Linh thiêng lễ hội đập trống của người Ma Coong

(PLO) - Đêm 3/3 (nhằm ngày rằm 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), già trẻ đồng bào người dân tộc Ma Coong sống ở 18 bản trên miền biên viễn Việt – Lào đã tổ chức Lễ hội Đập trống truyền thống của mình.
Già làng Đinh Xon thực hiện lễ cúng tế Giàng và vị Già bản tiên tổ.

Đây là lễ hội được tổ chức thường niên vào đêm rằm 16 Âm lịch – đêm trăng sáng nhất tháng Giêng và được xem là cái Tết khác của đồng bào người Ma Coong ngoài Tết Nguyên đán của dân tộc Việt. Sự kiện này cũng thu hút rất đông đồng bào các dân tộc khác ở các vùng lân cận và du khách thập phương về dự hội.

Đêm hội thu hút rất đông đảo người dân tham dự.

Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa và cây trái của bà con. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miền. Người Ma Coong dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn bất lực.

Già làng Đinh Xon thực hiện lễ cúng tế Giàng và tổ tiên.

Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất, khi khỉ ác về phá mùa màng.

Ngay hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành ngay một chiếc trống đẹp, âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất đêm rằm 16, thanh niên mang trống ra thay nhau đánh, khỉ ác hoảng sợ bởi tiếng trống nên trốn khỏi vùng đất này, không bao giờ trở lại.

Thanh niên người Ma Coong thi nhau đập trống đuổi khỉ ác cầu mưa thuận gió hòa, sống no đủ, hạnh phúc.

Để tưởng nhớ vị già bản tiên tổ người Ma Coong, đền đáp công ơn của Giàng, những của ngon vật lạ trên vùng đất của người Ma Coong được lựa chọn, bày biện làm lễ cúng tế linh đình.

Sau lễ tế, một chiếc trống mới sẽ được mang ra để trai tráng trong bản mang ra đánh vang cả núi rừng với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng được bình yên, đồng bào sống ấm no, hạnh phúc. Đến khi mặt trống bị đánh vỡ, đêm hội mới kết thúc và người đánh vỡ được mặt trống là người may mắn nhất trong cả năm.

Những hũ rượu cần ngon nhất được đồng bào người Ma Coong mang ra đãi khách trong lễ hội.

Đặc biệt trong đêm hội này, trai gái người Ma Coong, dù có gia đình hay chưa, không phân biệt lạ quen, ở nơi đâu đến đều được hò hẹn, dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Sau mỗi mùa lễ hội, nhiều nam thanh nữ tú của đồng bào Ma Coong đã nên vợ, nên chồng…

Năm nay, sau phần tế lễ kết thúc, già làng Đinh Xon – người uy tín nhất trong cộng động người Ma Coong, tuyên bố khai hội là lúc tiếng trống mở màn vang lên vào kéo dài mãi dưới ánh trăng rằm soi tỏ, âm vang xa vẳng sâu tận trong đại ngàn.

Già làng Đinh Xon mời lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch thưởng thức rượu cần. 

Người Ma Coong tề tựu bên những ché rượu cần, mời mọc chúc tụng nhau… Thanh niên với những chiếc dùi mây thay nhau đánh vào mặt trống theo tiếng chiêng của người dẫn nhịp, vừa đánh vừa hô vang: “Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi!” (Vui sướng quá! Vui sướng quá Trời ơi! - PV).

Lễ hội Đập trống năm nay kéo dài suốt đêm và kết thúc vào 5h sáng 4/3 – khi mặt trống bị đánh vỡ, người Ma Coong lại quay về với cuộc sống thường nhật của mình, mang theo những ước vọng về vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ, hạnh phúc và hẹn nhau tình tự vào đêm hội năm sau…

Đọc thêm