Thừa cân, béo phì luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người khắp toàn cầu, nhất là phụ nữ trẻ. "Bóng ma" này ám ảnh đến nỗi có nhiều người không béo phì nhưng vẫn ráo riết săn lùng thuốc giảm cân để thực hiện ước mơ có vóc dáng thon thả, mảnh mai - dù bản thân họ biết rõ tác dụng phụ của loại thuốc giảm cân. Bất chấp những khuyến cáo, nhiều người vẫn tìm đến những viên thuốc hay phương thuốc giảm cân được quảng cáo như những thứ “thần dược” giúp họ có thể đạt được mong muốn của mình một cách dễ dàng.
Theo tờ Dailymail của Anh, có một sự thật đáng sợ là hàng trăm nghìn phụ nữ trẻ trên khắp thế giới vẫn đang mạo hiểm tính mạng của mình để mua những loại thuốc giảm cân được quảng cáo trên mạng internet dù hầu hết những loại thuốc này không hề được chứng minh tác dụng, thậm chí còn chứa những chất cấm độc hại. Hậu quả mà họ phải gánh chịu khi đó là vô cùng nặng nề.
Giữa năm 2019, nữ giáo viên Chalida Watanasin, 32 tuổi, cũng đã được phát hiện đã chết trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Thái Lan. Theo kết quả khám nghiệm tử thi được công bố sau đó, Chalida tử vong do suy tim, nguyên nhân trực tiếp là do thuốc giảm cân. Tìm kiếm ở nhà của cô, cảnh sát phát hiện 3 gói thuốc giảm cân trong phòng ngủ, trong đó có 2 viên đã bị mất.
Cảnh sát cho rằng, sau khi uống thuốc này, Chalida đã lên giường nằm và ra đi mãi mãi ngay trong giấc ngủ. Một người bạn của cô giáo này xác nhận Chalida là một người “nghiện” thuốc giảm cân và thường thử nhiều loại thuốc khác nhau. Ngay trước ngày qua đời, cô đã đổi sang một loại thuốc giảm cân mới.
Trước hơn, năm 2013, một cô gái 26 tuổi người Trung Quốc tên Tiểu Quân cũng đã tử vong vì dùng thực phẩm chức năng giảm béo giả. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trong máu Tiểu Quân có một dược chất khác thường có tên là fluoxetine với nồng độ cao. Đây là thuốc thường được dùng điều trị bệnh trầm cảm nhưng có tác dụng phụ rất mạnh đối với cơ thể, nếu dùng quá liều lượng sẽ khiến nhịp tim rối loạn, hô hấp khó khăn, có thể dẫn tới tử vong. Cảnh sát sau đó tìm thấy trong tủ của cô còn một hộp thuốc con nhộng màu xanh đang uống dở.
Kết quả xét nghiệm lại cho thấy trong loại thuốc này có hàm lượng fluoxetine rất cao. Tra cứu theo giấy phép sản xuất in trên sản phẩm cho thấy đây là giấy phép của một loại thực phẩm chức năng giảm béo khác.
Từ lịch sử mua bán trên trang thương mại điện tử của Tiểu Quân, cảnh sát đã lần ra được đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả. Đối tượng cầm đầu đường dây cho biết, vì các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên có hiệu quả rất chậm trong khi fluoxetine có tác dụng làm người dùng hưng phấn, chán ăn nên giảm cân rất nhanh nên hắn đã mua chất này về tự đóng gói tại một cơ sở tồi tàn rồi phân phối những viên thuốc con nhộng đóng trong các bao tải cho một đối tượng khác. Đối tượng này sau đó nhập thuốc trong bao tải về, đóng hộp, in nhãn với số giấy phép sản xuất của một sản phẩm hợp pháp trên thị trường, phân phối khắp nơi.
Với thuốc DNP, trong vòng 10 năm từ năm 2006 đến 2016, thống kê cho thấy thuốc này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người tại Anh và 62 người trên toàn thế giới. Đó là còn chưa kể đến nhiều người khác phải chịu đựng chứng bệnh động kinh hay bệnh tim và những căn bệnh khác, là hậu quả của việc sử dụng những loại thuốc giảm cân không có giấy phép có thành phần hoạt chất bao gồm từ chất kích thích tới steroid khác.
Trong năm 2015, Cơ quan quản lý các sản phẩm Dược và Chăm sóc sức khỏe (MHRA), thuộc Bộ Y tế Anh, đã đóng cửa hơn 1.600 trang web quảng cáo và bán thuốc bất hợp pháp, trong đó có nhiều trang chuyên bán các sản phẩm giảm cân.
Tuy nhiên, việc này không giúp loại bỏ được các sản phẩm được các trang web ở ngoài nước Anh bán hàng, ví dụ như trong trường hợp của Eloise Parry. Bác sỹ James Woolley – một nhà tư vấn tâm lý tại bệnh viện Priory ở Roehampton, phía Tây Nam London – là một trong những người hiểu rõ vấn đề trên nhất phát biểu: “Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể, ví dụ như bị động kinh, rối loạn tâm thần và tự gây tổn thương cho chính mình, do đã tự uống các loại thuốc mua trên mạng. Một số những người này bị như vậy do đã uống các loại thuốc được quảng cáo trên mạng là thuốc giảm cân nhưng trên thực tế lại là các thuốc có chứa chất kích thích nhằm ngăn chặn sự thèm ăn” – ông Wooley cho biết.
(Kỳ cuối: Cần mạnh tay trấn áp sát thủ mang tên "thần dược" giảm béo)