Lời mời cao hơn mâm cỗ

(PLVN) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổng thống Mỹ Donal Trump đại diện cho nước chủ tịch luân phiên của nhóm G7 đã quyết định tổ chức sự kiện lớn này của G7 theo hình thức như thông lệ vào cuối tháng 6 này, nhưng rồi lại hoãn và chuyển đến tháng 9...
Nhóm G7
Nhóm G7

Nước Mỹ hiện là chủ tịch luân phiên của Nhóm G7 và theo thông lệ lâu năm của khuôn khổ diễn đàn này, nước đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm sẽ tổ chức hội nghị cấp cao thường niên. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã làm cho việc tổ chức những hội nghị hay các cuộc gặp gỡ trực tiếp trở nên rất khó khăn, nếu như không muốn nói là không còn khả thi. Vì thế, hình thức hội nghị trực tuyến thường được lựa chọn thay thế.

Lúc đầu, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự định sử dụng hình thức tổ chức sự kiện này. Dịch bệnh không chỉ cương tỏa cả thế giới mà còn hoành hành trầm trọng nhất ở nước Mỹ. Về sau, ông Trump lại quyết định tổ chức sự kiện lớn này của G7 theo hình thức như thông lệ vào cuối tháng 6 này, nhưng rồi lại hoãn và chuyển đến tháng 9.

Giữa khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan ở Mỹ, đất nước này lại còn bị chìm đắm trong hỗn loạn và bạo lực, trong biểu tình phản đối của người dân và bạo lực trấn át của cảnh sát. Bối cảnh tình hình chính trị xã hội nội bộ như thế thật chẳng thuận lợi chút nào cho ông Trump tổ chức sự kiện thường niên quan trọng nhất của G7.

Hiện chưa biết số phận cuối cùng của sự kiện này rồi sẽ như thế nào nhưng ông Trump đã có hai động thái khiến những thành viên khác của nhóm bối rối và khó xử. Thứ nhất là ông Trump chủ ý mời Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tham dự hội nghị. Nga vốn đã từng là thành viên của khuôn khổ diễn đàn này (G8) nhưng bị G7 tẩy chay và cô lập sau khi tiếp nhận Crimea năm 2014.

Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển G8 (trước khi Nga bị loại khỏi nhóm này vào năm 2014)
 Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển G8 (trước khi Nga bị loại khỏi nhóm này vào năm 2014)

Đại đa số các thành viên còn lại của G7 hiện đều không muốn Nga được mời tham dự. Họ bị ông Trump làm cho khó xử bởi không thể vì ông Trump mời Nga tham dự sự kiện mà không tham dự sự kiện, nhưng tham dự sự kiện lại không muốn cùng thương thảo với Nga ở sự kiện.

Thứ hai là ông Trump không chỉ kiên định chủ ý G7 mời Nga trở lại nhóm mà còn công khai cho rằng khuôn khổ diễn đàn G7 này hiện đã trở nên lỗi thời cần phải được thay đổi và cải tổ, tức là không được bó hẹp ở số lượng 7 thành viên nữa mà phải được mở rộng. Các thành viên khác lại phải đối mặt với vấn đề kết nạp lại Nga vào nhóm cũng như vấn đề để cho thêm bên mới “cùng mâm cùng chiếu”.

Ông Trump thừa biết rằng cả hai việc nói trên đều rất nhạy cảm và không dễ khả thi. Nhưng cho dù chưa được trở thành thực tế thì các động thái ấy đều vẫn có được tác động chính trị như ông Trump mong muốn là tranh thủ 4 nước kia và gia tăng áp lực đối với các thành viên khác của G7.

Mỹ không từ bỏ G7 nhưng ông Trump đã phát đi thông điệp là Mỹ đang hướng tới hình thành khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế mới mà ông Trump cho là sẽ cấp tiến và hợp thời hơn hẳn G7 hiện tại. Cỗ tiệc tuy chưa làm nhưng lời mời dự cỗ tiệc vẫn có được tác động không hề nhỏ của nó. 

Đọc thêm