Lịch sử hào hùng của lực lượng Không quân Hải quân Nga

(PLVN) - Ngày 17/7 hàng năm được ghi nhận là ngày thành lập lực lượng Không quân Hải quân Nga. Ngày truyền thống binh chủng này về mặt chính thức chỉ mới được xác định vào năm 1996. Tuy nhiên, lực lượng không quân thuộc Hải quân Nga có lịch sử hình thành lâu dài và truyền thống vẻ vang hơn thế rất nhiều.
Su-30SM là máy bay chính của không quân hải quân Nga.
Su-30SM là máy bay chính của không quân hải quân Nga.

Ngày lịch sử 

Năm 1903, tại Anh, một tàu vận tải hàng và hành khách đã được xây dựng theo đơn đặt hàng của một công ty vận tải Nga. Con tàu có lượng giãn nước 3.800 tấn, có khả năng di chuyển với vận tốc khoảng 12 hải lý và thực hiện các chuyến đi biển xa nhất với hành trình hơn 5.000 hải lý. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, con tàu đã được Bộ Hải quân Liên Xô mua lại.

Tại một nhà máy đóng tàu của St. Petersburg, con tàu đã được chuyển đổi thành một tàu vận tải hàng không với cái tên mới là Orlitsa. Chỉ huy tàu là Thuyền trưởng hạng 2 Vladimir Dudorov. Con tàu sau khi được chuyển đổi được trang bị các khẩu pháo và súng máy để tự vệ. Trên boong tàu được bố trí các nhà chứa thủy phi cơ.

Trong hầm đã có một công xưởng và chỗ chứa đạn cùng nhiên liệu máy bay. Nhóm không quân của tàu này bao gồm 4 đến 5 chiếc thủy phi cơ M-9 do Liên Xô sản xuất. Những chiếc thủy phi cơ đó được trang bị động cơ SalmsonР9 của Pháp với cánh quạt đẩy có thể di chuyển với tốc độ 110 km/h, bay ở độ cao tới 3.000m và mang theo số vũ khí có tải trọng 480 kg, bao gồm các loại bom.

Hmaj đội Baltic - Lá cờ đầu của Hải quân Nga.
Hmaj đội Baltic - Lá cờ đầu của Hải quân Nga. 

Đến ngày 17/7/1916, 2 thủy phi cơ M-9 đã cất cánh từ tàu Orlitsa và tham gia cuộc không chiến với 4 thủy phi cơ Đức. Các phi công hải quân Liên Xô trong trận chiến đó đã giành phần thắng, bắn hạ 2 trong số 4 máy bay Đức. Song, phía Nga cũng đã mất một chiếc thủy phi cơ. Tổ lái gồm 2 người là trung úy Izvekov và Trung sĩ Nazarov đã hy sinh.

Năm 1996, theo chỉ thị của Tổng tư lệnh Hải quân Nga, ngày này trở thành Ngày Không quân Hải quân Nga. Đến năm 1917, trong Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Baltic đã thành lập các sư đoàn không quân. 

Truyền thống hào hùng

Trong cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan vào mùa đông 1939-1940, các phi công hải quân của Hạm đội Baltic của Nga đã thực hiện hơn 16.000 chuyến bay. Trước khi Đức Quốc xã và các nước như Romania, Hungary, Slovakia, Croatia… tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941, tất cả các lực lượng của Hải quân Nga đã sẵn sàng chiến đấu.

Ngay trong đêm 23/6, các máy bay ném bom của Hạm đội Biển Đen đã tấn công cảng Constanta của Romania và chỉ mất một chiếc máy bay. Sau khi có lệnh cấm thực hiện các cuộc tấn công mới vào Romania, các máy bay của Hạm đội Biển Đen đã yểm trợ cho các đơn vị mặt đất bảo vệ các thành phố Odessa và Sevastopol đồng thời tham gia chiến đấu ở vùng Kavkaz. Vào đêm 8/8/1941, 15 máy bay ném bom Il-4F của Hạm đội Baltic tiến về Berlin, Đức.

Cuộc đột kích táo bạo này của các phi công hải quân Liên Xô đã không có ý nghĩa về mặt quân sự nhưng có ý nghĩa lớn về mặt đạo đức để gây sức ép về tâm lý vì nó là hành động đáp trả các vụ không kích của quân Đức Quốc xã vào Moscow và Leningrad. Thành phố Berlin rực rỡ trong ánh đèn đêm và lực lượng phòng không Đức đã nhầm tưởng rằng đó là các máy bay của họ.

Đặc nhiệm Không quân hải quân Nga tập trận trên vùng biển Địa Trung Hải.
Đặc nhiệm Không quân hải quân Nga tập trận trên vùng biển Địa Trung Hải. 

