Linh thiêng tục thờ nhà Trần

(PLVN) - Tục thờ Nhà Trần gắn với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, dân gian gọi nôm là thờ Nhà Trần. Tín ngưỡng này khác biệt ở điểm không phải thờ các vua Trần hay các dòng tộc triều đại Trần mà thờ Đức Thánh và các tướng lĩnh, con cái… của ông.
Đền Kiếp Bạc một trong những ngôi đền linh thiêng có sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ nhà Trần

Hệ thống các vị Thánh nhà Trần

Tín ngưỡng thờ cúng nhà Trần gắn liền với những huyền tích về Đức Thánh Trần - một vị anh hùng dân tộc có công lớn dẹp quân Nguyên.  Được hình thành từ quá trình thần hóa một nhân vật có thật trong lịch sử, anh hùng dân tộc là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và con cái, tướng lĩnh hầu cận tạo nên một hệ thống thờ tự chặt chẽ, lề lối với đủ các cấp bậc. 

Các vị Thánh nhà Trần gồm: Đứng đầu là Đức đại vương chính cung (Cửu Thiên Vũ Đế Trần Triều hiển thánh Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công bình bắc đại nguyên suý Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương thượng thượng thượng đẳng thần). Hầu cận Đức Thánh là quan Nam Tào và quan Bắc Đẩu.

Tiếp theo Tứ vị vương tử là con của Đức Thánh là:  Đức thánh Cả (Khai quốc công Hưng Vũ đại vương Trần Quốc Nghiễn), Đức Phó Tằng (Tiết độ sứ Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Uất), Đức thánh Tam (Khai quốc công Hưng Hiến đại vương, Đệ tam Ông cửa suốt Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng), Đức thánh đệ tứ (Khai quốc công Hưng Trí đại vương Trần Quốc Hiện).

Cùng với đó là Nhị vị vương cô Đức tiên cô đệ nhất (Trần triều Vương nữ đệ nhất Quyên Thanh công chúa Trần Thị Trinh) và Đức tiên cô đệ nhị Đại Hoàng (Trần triều Vương nữ đệ nhị Đại Hoàng công chúa Điện Súy phu nhân Trần Thị Tĩnh). 

Tiếp theo, Lục Bộ Đức Thánh Ông (đây là các danh tướng không mang họ Trần nhưng thuộc về công đồng Trần triều và luôn được phối tự ở các Đền Trần Triều, các hàng lục bộ đều mặc áo đỏ, về bắt tà, đi trên than lửa, lưỡi cày nung nóng) Gồm Điện Tiền Phò Mã Phạm Tướng Quân; Tả Yết Kiêu tướng quân;  Hữu Dã Tượng tướng quân;  Nghi Xuyên tướng quân;  Hùng Thắng tướng quân; Huyền Do tướng quân. Cùng cô bé Cửa Suốt, cậu bé Cửa Đông và chư quan tướng hạ ban Ngũ hổ tướng quân.

Huyền tích dân gian về Đức Thánh Trần

Về gốc tích ra đời của ông, dân gian truyền lại, ông chính là Thanh tiên đồng từ trên Thiên Đình phụng lệnh Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới mang theo phi thân kiếm, cờ ấn, tam bảo của Lão Tử, Ngũ Tài của Thái Công.

Người xưa quan niệm, nguồn gốc tín ngưỡng thờ nhà Trần xuất hiện và hình thành từ khi Đức Thánh thác hóa và bắt đầu được truyền tụng trong dân gian giống các tín ngưỡng thờ cúng khác của người Việt.

Tuy nhiên, Nhà Trần không thuộc Tứ Phủ có lối thờ phụng riêng và phép tắc khác bên Tứ Phủ - nhưng Thần Chủ của Tứ Phủ và của bên Nhà Trần đều thuộc dòng Thiên Tiên (có nguồn gốc tiên giới), giáng phàm để cứu dân độ thế, khuyến Thiện phạt Ác - tuy xuất xứ khác nhau nhưng nhiệm vụ thì là một, vì vậy hiện nay có sự phối thờ Trần triều và tứ phủ. Bởi vậy, các đền thờ Mẫu hiện này đều phối thờ ban Trần triều bên tay phải của đền là vì vậy.

Tương truyền khi Đức Thánh Trần mất, để tránh sự trả thù của quân Nguyên ông truyền lệnh lập mộ giả ở vườn An Lạc, Bảo Lộc (Hiện nay tại Bảo Lộc có 1 lăng mộ ghi tên Hưng Đạo Đại Vương nhưng thực chất đó là mộ của 1 viên bộ tướng).

"Tháng tám giỗ cha" chính là sự tưởng nhớ ngày thác hóa của Đức Hưng Đạo Vương

Khi hóa Đức thánh đã về trời, không chỉ là vị anh hùng dân tộc, ông được phong thần là Cửu Thiên Vũ Đế, với sứ mệnh diệt trừ yêu ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian, âm phủ. Ngoài ra còn là vị Thần bảo hộ muôn dân, ban phúc – họa chốn nhân gian cùng các vị Thánh trong nhà Trần.

Nhân dân thờ phụng nhà Trần với ý nghĩa là trấn giữ, bảo hộ quốc gia dân tộc đặc biệt trong các nghi lễ tâm linh có tác dụng diệt trừ tà khí. Người xưa tin rằng, những người bị điên dại, bị tà ma quấy nhiễu khi mời các vị Thánh nhà Trần về trừ tà sẽ khỏi.

