Lộ diện máy bay không người lái có khả năng vượt mọi hệ thống phòng không của Nga

(PLVN) - Quân đội Nga đã đưa vào biên chế những chiếc máy bay không người lái (UAV) đa năng Orion đầu tiên có khả năng tự chủ hoàn toàn, mang tên lửa dẫn đường và có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không. Các UAV này sẽ gia tăng đáng kể khả năng tấn công của quân đội và đưa máy bay không người lái của Nga lên một tầm cao mới.
Máy bay không người lái đa năng Orion của Nga.
Máy bay không người lái đa năng Orion của Nga.

Những tính năng ưu việt

Truyền hình Nga gần đây đã công bố những tính năng kỹ chiến thuật của UAV quân sự mới của Nga thông qua một đoạn video về hoạt động của 2 xe chỉ huy/điều khiển và 3 máy bay không người lái Orion đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Theo các nguồn tin, máy bay không người lái đa năng Orion của Nga có thể bay trên không liên tục trong thời gian tối đa 24 giờ.

Nhìn bề ngoài, máy bay này tương đối giống với mẫu MQ-1 Reaper của Mỹ với cánh dài và đuôi hình chữ V. Orion được thiết kế không chỉ để trinh sát trên không và xác định mục tiêu mà còn để thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom. Nó có tải trọng chiến đấu lên tới 200 kg. Một số loại đạn từ 25 đến 100 kg đã được phát triển dành cho mẫu UAV này.

Truyền thông Nga cho biết, Orion thuộc lớp UAV cỡ trung nằm ở giữa lớp UAV S-70 Okhotnik cỡ lớn và UAV trinh sát cỡ nhỏ. Máy bay này được trang bị động cơ xăng có công suất khoảng 100 mã lực được đặt ở phía sau phần thân của nó. Nhờ kết cấu thân vỏ bằng vật liệu composite, máy bay không người lái này có kích thước khá ấn tượng và chỉ nặng khoảng 1 tấn. Orion có thể nâng độ cao tầm bay lên đến 7.500m, tốc độ bay 200 km/giờ, phạm vi điều khiển khoảng 250 km.

Thiết bị này được đánh giá mang nhiều tính năng độc đáo vì nó có thể hoạt động hiệu quả trên chiến trường ngay cả trong điều kiện bị nhiễu sóng vô tuyến dày đặc do hệ thống tác chiến điện tử của đối phương gây ra. Hệ thống quang điện tử trên Orion có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu ở chế độ tự động và điều chỉnh đường bay của tên lửa dẫn đường. Các phương tiện nghe nhìn của UAV bao gồm máy ảnh nhiệt và máy ảnh truyền hình, máy đo khoảng cách laser và máy chỉ định mục tiêu. Ngoài ra, trên máy bay không người lái Orion còn có thể được bố trí thêm thiết bị video kỹ thuật số và một trạm radar giám sát.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng mua hàng loạt UAV trinh sát và tấn công tầm xa. Đến đầu năm nay, thiết bị đầu tiên đã được chuyển giao cho quân đội Nga để thử nghiệm. Ngoài ra, giới chức Nga hiện cũng đã bắt tay vào giai đoạn phát triển tiếp theo của dự án UAV Orion với mẫu tấn công Sirius nặng 2 tấn. Các nhà phát triển cho biết, nguyên mẫu UAV Sirius sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong năm tới. Máy bay tấn công không người lái này sẽ được trang bị tổ hợp liên lạc vệ tinh cho phép vận hành ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh.

Thay đổi chiến thuật

Truyền thông Nga cho hay, trong những năm gần đây, máy bay không người lái ngày càng thường xuyên được sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang. Theo chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov, nhiều nước trước đây không chú ý đến việc tạo ra hệ thống phòng không và ngụy trang đang phải nếm trái đắng vì việc này. Nếu áp dụng một số chiến thuật nhất định, UAV có khả năng gây sát thương đáng kể ngay cả khi phải đối mặt với lực lượng phòng thủ hùng hậu.

Ví dụ, Mỹ đang phát triển khái niệm về cái gọi là “đàn UAV” khi hàng chục phương tiện không người lái cất cánh cùng lúc bay theo hướng hệ thống phòng thủ của đối phương và chuyển hướng các radar dẫn đường của tên lửa phòng không về phía mình. 