Chỉ sau khi thành phố rung chuyển bởi hàng loạt vụ nổ, pháo phòng không ở đây mới được khai hỏa. Song, toàn bộ 15 máy bay đều trở về an toàn. Tính tổng cộng, đến ngày 4/9/1941, các phi công của Hạm đội Baltic đã thực hiện 10 đợt không kích vào Đức. Các phi công hải quân của Hạm đội Baltic sau đó cũng đã tích cực tham gia trận phòng thủ Leningrad và yểm trợ hỏa lực để bảo vệ “Con đường sống” là tuyến đường vận tải trên băng đi qua hồ Ladoga - lối đi duy nhất vào thành phố Leningrad bị bao vây.

Các máy bay của Hạm đội phương Bắc được sử dụng để đẩy lùi cuộc tấn công của Đức vào Murmansk để bảo vệ các đoàn tàu biển và căn cứ hải quân. Kể từ năm 1943, Không quân Hải quân Liên Xô tập trung thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp là phá hủy tàu chiến và tàu vận tải của địch. Các phi công hải quân Liên Xô đã nhận được cả những máy bay sản xuất trong nước cũng như các loại máy bay của Anh và Mỹ.

Cho đến khi kết thúc cuộc chiến chống Đức quốc xã, trong biên chế của Hạm đội Biển Đen và Hạm đội phương Bắc đã có khoảng 400 máy bay và Hạm đội Baltic có gần 790 chiếc. Khi Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản, trong biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương đã có 1.508 máy bay. Các phi công hải quân của nước này đã ném bom và tấn công vào các cảng của Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng, hỗ trợ hỏa lực cho chiến dịch đổ bộ của quân đội Liên Xô lên đảo Shumshu.

Các phi công của Hạm đội Thái Bình Dương đã đánh chìm 36 tàu chiến và tàu vận tải của địch, phá hủy hàng chục đoàn tàu, kho vũ khí, điểm bắn, cầu tàu và các cơ sở khác. Tổng cộng, trong những năm chiến tranh, các phi công hải quân Liên Xô đã thực hiện hơn 76.000 chuyến nay. Sau chiến tranh, Không quân Hải quân Nga đã bắt đầu sử dụng máy bay phản lực. Ở giai đoạn đầu, lực lượng này đã được sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-15/17, máy bay ném ngư lôi Tu-14T, máy bay trinh sát Il-28R. Đến năm 1956, trong thành phần lực lượng này đã xuất hiện các loại máy bay chống hạm đầu tiên là thủy phi cơ Be-6 và trực thăng Mi-4 và Ka-15 và sau đó là dòng máy bay tầm xa Tu-16 với các phiên bản máy bay trinh sát cùng máy bay mang tên lửa hành trình chống hạm.

Trong những năm tiếp theo đó, lực lượng không quân hải quân Liên Xô đã lần lượt được bổ sung nhiều loại máy bay ưu việt và tối tân ở từng giai đoạn như máy bay mang ngư lôi chống hạm Il-38 và Be-12, máy bay trinh sát chiến lược Tu-95RTs, máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142, máy bay ném bom tấn công siêu thanh Tu22M với tên lửa hành trình Kh-22M… 

Hồi sinh mạnh mẽ

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, gần như toàn bộ lực lượng không quân hải quân Liên Xô thuộc quyền sở hữu của Nga. Tuy nhiên, phương hướng ưu tiên trong quá trình phát triển Hải quân là các tàu ngầm và tàu chiến hạt nhân còn các máy bay hải quân đã không đóng vai trò quan trọng.

Chỉ đến những năm 2010, khi Lực lượng Vũ trang Nga bắt đầu nhận lại được sự quan tâm đúng mức, binh chủng không quân hải quân bắt đầu hồi sinh và có thể chứng minh hiệu quả chiến đấu. Tháng 4/2014, một chiếc Su-24M được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất đã bay sát sạt tàu khu trục DDG-75 USS Donald Cook của Mỹ gần bờ biển Crưm.

Các thiết bị điện tử của máy bay Nga tạm thời “làm mù” hệ thống AEGIS tối tân của con tàu Mỹ, khiến nó trở thành mục tiêu không tự bảo vệ được. Đến cuối năm 2016, các máy bay chiến đấu MiG29K và Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở ngoài khơi Syria đã thực hiện 420 chuyến bay.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga xác định Không quân Hải quân là một binh chủng của Hải quân có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng chiến đấu của hạm đội địch trên biển và tại các căn cứ; bảo vệ các nhóm tàu và cơ sở hạm đội khỏi các cuộc không kích của địch; tiến hành trinh sát trên không, xác định vị trí của mục tiêu và phát ra các tín hiệu dẫn đường để tấn công vào lực lượng hải quân của địch.

Không quân hải quân tham gia vào các hoạt động thả và vô hiệu hóa thủy lôi, tham gia chiến tranh điện tử, vận tải đường không và đổ bộ, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Không quân Hải quân có các đơn vị bố trí trên tàu sân bay và trên bờ biển.

Đọc thêm