Tọa độ lửa
Tháng 7, trời Can Lộc trong xanh. Mới hơn 7 giờ sáng, những tia nắng đã chiếu vàng óng cả rừng thông, đường về Ngã ba Đồng Lộc nhộn nhịp những đoàn xe. Tại khu mộ của 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP), hàng trăm người gồm cựu chiến binh và du khách nhiều thế hệ đứng lặng yên nghe hướng dẫn viên kể về sự hy sinh của các chị.
Đó là ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Cả tiểu đội làm việc không ngơi tay và đã 3 lần bị vùi lấp nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Máu đào của các chị đã góp phần tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Hướng dẫn viên có giọng kể trầm ấm đồng thời cũng là Phó Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - anh Đào Anh Tuân cho biết: Dù là cán bộ quản lý nhưng những ngày nghỉ, ngày lễ đông khách viếng thăm, anh vẫn tăng cường thuyết minh cho các đoàn. Không thể nhớ anh đã bao nhiêu lần kể về sự kiện lịch sử ấy nhưng mỗi lần nhắc đến, anh Tuân đều rưng rưng, nghẹn ngào.
Khu vực Ngã ba Đồng Lộc xưa nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lăn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như “yết hầu” giao thông, các đoàn xe vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam.
Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà con đường độc đạo này đã trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch. Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông đất ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.
Khu mộ 10 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. |
Trong khói lửa đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết cận kề nhưng đã có trên 16.000 người thuộc các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm trên “đất lửa” Đồng Lộc, với quyết tâm sắt đá: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”,“Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, địch phá một ta làm mười”…
Trên chiến trường khốc liệt này đã có hàng trăm người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, linh hồn của họ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi.
Tháng 7 tri ân
Tháng 7 hàng năm, trong hành trình hướng về các “địa chỉ đỏ”, Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc luôn là điểm đến linh thiêng. Đặc biệt, năm nay, tỉnh Hà Tĩnh trang trọng tổ chức Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Trong dòng người về viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc năm nào cũng có những đoàn cựu TNXP từng vào sinh, ra tử ở các chiến trường. Kỷ niệm 73 năm Ngày Truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam năm nay, họ lại về với Ngã ba Đồng Lộc để cùng nhau ôn lại ký ức về một thời “hoa lửa”. Cựu TNXP Nguyễn Văn Hùng quê ở TP Hải Phòng vừa vào dâng hương ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc xúc động cho biết: “Chúng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội vì được trở về nguyên vẹn sau chiến tranh. Bởi vậy, dù bận rộn đến mấy, cứ đến dịp tháng 7 hàng năm là tôi và đồng đội lại hẹn nhau về thăm lại các chiến trường xưa để ôn lại ký ức một thời hoa lửa và tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh”.
Vượt hàng trăm km từ thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến với Ngã ba Đồng Lộc lần đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Khang (75 tuổi) chia sẻ: “Tôi từng biết về Ngã ba Đồng Lộc qua những bộ phim, câu chuyện chiến đấu anh dũng của các lực lượng, nhất là 10 nữ anh hùng TNXP tại đây. Những câu chuyện ấy đã thôi thúc tôi đến với mảnh đất này. Hôm nay, tâm nguyện được tự tay dâng lên mộ 10 cô gái và các liệt sỹ TNXP nén hương thơm, bông hoa trắng đã trở thành hiện thực. Khi đặt chân đến mảnh đất lịch sử này, cảm xúc của tôi thật khó tả, càng thấm thía sự hy sinh cao cả của lực lượng TNXP, vì nước quên thân”.
Chiến tranh đã lùi xa, Ngã ba Đồng Lộc từng là nơi “bom cày, đạn xới” trong chiến tranh, nay đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, là bảo tàng lớn của lực lượng TNXP và một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nay là “địa chỉ đỏ” tri ân các anh hùng, liệt sĩ. |
Tháng 7, Ngã ba Đồng Lộc cũng trở nên đặc biệt hơn bởi học sinh, sinh viên khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc tề tựu về đây để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ anh hùng tại chiến trường Đồng Lộc đã “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ trên con đường học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đứng trước tấm bia đá khắc bức thư gửi mẹ của nữ liệt sĩ Võ Thị Tần từ chiến trường Đồng Lộc, em Phạm Quang Minh (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên con đến thăm Ngã ba Đồng Lộc. Đến đây, con cảm thấy tự hào hơn khi được sinh ra trên quê hương Việt Nam, quê hương của những người anh hùng. Con may mắn đến đây để hiểu hơn và biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho dân tộc”.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, mẹ của cháu Phạm Quang Minh cũng không nén được sự xúc động, chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến với mảnh đất này. Lần trước, tôi đi cùng cơ quan, lần này nghỉ hè đưa cả gia đình vào thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Mỗi một lần trở lại đây, tôi vẫn có những cảm xúc khác nhau. Tôi còn may mắn gặp những cựu binh, được nghe thêm thật nhiều câu chuyện chiến đấu năm xưa để hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ cha anh đối với hòa bình hôm nay”.
Để phục vụ tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về với Ngã ba Đồng Lộc, từ đầu tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã huy động 100% nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ. Ông Trần Đình Ước - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Để chuẩn bị sự kiện lớn từ nay đến ngày 24/7, tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ tổ chức chương trình như Tuần Văn hóa “Linh thiêng Đồng Lộc”, Triển lãm “Hà Tĩnh - Điểm hẹn” quảng bá, giới thiệu các địa điểm, sản phẩm văn hóa, du lịch tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, lễ thắp nến tri ân cấp tỉnh tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc... Ghi nhận từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày Khu di tích đón hơn 100 đoàn khách đến thăm, viếng và tri ân các liệt sĩ.
Đối với Báo PLVN, hành trình tri ân tháng 7 về các “địa chỉ đỏ” thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là hoạt động thường niên suốt 16 năm qua. Nhân dịp kỉ niệm 35 năm Báo PLVN ra số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2020), Ban Biên tập Báo PLVN đã trồng tặng Khu di tích một cây bồ đề đỏ trong khuôn viên di tích.