Hưng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn cho rằng, đừng nhầm lẫn giữa kiến thức lịch sử cụ thể được sử dụng ở đâu đó được gắn vào một môn học nào đó với hệ thống kiến thức lịch sử của một bộ môn khoa học chính thống. Nhận thức về lịch sử cũng như nhận thức về bất cứ khoa học nào là phải nhận thức trong hệ thống.
Kiến thức lịch sử có thể được sử dụng và phục vụ cho hoạt động nhận thức của nhiều bộ môn khác nhau, nhưng nếu đem những kiến thức ấy để thay thế bộ môn lịch sử hoặc tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là sự tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là sự đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tai hại cho xã hội.
Chưa kể, nói đến lịch sử không chỉ nói đến tri thức khoa học thuần túy mà còn là nói tới tình cảm thiêng liêng không chỉ của thế hệ trẻ mà là của mỗi người dân Việt Nam đối với dân tộc, với Tổ quốc mình. Đó không chỉ là niềm vui và tự hào mà còn chạm tới máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ đã cống hiến và hy sinh cho dân tộc này, đất nước này.
Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Chúng ta không nên đánh đồng tầm quan trọng của môn lịch sử với môn công dân với Tổ quốc. Đành rằng thực tế hiện nay, số lượng học sinh chọn thi môn lịch sử qua các kỳ thi vừa qua đang bị giảm đáng kể, có thể do cách dạy sử của chúng ta đang có vấn đề. Nhưng xin hãy nhìn nhận vấn đề này một cách tổng thể hơn, chứ đừng chạy theo trào lưu mà quên mất cội rễ của mình”.