Linh thiêng Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm nay diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/4 tại Khu Di tích cấp quốc gia Đền thờ Trần Quốc Nghiễn tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa Tuần lễ du lịch Hạ Long 2022. Lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa tín ngưỡng mà cũng là cơ hội quảng bá du lịch địa phương.
Linh thiêng Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn còn có tên gọi khác là đền Đức Ông. Ngôi đền cổ linh thiêng tọa lạc tại chân núi Bài Thơ thuộc khu vực Bến Đoan - Hòn Gai, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngôi đền nằm ở vị trí cực kỳ đắc địa, được xây dựng trên một nền đất cao giữa trung tâm thành phố Hạ Long, lưng tựa vào vách núi Bài Thơ, mặt hướng ra vịnh Hạ Long kỳ quan thiên nhiên thế giới. Hiện ngôi đền đã có lịch sử gần một ngàn năm.

Đền dựng trên một nền đất cao, lưng tựa vào vách núi Bài Thơ, mặt hướng ra vịnh Hạ Long.

Đền dựng trên một nền đất cao, lưng tựa vào vách núi Bài Thơ, mặt hướng ra vịnh Hạ Long.

Vị tướng trung quân, bảo quốc hộ dân

Theo văn bia tại Khu di tích, Trần Quốc Nghiễn là con cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu, là dòng con trưởng của họ Trần, cháu của vua Trần Thái Tông.

Đến nay chưa tìm được năm sinh của Trần Quốc Nghiễn, chỉ biết ngày giỗ ông là 24/4. Năm 1282, khi ông kết hôn với công chúa Thiên Thụy thì ông đã là người có công lao trong đánh giặc giặc ngoại xâm.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: "Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn là con trai Trần Quốc Tuấn lại có công đánh giặc". Từ Vạn Kiếp đuổi giặc đến Tự Minh (châu Tự Minh tỉnh Quảng Tây, giáp địa phận Lộc Bình, Yên Bác của tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Hưng Vũ Vương phải đánh đuổi giặc suốt chặng đường từ Vạn Kiếp qua Đông Triều lên Yên Bác, Lộc Bình giết Lý Quán ở biên giới.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 3 (năm 1287) không thấy ghi rõ công trạng của các con Trần Hưng Đạo. Nhưng các con ông và các các tướng như Yết Kiêu, Dã Tượng bao giờ cũng giúp ông trong các trận quyết chiến và vì vậy trong chiến công chung vang dội ở sông Bạch Đằng tích đã có công lao của Trần Quốc Nghiễn.

Chính vì thế sau khi dẹp yên giặc Nguyên xâm lược, xét chung khen thưởng Trần Quốc Nghiễn được dự ở hàng thứ hai sau Trần Hưng Đạo.

Sách đại Việt sử ký toàn thư nói rõ: mùa hạ tháng 4 năm 1289, bản xét công dẹp giặc Nguyên tiến phong Hưng Đạo Vương là Đại Vương, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là khai quốc công, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là Tiết độ sứ.

Trong trận mạc, Trần Quốc Nghiễn là tướng tài ba dũng mãnh; trong đời thường ông là người nhân từ đức độ, là người con tận hiếu, người tôi tận trung.

Sử sách kể lại rằng, có sự kiện Trần Liễu muốn cướp ngôi nhà Trần, ông mong muốn và dặn dò con trả thù cho mình nhưng Trần Hưng Đạo là người bề tôi tận trung không bao giờ có ý làm theo lời cha - mặc dù Trần Hưng Đạo có thừa uy tín và sức mạnh để lấy ngôi vua báu nhà Trần.

Để thử lòng các con và gia tướng, Trần Hưng Đạo cho gọi con cả là Trần Quốc Nghiễn đến hỏi: “Người xưa có được thiên hạ để truyền cho con cháu con nghĩ thế nào? Hưng Vũ Vương Nghiễn khảng khái trả lời: “Nếu họ khác cũng còn không nên, huống chi là người cùng họ Trần”. Hưng Đạo gật đầu cả cười, khen là phải.

Theo sách “Trần triều hiền thánh chính kinh tập biên”, sau khi hóa (mất) Trần Quốc Nghiễn được triều đình phong thánh, hiệu là Đông Hải Đại Vương. Ông đã nhiều lần ứng cứu giúp dân lương thiện, ông còn vâng lời cha là Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) xuống trần gian duyệt những áng thiên văn để dạy con người làm điều thiện.

