Lời biện hộ của người cha bạo hành con dã man

(PLO) - Đánh đập con với chằng chịt vết sẹo trên mặt, đầu nhưng sợ mọi người phát hiện, Nam bắt con đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài.
Nam và Trinh tại tòa

Dạy con bằng bạo lực

 Ngày 31/8, TAND quận Cầu Giấy đưa Trần Hoài Nam (SN 1983, ngụ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, ngụ Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ra xét xử về tội “Hành hạ con" và "cố ý gây thương tích”. Bé T.N.K (sinh năm 2008, con đẻ Nam) không đến tòa, mẹ đẻ của cháu bé tham dự buổi xét xử.

Tạ tòa, Nam thừa nhận những hành vi của mình đúng như cáo trạng đã truy tố. Nam khai ban đầu con ngoan ngoãn nhưng khoảng tháng 7/2016 có biểu hiện bướng bỉnh. Từ khi Nam và Trinh chuyển ra khách sạn ở, bị cáo mới dùng roi “dạy” con. Nam thừa nhận “Ban đầu nghe vợ kể con nghịch ngợm bị cáo bỏ qua nhưng sau đó thống nhất nếu cháu nghịch sẽ đánh”. 

Nam tiếp tục khai nhận nếu đi ra ngoài phải bảo con đeo khẩu trang, đội mũ để người ngoài không nhìn thấy những vết tích đánh đập trên cơ thể cháu bé. Người cha cũng khai nhận việc quấn nhiều móc quần áo tạo thành roi, dùng tay, dùng muôi inox đánh con; bắt con ngủ dưới đất, ngoài ban công và phạt con trai uống nước mắm cũng như không cho gặp mẹ đẻ, ông bà nội cũng như ra ngoài chơi. Tuy nhiên, bị cáo Nam phủ nhận việc không cho con đi học mà viện lý do cháu bé ở nhà do đang chuyển trường cho con.

Hội đồng xét xử vụ án

Chủ tọa đã đọc lại những thương tích mà cháu K phải gánh chịu khi ở với bố: Thời gian sống chung với 2 người, bị đánh nhiều lần, Chinh dùng muôi, guốc gỗ đánh vào người. Có lần Nam đạp vào sườn không đi được. Tất cả thương tích đều do hai người gây ra. Có lần bị bắt uống nước mắm, sa tế, nhốt ở phòng một mình “lý do bị đánh vì Trinh hay kể xấu”.

Tuy nhiên, những vết thương của con, Nam không nhận những vết thương ở chân Nam cho rằng con tự làm ngã, vết thương ở mũi thì không rõ; còn Trinh cho rằng vết thương ở miệng cháu là do ngã trong nhà vệ sinh. Nam khai tuổi thơ nhiều lần bị đánh khi phạm lỗi nên việc đánh con chỉ là “bắt chước” cách giáo dục của bố mẹ. 

“Những bậc làm cha mẹ, con cái là trời cho. Chúng tôi đọc hồ sơ trào nước mắt vì hành vi của hai bị cáo là đáng trách, cũng đáng thương cho con trẻ. Pháp luật dành nhiều ưu tiên cho con trẻ, chúng được cha mẹ quyền nuôi dưỡng, bảo vệ. Với những đứa trẻ bị bạo hành sau này dễ trở nên hung hãn, tổn thương, hậu quả để lại rất lớn”, vị thẩm phán nói.

Mẹ kế: "không nhớ nguyên nhân đánh là gì nữa'

Đối với bị cáo Trinh, HĐXX khi thẩm vấn đã cách lý bị cáo Nam. Trinh khai trước khi kết hôn đã thống nhất để chồng dạy con riêng. Tuy nhiên, sau đó cả hai đồng thuận nếu cháu K hư, Nam sẽ đánh con. Sau khi chuyển ra ngoài ở, Nam đi làm còn Trinh ở nhà bán hàng online và trông cháu K. Bị cáo Trinh thừa nhận xưng hô mày- tao với con riêng của chồng và “vì cháu nghịch ngợm nên bị cáo đã lấy đũa, muôi inox và dùng tay tát cháu”, Trinh khai.

Bị cáo Trinh cũng thừa nhận nhiều lần Nam lôi con vào phòng riêng đánh, cả hai không cho con đi học. Khi HĐXX hỏi về nguyên nhân đánh con chồng, nữ bị cáo trả lời “Vì cháu K nghịch ngợm rất nhiều nên không nhớ nguyên nhân đánh cháu là gì”. Nữ bị cáo thừa nhận hành vi sai trái, không khuyên nhủ chồng mà còn bàn bạc dùng đòn roi để dạy dỗ cháu bé. 

“Bị cáo từng là điều dưỡng nhưng cháu K bị đánh với nhiều vết thương mà không sơ cứu, chăm sóc. Bị cáo thấy hành vi của mình có đúng không?”, vị hội thẩm nhân dân nghiêm giọng. Cúi mặt, Trinh lí nhí biện minh “Sau sự việc, bị cáo rất ân hận về hành vi của mình. Có nhiều lúc bị cáo nói chuyện với cháu để hiểu rõ hơn, cháu ý thức được. Chỉ có khi cháu nghịch bị cáo mới tức giận”.

Đọc thêm