Lịch sử lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bình Thuận được đến với nhiều lễ hội như Lễ hội Trung Thu, Lễ hội Katê... nhưng ít ai biết, từ năm 2018, Bình Thuận lại có thêm Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong với quy mô lớn vào mùng 10/3 Âm lịch hàng năm.

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ở Phan Rí Cửa

Đền thờ Hùng Vương ở thị trấn Phan Rí Cửa trước đây là ngôi đình của làng Cam Hải. Đình được nhân dân địa phương xây vào năm 1859 để thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền, hậu hiền có công khai khẩn đất đai, quy tập nhân dân lập làng trên vùng đất Phan Rí Cửa. Trong những năm 1945 - 1954, để tránh tình trạng đình làng bị giặc chiếm đóng, biến thành đồn bốt để trấn giữ và đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng nên người dân địa phương đã đưa Phật vào thờ trong đình làng Cam Hải, đồng thời sử dụng nơi đây làm cơ sở hoạt động của Hội Phật học Phan Rí Cửa.

Đến năm 1958, người dân đưa thêm các vị vua Hùng vào thờ phụng tại đình làng Cam Hải. Năm 1964, sau khi chùa Hải Hội được xây dựng hoàn chỉnh, Hội Phật học Phan Rí Cửa đã thỉnh Phật qua thờ trong chùa, thỉnh Thánh vào thờ trong di tích. Từ đó, nơi đây chỉ dành riêng để tôn thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Tên gọi Đền thờ Hùng Vương đã ra đời, trở thành tên gọi chính thức của di tích và tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 2016, nhân dịp tham dự giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng (Phú Thọ), Đoàn tỉnh Bình Thuận đã long trọng thỉnh rước “Đất, Nước và chân hương” từ Đền Hùng Phú Thọ về quê hương Bình Thuận. Nước được lấy nước từ Giếng Ngọc, đất lấy tại núi Nghĩa Lĩnh, và chân hương tại lư hương đền Thượn. Đền thờ Hùng Vương ở thị trấn Phan Rí Cửa được chọn làm nơi an vị, thờ phụng các di vật quý giá, thiêng liêng này. Đồng thời, Lễ hội Giỗ Tổ các vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương từ lễ hội riêng của người dân thị trấn Phan Rí Cửa trở thành lễ hội chung (Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng cấp quốc gia) của nhân dân trong tỉnh Bình Thuận cùng Phú Thọ, Hưng Yên và Cà Mau.

Linh thiêng ngày lễ hội

Chương trình Lễ hội Giỗ tổ các vua Hùng tại Phan Rí Cửa bao gồm phần lễ và phần hội. Nội dung, hình thức các nghi lễ, lễ vật và cách thức thực hiện trong Lễ hội Giỗ Tổ đền thờ Hùng Vương đã thể hiện nét trang nghiêm, thành kính, đảm bảo vừa phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chung của cả nước, vừa thích nghi với phong tục tập quán của người dân Bình Thuận.

Lễ hội cũng đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và niềm mong mỏi của người dân trong tỉnh; góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ; góp phần củng cố, tăng cường khối đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các cộng đồng dân cư.

Thời gian bắt đầu Lễ hội thường từ sáng mùng 10/3 Âm lịch. Lãnh đạo tỉnh (Chủ lễ) đọc chúc văn, đánh trống khai hội. 9 nam thanh niên và 9 thiếu nữ trong trang phục truyền thống đi theo hai hàng bưng 18 chiếc bánh chưng và 18 chiếc bánh dày từ sân lễ vào trong đền thờ. Lãnh đạo tỉnh, các đoàn thể, bà con nhân dân vào dâng bánh chưng, bánh dày và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.

Các đình, chùa, đền, miếu, lăng vạn… tổ chức đoàn lễ trang nghiêm (có cờ lễ, tàn lọng, chiêng trống, kiệu lễ…) thỉnh rước các vị thần, tiền hậu hiền… của làng mình lần lượt đến ra mắt, bái yết và dâng lễ vật lên các vị vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương. Họ cũng báo cáo tình hình cuộc sống, làm ăn của dân làng trong năm qua và cầu nguyện các vua Hùng phù hộ, độ trì cho dân chúng trong năm mới có cuộc sống ấm no và sung túc hơn. Sau nghi thức, các đoàn lễ của các làng đến ra mắt và bái yết Hùng Vương. Ban quản lý đền thờ thực hiện nghi thức chánh tế các vua Hùng với nhiều nghi lễ trang nghiêm diễn ra theo đúng tập tục và truyền thống vốn có do cha ông truyền lại.

Về phần hội, chương trình sẽ tổ chức các hoạt động thi làm bánh chưng và bánh dày, văn nghệ, thể thao…, tạo nên không khí đoàn kết và rộn ràng trong ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Từ năm 2018 trở đi, Lễ hội Giỗ Tổ tại đền thờ Hùng Vương ở thị trấn Phan Rí Cửa có vai trò và giá trị to lớn, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân. Lễ hội cũng đã lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa có giá trị độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt. Đồng thời, đây cũng là ngày để toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân ta nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.