Đón Tết cùng cá biển
Cặp “tam tàu” của gia đình ông Nhàn xuất phát đi biển từ tận đầu tháng chạp, khi biển bắt đầu chuyển dịch từ sóng gió thành lặng lẽ. Ra đi khi ngày Tết đang đến gần, ba bố con ông Nhàn cùng 18 công nhân giong buồm ra khơi trong niềm vui mới. Theo ông Nhàn, không riêng năm nay mà năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là bố con ông đi đánh cá.
“Trong khi nhiều ghe tàu về bờ đón Tết thì ba con tui lại ra khơi, đón Tết trên biển. Những ngày cận Tết, cá rất nhiều. Nếu trúng quả đầu năm, coi như cả năm làm ăn phát đạt”, ông Nhàn hân hoan.
Ông Nhàn kể, sau khi rời cảng làng chài Phước Hải, ba tàu của ông hướng biển Cảnh Dương (vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu giáp ranh biển Cà Mau) thẳng tiến. “Đêm 29 Tết, tui đánh được một vựa cá khổng lồ chừng gần 3 tấn.
“Sáng 30 Tết, chúng tui đánh được một mẻ cá nữa cũng khá nhiều. Mồng một Tết, chúng tui thả tàu trôi, ăn Tết. Mấy đứa mới vô nghề tiếc nên ăn xong thả cần câu mực. Câu được, cho chúng nó để riêng, coi như lì xì năm mới”, ông Nhàn cho hay.
Cùng với bố giong tàu ra khơi, con trai đầu của ông Nhàn – anh Dương Văn Can cũng trúng đậm. Tính cả anh, tàu của anh có 7 người. “Năm nào bố con em cũng ra khơi đánh cá trước Tết. Tuy không được xem pháo hoa nhưng cá nhiều, kiếm được tiền là ấm bụng rồi. Chúng em đón Tết trên biển. Mua cả bánh chưng, bánh kẹo, bia, thuốc lá theo. Giờ về nhà, đón Tết muộn ở bờ”, anh Can vui vẻ kể.
Theo ông Nhàn, với giá cả như hiện nay, trừ chi phí đá lạnh, dầu nhớt, trả tiền cho 18 nhân công, ba bố con ông thu lời gần 200 triệu đồng. “Nghỉ vài ngày, bố con tui lại ra khơi. Mùa xuân, cá nhiều không đi biển tiếc lắm. Tết vừa qua, cha con tui đón Tết cùng cá biển vẫn vui”, ông Nhàn cười nói.
Cũng cập cảng chiều trên bến cảng Phước Tỉnh, cặp tàu của ba con ông Trần Văn Thạnh mang về gần 40 tấn “lộc biển” đầu năm. Ông Thạnh quê ở Diễn Châu, Nghệ An vào Phước Tỉnh làm nghề đi biển đã hơn 10 năm. Ghe của cha con ông cũng xuất phát đi biển chiều 23 Tết.
Ông Thạnh cho biết: Bốn lần đón Tết trên biển là cả bốn lần ông cùng các bạn ngư phủ trên ghe lăn lộn với sóng to, gió lớn. “Nhưng bù lại đánh cá những ngày cận Tết có nhiều niềm vui. Vui nhất là nhiều cá, khoang nào cũng đầy, mà cá nhiều là kiếm được nhiều tiền. Ngày Tết nhớ nhà lắm, nhưng vì cuộc mưu sinh, vì gia đình, vợ con nên tôi chấp nhận”.
|
Những sọt cá đầu xuân đầy ăm ắp được chuyển lên cầu cảng Phước Tỉnh |
Nhà lầu, xe hơi nhờ “lộc biển”
Những ngày này, làng chài Phước Tỉnh nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Phía bên cầu cảng nhiều phụ nữ dắt con đón bố đi biển trở về. Trong quán cà phê sát hàng dương, ba chủ đầu nậu thu mua hải sản chờ đợi tàu cập bến.
Bà Nguyễn Thị Hải, một chủ thu mua hải sản có tiếng ở làng chài Phước Tỉnh nói oang oang “Mới đầu năm mà nhiều tàu trúng quả rồi. Năm nay, coi bộ cá nhiều hơn năm ngoái. Tàu đánh được nhiều cá, ngư phủ làm giàu, chúng tôi cũng ấm bụng thêm. Anh cứ nhìn đấy, cả làng làm nghề biển. Nhà cửa mọc lên từ tiền của biển, xe hơi cũng nhờ “lộc biển” mà có. 15 năm trước, tôi từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa vô đây hai bàn tay trắng, vậy mà giờ đã xây được nhà cửa đề huề, có xe hơi rồi”. Bà Hải đưa tay chỉ về phía dãy nhà ngoảnh mặt ra hướng biển. “Tiền từ biển đấy. Nhà nào cũng khang trang”.
Phước Tỉnh là xã miền biển của huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ, được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng trăm gia đình sắm được xe hơi, hàng nghìn hộ xây được nhà lầu và dụng cụ đắt tiền, tất cả từ biển mà có.
