Liên minh khó xử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người tị nạn và di cư tụ tập về vùng biên giới giữa Belarus và Ba Lan với chủ định vượt biên giới giữa hai nước này để nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) gây khó khăn và khó xử cho Ba Lan và EU.
Hàng trăm người di cư dựng trại ở biên giới Belarus với Ba Lan hôm 10/11.
Hàng trăm người di cư dựng trại ở biên giới Belarus với Ba Lan hôm 10/11.

Vụ việc này đang dần trở thành cuộc khủng hoảng người tị nạn và di cư mới đối với EU giữa khi liên minh chưa qua hết mọi ám ảnh của lần khủng hoảng trước đấy, vào năm 2015 ở vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và Bulgaria.

Lần ấy, giải pháp của EU là đối thoại và đàm phán trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận giữa hai bên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo thỏa thuận đạt được thì EU chi cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền lớn để nước này đóng cửa biên giới, không để cho người tị nạn và di cư nhập cảnh trái phép vào EU. Thổ Nhĩ Kỳ dùng tiền này để thành lập và duy trì những trại tị nạn và người di cư trên lãnh thổ của mình.

Nói theo cách khác, EU dùng tiền để xử lý khủng hoảng và xử lý việc chấp nhận người tị nạn và di cư trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, tức là bên ngoài EU. Hệ lụy đối với EU là không những chỉ tốn tiền mà còn trở thành con tin trong tay Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới thì cuộc khủng hoảng sẽ tái phát đối với EU.

EU giờ gặp phải tình trạng tị nạn và di cư tương tự ở vùng biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Khác biệt cơ bản chỉ ở chỗ Belarus không như Thổ Nhĩ Kỳ đối với EU. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và ứng cử viên gia nhập EU, trong khi EU không công nhận tổng Thống đương nhiệm của Belarus là ông Alexander Lukashenko, lại còn áp dụng một số biện pháp chính sách trừng phạt chính quyền hiện tại ở Belarus và cả cá nhân ông Lukashenko.

Hệ lụy trực tiếp của tình trạng này là EU không thể tiếp xúc, đối thoại và đàm phán trực tiếp với chính quyền của ông Lukashenko ở Belarus, bởi làm như thế thì đâu có khác gì công nhận ông Lukashenko trên thực tế là Tổng thống hợp hiến, hợp pháp của Belarus. Như thế đồng nghĩa với việc toàn bộ chính sách của EU thời gian qua đối với Belarus sẽ bị phá sản.

Ba Lan chủ trương xây dựng hàng rào biên giới với Belarus và muốn EU đóng góp tài chính. Nhưng quan điểm chính thống lâu nay của EU về dân chủ và nhân quyền lại không cho phép EU trợ giúp tài chính cho thành viên xây dựng hàng rào hay bức tường biên giới vật lý ngăn cản người tị nạn và di cư hướng về EU. Belarus còn không như Thổ Nhĩ Kỳ ở chỗ được Nga hậu thuẫn trong cuộc đối đầu với EU.

Cho nên muốn tác động tới chính quyền hiện tại ở Belarus, EU phải quay sang “lụy” Nga giữa lúc đang làm rất găng với nước này trên nhiều phương diện với nhiều lý do. Cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư lần này nan giải hơn trước nhiều đối với EU bởi Belarus và Nga đều là những đối tác và đối thủ khó nhằn đối với EU.

Đọc thêm