Thời gian qua, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo phải cảnh giác với các loại thuốc giảm béo được rao bán trên các trang mạng. Theo họ, thuốc giảm cân chia thành 3 loại chính, bao gồm thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể, thuốc tạo cảm giác no, thuốc gây chán ăn.
Ngoài ra, có loại làm mất nước để giảm cân nhanh tức thì. Một số ý kiến cho biết, hầu hết các loại thuốc giảm cân thường chứa chất methycellulose, sterculia… tác dụng trực tiếp vào ruột chứ không hấp thụ vào máu. Những chất này khi nằm trong ruột sẽ hút nước, gây hiện tượng đầy bụng làm cho người dùng thuốc không cảm thấy đói nhưng cũng khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, bụng đau, có thể làm cơ thể mất nước, gây tiêu chảy, hoa mắt chóng mặt.
Bên cạnh đó, khi sử dụng các loại thuốc giảm cân trong thời gian dài sẽ làm hạn chế sự hấp thụ của các vitamin cho cơ thể, gây rối loạn cơ thể như rối loạn đông máu do thiếu vitamin K hoặc loãng xương do thiếu vitamin D…
Thuốc giảm cân còn tác động đến hệ thần kinh để làm giảm đi cảm giác thèm ăn, tăng cường tiêu thụ calo nên việc sử dụng thuốc giảm cân lâu dài sẽ khiến rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nghiêm trọng hơn là bị co giật và chảy máu không kiểm soát. Nếu nhịn ăn kéo dài, có thể dẫn tới cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng khiến cơ thể suy kiệt và nguy hiểm nhất là có thể dẫn tới tử vong.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phát hiện rất nhiều thực phẩm chức năng giảm béo có chứa thành phần ẩn không được công bố, có thể gây hại cho người sử dụng. Trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất các loại thuốc giảm cân không an toàn đã bị triệt phá khiến dư luận xôn xao. Tại Thái Lan, tháng 4/2018, nhà chức trách nước này đã bắt giữ đối tượng Chirayut Khongwatthanukun vì cáo buộc đã bán thuốc giảm cân nổi tiếng có tên Lyn, được cho là nguyên nhân khiến 4 người tử vong.
Trước đó, cảnh sát Thái Lan đã cảnh báo mọi người không mua sản phẩm Lyn sau khi giới chức y tế của Chon Buri phát hiện các sản phẩm này có chứa Bisacodyl và Sibutramine - được liệt kê là các chất nguy hiểm và bị cấm từ năm 1977. Sibutramine là một chất ức chế sự thèm ăn trong khi Bisadodyl là một loại thuốc nhuận tràng. Cả hai đều có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là với tim và tĩnh mạch. Thuốc trên được Chirayut bán trên mạng và thuê nhiều người nổi tiếng quảng cáo nhằm thu hút khách hàng.
Nhiều thuốc giảm cân, kể cả do các doanh nghiệp tiếng tăm sản xuất, cũng bị phát hiện gây tác dụng phụ nguy hiểm lên người dùng. Điển hình là thuốc Fen-Phen – loại thuốc chứa 2 chất là fenfluramine và phentermine. Thuốc này đã bị thu hồi vào cuối những năm 1990 sau khi bị phát hiện gây ra các tổn thương tim phổi. Thảo dược ephedra có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đã bị cấm vào năm 2004 sau khi được bán rộng rãi như một thành phần trong chế độ ăn kiêng vì bị phát hiện có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ…
Trước cảnh báo của Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) về việc thực phẩm chức năng giúp giảm cân “Super fat burner viên nhộng”, “Maxi Gold viên nhộng” và “Esmeralda viên nang” có chứa chất sisbutramine, phenolphthalein nguy hại cho sức khỏe (sisbutramine ngoài việc làm tăng huyết áp, nhịp tim còn nguy hại khi tương tác với các loại thuốc khác.
Trong khi đó, phenolphthalein giống như một dạng tẩy xổ, có nguy cơ gây co thắt cơ, rối loạn dạ dày, ung thư), ngày 30/3/2014 Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm này ở Việt Nam khẩn trương thu hồi. Theo đó, Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn phải dừng ngay việc lưu hành và tiến hành thu hồi đối với thực phẩm chức năng “Super fat burner viên nhộng” nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 6/4/2014.
Cần lưu ý không thể giảm cân ngày một ngày hai bằng các sản phẩm giảm béo bởi “dục tốc bất đạt”, giảm cân nhanh bằng cách này sẽ gây rối loạn quá trình chuyển hóa đạm, đường, mỡ... của cơ thể, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thực phẩm chức năng phải cung cấp được năng lượng sống cho cơ thể một cách an toàn chứ không phải gây chán ăn, bởi thực chất nhiều loại thuốc không làm gầy như nhiều người lầm tưởng mà chỉ gây nhuận tràng, lợi tiểu, đầy bụng khiến mất cảm giác đói, vì vậy việc sút cân nếu có chỉ là giả tạo.
Người dùng thuốc sẽ béo trở lại nếu không có chế độ ăn kiêng và tập luyện hợp lý. Mặt khác, khi sử dụng thực phẩm giảm cân cần có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ. Cuối cùng để giảm cân an toàn, người sử dụng cần lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép của Bộ Y tế và cơ quan quản lý, cấp phép của Tổng cục Dược. Đừng vì những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng mà “tiền mất bệnh mang”.