Ông Trần Văn Ân, người được coi là “kình ngư” ở làng chài Phước Tỉnh này có ba đời làm nghề đi biển. Từ đời cha ông, rồi ông và bây giờ là 3 con trai và một con gái đều gắn liền với sông nước. Mặc dù đã qua cái thời “trai tráng kình ngư”, nhưng hỏi về tinh thần mỗi lần ra khơi ông đều sôi nổi kể lại đầy khí phách: “Nếu cứ nhìn vào đồng tiền đem về thì không ai biết được gian khổ của nghề đi biển, nhưng cũng nói thật đi biển nhanh giàu lắm. Chỉ cần một chuyến thắng lợi là ba chuyến thất bại cũng chẳng đánh đổ được. Rừng lắm cây, biển nhiều cá, có sức là có tiền. Hơn 40 năm gắn bó với biển nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ nó. Đời cha tôi, con tôi cũng như vậy. Đi biển cũng nhiều niềm vui lắm chớ. Anh nhìn thấy đấy, suốt dọc bờ biển Phước Tỉnh này nhà xây san sát, nhà lầu, xe hơi đều là tiền mang từ biển về”.
Theo tay ông Ân chỉ, dọc theo bờ biển là khu phố mới với những nhà lầu, nhà ngói đỏ tươi in mình xuống nước. Đó là “sản phẩm” của biển mà hàng ngàn hộ dân chài Phước Tỉnh này nhiều năm gây dựng mới có được. Bên chiếc xe hơi cáu cạnh mua hồi tháng trước, cựu ngư phủ Ân “khoe” với chúng tôi về những thành tích mà ông và các bạn ngư phủ một thời “dọc ngang” trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
“Ngày nhỏ tôi chỉ theo ba nấu cơm cho các anh làm công, nhưng mỗi lần kéo được nhả cá từ biển lên là tôi thấy mình không thể bỏ được biển. Ra biển đánh cá mới thấy yêu đất nước mình. Nói thật với anh, nếu không đi biển đánh cá biết làm gì để sinh sống, trong khi đi biển đã là nghề truyền thống của gia đình. Nhà cửa, cả cái xe này nữa đều lấy từ biển. Mặc dù nhiều chuyến đi dài ngày khá vất vả, nhất là vào mùa bão gió, song chính trong gian khổ ấy mình mới thấy yêu nghề”, ông Ân chia sẻ.
|
Nguồn lợi từ biển giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động |
Ra khơi theo lời biển gọi…
Hàng trăm chủ ghe tàu và ngư phủ ở làng chài Phước Tỉnh, ngoài đi biển kiếm gạo mưa sinh, họ còn ra khơi cho thỏa thích đời sóng gió. Ông Trần Văn Ân sau 40 năm bám biển, xây được nhà lầu, sắm được xe hơi, nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ ngư trường. Lão kình ngư Dương Văn Tài nửa thế kỷ bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, ông có cuộc sống sung túc mà nhiều người phải mơ ước.
Thay vì nghỉ ngơi cho con cháu phụng dưỡng, ông vẫn chẳng nỡ bỏ nghề. Bởi với ông, niềm hạnh phúc và sung sướng nhất là được đi biển và đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc mình. Ông Tài chia sẻ: “Đi biển cốt là mưu sinh, nhưng cũng là giữ ngư trường truyền thống. Tuổi như chúng tôi lẽ ra phải nghỉ ngơi, nhưng biển đã ngấm vào máu thịt, không đi nhớ lắm”.
Ngoài kiếm cơm từ biển, thế hệ đi trước như ông Ân, ông Tài còn có sứ mệnh truyền nghề lại cho lớp trẻ sau. Các ông muốn lớp con cháu phải hiểu rằng, biển là không gian sinh tồn lâu dài nhất. “Thế hệ con cháu chúng ta phải có trách nhiệm khai thác, gìn giữ; vừa để sinh sống, vừa bảo vệ biển đảo. Khi biển, đảo vẫn “nóng” như hiện nay; khi nước ngoài chưa từ bỏ xâm chiếm biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì không chỉ chúng tôi là lớp già, mà cả lớp trẻ cũng phải tăng cường bám biển. Biển gọi là ra khơi”, ông Tài khẳng định.
Mới 32 tuổi nhưng anh Dương Văn Khanh đã làm chủ con tàu cá lớn. Chuyến biển đầu năm, anh Khanh đánh được hơn chục tấn cá bò. Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt chàng ngư phủ quê Diễn Châu: “Thời tiết thuận lợi năm nay hứa hẹn một mùa cá bội thu. Chuyến biển vừa rồi chúng tôi đánh cá tận gần đảo Hoàng Sa, sau hơn một tháng, trừ chi phí dầu nhớt, mỗi lao động cầm tay trên dưới hai chục triệu đồng. Nói thật với anh, nghề đi biển cực nhọc lắm, nhưng chính biển đã nuôi sống chúng tôi. Nhiều người tử nạn vì nghề đi biển, nhưng biển cũng đem lại cơm áo, gạo tiền”.
Theo anh Khanh, thời tiết hiện nay biển êm, bắt đầu vào mùa biển lặng, công việc đánh cá cũng thuận lợi hơn nên tàu đánh cá đi xa hơn. “Mỗi lần đi biển, chúng tôi đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, như bắt cá lớn không bắt cá bé”- anh Khanh cho biết. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Khanh giãi bày: “Nếu cứ bắt cá bé sẽ dần cạn kiệt. Nhiều khi cào lên mẻ cá nhỏ, đành thả lại xuống biển, vài tháng sau chúng lớn mình bắt cũng chưa muộn”.
Thời gian tới, tàu của bố con ông Thạnh, ông Nhàn, anh Khanh lại ra khơi đánh cá chuyến thứ hai. Để rồi sau 35 ngày đánh bắt, họ lại trở về với những khoang cá đầy trong niềm hân hoan chờ đón của người thân làng chài Phước Tỉnh. Với họ, ra khơi đánh bắt hải sản không chỉ mưu sinh mà cao cả hơn là bảo vệ ngư trường truyền thống cho Tổ quốc.