“Máy bay ném bom B-52 có thể mang theo khoảng 140 chiếc máy bay không người lái. Chúng sẽ mô phỏng các mục tiêu giả. Khi một “bầy đàn” như vậy bay tới, hệ thống phòng không buộc phải phản ứng, sử dụng đạn dược và tiết lộ thông tin vị trí của mình. Trong khi các đơn vị đang bận rộn nạp đạn, máy bay tấn công sẽ bay đến và rất nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu theo tọa độ đã được xác nhận”, ông Leonkov giải thích.

Hiện, quân đội Nga đang vận hành một số loại máy bay không người lái. Đây là những thiết bị nhỏ gọn được thiết kế để trinh sát và xác định mục tiêu. Điển hình là các UAV đang liên tục tuần tra khu vực xung quanh căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. Trong bối cảnh như vậy, truyền thông Nga cho rằng, sau khi triển khai UAV tấn công Orion, quân đội Nga sẽ có thêm một con bài quý giá giúp gia tăng đáng kể khả năng tấn công nói riêng và sức mạnh chiến đấu trên không của lực lượng này. Thiết bị này cũng được cho là sẽ đánh dấu một bước trên quá trình thay đổi chiến đấu của quân đội Nga.

Phân tích thêm về việc này, Thiếu tướng Vladimir Popov (phi công quân sự danh dự của Nga) chỉ ra rằng, điểm cộng quan trọng nhất của máy bay không người lái là sự an toàn của các quân nhân thực hiện cuộc tấn công và điều khiển ở khoảng cách xa hàng chục km. Ngoài ra, các UAV cũng làm tăng đáng kể hiệu quả của máy bay chiến đấu.

“Ví dụ, nếu một chiếc UAV cỡ nhỏ phát hiện tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật thì nó khó có thể tiêu diệt hệ thống này chỉ bằng một đòn. Để thực hiện nhiệm vụ này phải có chiếc máy bay chiến đấu đầy đủ chức năng. Nhưng, chiếc UAV có thể thả một quả bom hoặc phóng tên lửa để gây sốc tâm lý cho đối phương. Sau đó, theo tọa độ truyền từ UAV, thiết bị thứ hai cùng loại, chiếc trực thăng hoặc chiếc máy bay cất cánh và hoàn thành nhiệm vụ”, chuyên gia Popov giải thích.

Tại Mỹ, vào những năm 1990, sau khi Lầu Năm Góc nhận được những chiếc UAV đa năng Predator, các máy bay không người lái không chỉ tham gia trinh sát mà còn thực hiện các cuộc tấn công chính xác hiệu quả nhằm vào các vật thể trên mặt đất. Những “kẻ săn mồi” trên không của Mỹ khi đó đã hoạt động trong hầu hết mọi cuộc xung đột quân sự có sự tham gia của nước này, như ở Bosnia, Iraq, Afghanistan, Libya hay Syria.

Trước đây, Liên Xô cũng đã có một chương trình phát triển UAV. Cụ thể, vào những năm 1960, các nhà thiết kế của Liên Xô đã phát triển một số loại máy bay trinh sát không người lái. Một trong số đó là mẫu La-17R đã được chế tạo trên cơ sở mục tiêu bay. Những chiếc UAV loại này đã cất cánh từ mặt đất với sự trợ giúp của tên lửa đẩy và sau đó bật động cơ phản lực. Thiết bị có thể bay trên không liên tục trong thời gian từ 30-90 phút tùy thuộc vào độ cao và có tăng tốc lên gần 900 km/giờ. Khi đó, những chiếc UAV trinh sát được tái sử dụng; nó có thể hạ cánh theo kiểu máy bay hoặc bằng dù.

Tiếp sau đó, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô có thêm bước phát triển khác của là tổ hợp trinh sát tác chiến - chiến thuật Tu-141 “Strizh”. Những tổ hợp này có thể đạt tốc độ lên tới hơn 1.100 km/giờ, di chuyển ở độ cao từ 50 đến 5.000m. Các chiếc UAV Strizh đã hoạt động cho đến những năm 1990, chủ yếu trên biên giới phía tây của Liên Xô.

Đọc thêm