Điều này có nguồn gốc từ một câu chuyện dân gian truyền lại có liên quan đến tướng giặc nhà Nguyên – Phạm Nham, là kẻ bại trận dưới tay Đức Thánh. Nhân dân truyền lại rằng, sau khi Phạm Nhan bị Ngài chặt làm 3 khúc “phần bỏ giang hà, phần bêu ngọn Sóc, phần bỏ vào lỗ cho cầm thú ăn”, hồn Phạm Nhan lẩn khuất không tan, 3 phần biến thành 3 loài hút máu: loài muỗi, loài đỉa, loài vắt quấy phá quân lính và dân lành.

Ngài cho quân và dân chúng rải vôi bột và nước biển tiêu diệt chúng. Lại cho nuôi cóc khắp nơi để diệt muỗi, nuôi cá chép để ăn đỉa. Vì lẽ đó trong nhà Trần còn có bùa cá chép, bùa cóc. Oan hồn Phạm Nhan còn quấy nhiễu khi Ngài thác hóa, nhân dân tôn nhang, đội lệnh, xin dấu của Ngài về trấn tà trị bệnh.

Linh thiêng các nghi lễ

Trong nghi lễ tín ngưỡng nhà Trần có hầu đồng gần giống với hiện tượng hầu bóng của Tín ngưỡng thờ Mẫu, được gọi Thượng đồng. Nghi lễ này có mục đích thỉnh các chư vị Thần linh trong hệ thống nhà Trần về ban phép, cứu dân, trừ tà. 

Nét đặc sắc khi hầu nhà Trần là phép lên đai thượng, xiên lình, lấy dấu mặn. Các nghi thức này đặc biệt quan trọng, được làm cẩn mật, người ngồi đồng phải là người được đội lệnh nhà Trần mới có khả năng thực hiện. Xét về góc độ tâm linh các nghi thức này cực kỳ linh thiêng, có sự tiếp xúc năng lượng vô hình từ chính các vị Thánh được thỉnh về thượng đồng.

Tứ vị vương tử ngự đồng lên đai thượng, xiên lình, làm mặt hổ phù để thị uy ra oai làm con tà sợ, phải khai khẩu hoặc trục xuất ra khỏi người bệnh. Các Vương cô về đồng mang theo cờ kiếm, lấy dấu mặn, Đức ông về chứng. Trong các nghi thức này có tục lấy dấu mặn, ở đây được hiểu máu của người thượng đồng có tác dụng chữa bệnh, trị tà, trấn yểm long mạch.

Xiên lình, lấy dấu mặn là những nghi thức linh thiêng của Tín ngưỡng thờ nhà Trần

Dấu mặn lấy bằng cách thanh đồng lấy lình hoặc mảnh bát vỡ lúc thượng đồng rạch vào phần lưỡi để lấy huyết phù lên các mảnh bùa với ý nghĩa là dấu tích phép Thánh. Dân gian tương truyền các lá bùa có dấu mặn thường là trấn yểm cho Đền to phủ lớn, trấn những vùng long mạch lớn, nếu dùng máu Thánh để trấn thì khó mà phá được. Đặc biệt, tà ma không dám xâm phạm nên cực kỳ thiêng liêng.

Phép lên đai thượng là Thanh đồng dùng tấm vải đỏ thắt chặt vào cổ hai người đứng hai bên kéo dây thít chặt, lúc này mắt ngầu đỏ lộn tròng, mặt hổ phù, để thị uy ra oai, tạo sự uy nghi của diện Thánh khi làm lễ. Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng, việc thắt đai thượng chỉ Đức ông đệ tam, vì tái hiện nỗi oan khuất gông xiềng của ông.

Tuy vậy, ý nghĩa thực sự của lên đai thượng là khi lên đai thượng mặt của người hầu sẽ thành mặt hổ phù thể hiện sư uy linh, thần oai của Thánh, vì vậy không chỉ đức ông đệ tam mà tứ vị vương tử khi ngự đồng làm việc đều lên đai thượng, xiên lình.

Xiên lình là hình thức của Sa man giáo. Ở Việt Nam xiên lình tượng trưng cho những hiện tượng siêu nhiên, thần thông của bề trên. Một số người cho rằng xiên lình do đâm vào huyệt đạo nên không chảy máu, nhưng sự thực khi hầu là xiên lung tung trên má, miệng, tai, không cứ vào huyệt đạo mà không chảy một giọt máu, tương tự như vậy, việc lấy dấu mặn, sau khi đạp vỡ, lấy mảnh sành rạch lưỡi phun máu vào bùa, nhưng khi thư hương vào chén rượu ngậm vào máu lập tức ngừng chảy.

Một cụ đồng 90 tuổi tái hiện hình ảnh Đức Đại Vương trên chiếu hầu

Các hiện tượng này gần giống các hiện tượng sa man giáo khác của các nước phương Đông trong các nghi lễ. 

Ngoài ra, một nghi lễ quan trọng khác đó là lễ đội lệnh. Đây được coi là bước đầu người đệ tử gia nhập hàng ngũ con cái nhà Trần để phụng sự thay việc tâm linh tại nhân gian. Sau khi đội lệnh tạ yên vị trăm ngày là hầu được.

Nếu về tôn nhang lập tĩnh thì đồng thày hầu giá đại vương rồi đệ tử hầu. Khi bách nhập yên vị thày hầu một lần nữa. Từ đó trở đi là được phép làm bùa dẫn, bắt tà. Đa số những người làm về nhà Trần phải là pháp sư có sắc về phủ lục hoặc hiểu biết về chữ về pháp.

Câu ca “Tháng tám tiệc cha” mang ý nghĩa nhớ về sự bao bọc che chở của Đức Thánh Trần Hưng Đạo như một người cha của dân gian. Tín ngưỡng thờ nhà Trần không chỉ mang ý thức nhân dân về sự ấm no hạnh phúc mà còn là sự ghi nhớ công lao to lớn của Đức Thánh trong tâm thức người Việt. 

Đọc thêm