Liên minh tay ba ở khu vực lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một tuyên bố chung phát đi ngày 15/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên cáo sự ra đời của một khuôn khổ hợp tác mới giữa 3 nước này.
Anh - Mỹ - Australia lập liên minh an ninh AUKUS.
Anh - Mỹ - Australia lập liên minh an ninh AUKUS.

Họ gọi đấy là Quan hệ đối tác ba bên được tăng cường về an ninh, viết tắt bằng cách ghép tên của 3 nước thành AUKUS. Họ nhấn mạnh liên minh tay ba mới này thuần túy là hợp tác về an ninh và không nhằm đối phó bất kỳ ai cụ thể. Dù vậy, thiên hạ vẫn dễ dàng có thể nhận thấy họ chủ ý đối phó ai trước hết và vì sao.

Cứ theo 3 người nói trên thì trọng tâm hợp tác về an ninh trong khuôn khổ liên minh mới này là an ninh mạng, sử dụng trí tuệ nhân tạo và thiết bị quân sự dưới nước. Nghe qua thì thiên hạ có thể thấy bình thường và chẳng có gì lạ lẫm đáng được chú ý đến. Nhưng thực chất lại ở nội dung cụ thể là Mỹ và Anh đồng ý chuyển giao công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân cho Australia và phạm vi địa lý mà bộ ba này hướng tầm nhìn đến là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai điều trên hàm chứa một trong những bản chất cốt lõi của động thái này của họ là nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt nhằm đối phó với những mưu tính và hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và khu vực xung quanh Australia (Nam Thái Bình Dương).

Công nghệ chế tạo tầu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân xưa nay Mỹ mới chỉ chia sẻ cho Anh trong khuôn khổ một thỏa thuận hợp tác quân sự với Anh năm 1958. Trên thế giới cho tới nay mới chỉ có 5 quốc gia là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu công nghệ chế tạo tầu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân.

Liên minh an ninh tay ba mới này giúp cho Australia trở thành quốc gia thứ 6 trong bảng danh sách các nước thuộc diện nói trên. Chỉ tầu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân chứ không nói đến vũ khí hạt nhân cũng đã đủ để Australia gia tăng rất cơ bản và rõ ràng vị thế về chính trị quân sự và an ninh cũng như địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cải thiện đáng kể thế và lực trong tương quan lực lượng và cục diện quan hệ với Trung Quốc.

Theo tuyên bố nói trên, bộ ba này trong thời gian 18 tháng tới sẽ cụ thể hóa nội dung hợp tác nói chung cũng như để hoàn tất thủ tục của việc chuyển giao công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân cho Australia. Trước mắt, Mỹ sẽ giúp Australia chế tạo 8 chiếc tầu ngầm hạt nhân hoạt động bằng năng lượng hạt nhân.

Chuyện đại sự đến mức độ như thế đương nhiên thể hiện cấp độ và chất lượng cao hơn cũng như tầm cỡ chiến lược lâu dài hơn của mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ, Anh và Australia. Với thoả thuận mới này, Australia được Mỹ coi ngang bằng Anh về mức độ tin cậy và gắn bó giữa các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống. Mỹ và Anh nâng cấp được trụ cột, chỗ dựa và bàn đạp của họ cho việc thực hiện những ý đồ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc có nhiều lý do xác đáng nhất để quan ngại về động thái mới này của bộ ba kia và chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh chiến lược sâu rộng để đối phó. Trước mắt, thiệt nhiều hơn cả từ sự ra đời của liên minh tay ba nói trên là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đặc biệt là Pháp. Giống như khi quyết định rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan, Mỹ không hề tham vấn các đồng minh quân sự ở châu Âu trước khi thỏa thuận với Anh và Australia.

Vì triển vọng có được tầu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ mà Chính phủ Australia hủy bỏ thỏa thuận ký kết năm 2016 với Pháp trị giá gần 60 tỷ euro về đóng cho Australia 12 tàu ngầm. Khi ấy, Pháp cũng mời chào bán cho Australia tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng phía Australia từ chối. Bây giờ, Mỹ và Anh giúp Australia có không chỉ tầu ngầm hạt nhân mà còn cả công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân.

Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cục diện về chính trị an ninh và quân sự cũng như địa chiến lược đã bắt đầu thay đổi.

Đọc thêm