Đông Hải Đại Vương là thần hiệu của triều đình ban cho Trần Quốc Nghiễn, khi ông qua đời tại miền đất được phong.

Văn bia ghi rõ: Đông Hải đại Vương Trần Quốc Nghiễn là người con hiếu, vị tôi trung, có nhiều công lao với đất nước “sinh vi nước, tử vi thần” (khi sống giúp nước giúp dân, khi mất đi lại hóa thánh giúp dân giúp nước).

Thương dân, dân lập đền thờ

Sau khi Trần Quốc Nghiễn mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, từ thế kỷ XIII, các chủ thuyền thường đã dựng một ngôi đền nhỏ ngay dưới chân núi Bài Thơ hướng ra biển để thờ cúng ông. Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, ngôi đền đã xuống cấp và nhiều lần được dựng lại bởi các chủ thuyền thường xuyên đánh cá trên vịnh.

Những bậc cầu thang bằng đá dẫn vào đền.

Những bậc cầu thang bằng đá dẫn vào đền.

Theo đó, các chủ thuyền đã chở gỗ từ trong rừng, ở các huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ… chuyển vào hang trước cửa đền để giấu gỗ, và đục đẽo gỗ dựng đền. Nhân dân địa phương sau này vào hang thấy nhiều đầu gỗ thừa, gọi đây là hang Đầu Gỗ. Hiện nay, hang Đầu Gỗ cũng là một trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến thăm đền.

Đền Mẫu nằm ở bên phải.

Chùa Hưng Quốc nằm phía tay trái.

Chùa Hưng Quốc nằm phía tay trái.

Xưa kia, ngôi đền từng là nơi dừng chân của những người ngư dân. Họ vào đây để lấy nước ngọt, nhờ đó mà cuộc sống mưu sinh trên biển của họ được bảo đảm. Ngôi đền vì thế có tiếng rất thiêng, nơi này đã cứu giúp và truyền thêm sức mạnh cho những người ngư dân khi gặp khó khăn, sóng gió trong cuộc đời.

Đền có từ rất lâu đời gồm có ba gian bái đường, một hậu cung. Đền thờ Mẫu nằm ở bên phải đền chính. Ban chính thờ Trần Quốc Nghiễn, ban bên phải thờ Đệ Nhất Vương Cô, ban trái thờ Đệ Nhị Vương Cô. Hai gian bên thờ Yết Kiêu và Dã Tượng là hai vị tướng tài, có công giúp triều Trần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hiện trong đền có đầy đủ nghi trượng, bát bửu, các đồ tế khí. Trải qua rất nhiều lần trùng tu nhưng cơ bản đền vẫn giữ được hồn cốt cổ xưa.

Bên cạnh đó, trong khuôn viên của đền thờ có một chiếc giếng cổ. Mặc dù nằm sát biển nhưng nước giếng ở đây rất trong và ngọt. Do đó, đền không chỉ là nơi dừng chân của ngư dân mà còn là nơi lấy nước ngọt, phục vụ cho những chuyến đi biển dài ngày của họ. Ngoài ra, hiện nay đền vẫn còn lưu giữ được 2 tấm bia đá và 5 bức tượng cổ (có từ thế kỷ XIII) do một số chủ thuyền tạc dựng.

Hai văn bia cổ bằng đá.

Hai văn bia cổ bằng đá.

Những văn bia dưới tán cây đa trong sân đền.

Những văn bia dưới tán cây đa trong sân đền.

Lễ hội văn hóa và quảng bá du lịch

Lễ hội là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau thông qua những hình ảnh được tái hiện trong lễ hội như: Hình ảnh Đức ông Trần Quốc Nghiễn với các tướng lĩnh hộ giá vi hành qua các con phố, lễ rước đuốc thiêng, lễ thả hoa đăng…

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức ngày 24/3 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 hàng năm.

Lễ hội mở đầu bằng lễ rước kiệu qua đường 25/4, đường Lê Thánh Tông đến chùa Long Tiên rồi trở lại Miếu Đức Ông. Ngoài ra còn có lễ thả hoa đăng trên biển cầu mong mưa thuận gió hoà; cũng như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian khác như múa rồng, kéo co và chọi gà.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân và quảng bá du lịch địa phương.

Đọc thêm