Lựa chọn "đau tim" giữa mùa đại dịch

(PLVN) - Số ca bệnh nặng tăng nhanh trong khi nguồn lực y tế có hạn đang đẩy các nhân viên y tế ở nhiều nước trên thế giới vào cảnh vô cùng khó khăn khi phải lựa chọn cứu ai, bỏ ai.
Lựa chọn "đau tim" giữa mùa đại dịch

Viễn cảnh tồi tệ 

Một y tá mắc bệnh hen suyễn, một cụ ông bị ung thư và một người vô gia cư không có gia đình, tất cả đều đang lên cơn sốt do nhiễm virus corona chủng mới. Tất cả họ đều đang cố gắng để thở trong khi lại chỉ có một máy trợ thở có thể cứu sống họ. Trong tình huống đó, ai sẽ là người được ưu tiên dùng máy thở khi bệnh viện không có đủ máy cho tất cả mọi người? Viễn cảnh tồi tệ này là nỗi lo sợ của nhiều nhân viên y tế tại Mỹ trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đối mặt với cảnh báo về sự gia tăng số lượng bệnh nhân cần máy thở và các nguồn lực khác để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong lúc các thiết bị cần thiết lại có thể sắp bị thiếu hụt trầm trọng.

Điều đó có nghĩa là các nhân viên y tế sẽ phải lục lại những sách vở về cách phân bổ nguồn lực hạn chế một cách công bằng trong trường hợp khẩn cấp mà trước đây họ chưa bao giờ phải viện tới.  “Tôi cầu nguyện một sự đánh giá công bằng và khả năng tốt của họ khi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn”, ông Erik Curren - có cha 77 tuổi thiệt mạng vừa tử vong vì các biến chứng hô hấp liên quan sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) tại một nhà dưỡng lão ở Florida. Giống như hầu hết các nơi khác trên thế giới, máy trợ thở cho bệnh nhân đang là nhu cầu cấp bách trên khắp nước Mỹ do những người bị biến chứng nặng do bệnh Covid-19 thường gặp các vấn đề về hô hấp. 

Các y, bác sĩ nhiều nước đang buộc phải có những lựa chọn đau đớn khi điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19
Các y, bác sĩ nhiều nước đang buộc phải có những lựa chọn đau đớn khi điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Theo Hiệp hội Y học Hồi sức Mỹ, có khoảng 900.000 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể cần tới các máy trợ thở trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ước tính của Hiệp hội, trên cả nước chỉ có 200.000 máy trợ thở, mà phần nhiều trong số đó đã được sử dụng cho các bệnh nhân khác. Tại bang New York - tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 của nước Mỹ, một bệnh viện ở thành phố đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do virus corona gây ra chỉ trong một ngày. Giới chức bang này cũng đã phải gấp rút lập bệnh viện dã chiến với hàng trăm giường bệnh tại một trung tâm hội nghị trong lúc số người nhiễm bệnh ở đây tăng vọt. 

Để chuẩn bị cho sự gia tăng đáng kể số người bệnh Covid-19, các quan chức y tế trên cả nước Mỹ đang xem xét lại các hướng dẫn từ của chính phủ tiểu bang và các nhóm y tế về cách phân bổ nguồn lực hạn chế trong các trường hợp khẩn cấp. Nguyên tắc chung bao trùm các kế hoạch đó được xác định là mang lại lợi ích cao nhất cho số lượng người lớn nhất và ưu tiên những người có cơ hội phục hồi tốt nhất. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế nhiều khi không đơn giản và cách diễn giải, thực hiện chính xác nguyên tắc trên thành các quyết định trong những tình huống buộc phải lựa chọn lại là việc đầy khó khăn và gây lo ngại. 

Những lựa chọn khó khăn 

Tiến sĩ Douglas White của Đại học Pittsburgh ở Mỹ cho rằng việc tự động loại trừ một số nhóm nhất định khỏi việc tiếp cận máy trợ thở, ví dụ như những người mắc bệnh phổi nặng, làm dấy lên các vấn đề về đạo đức. Các hướng dẫn được Sở Y tế của tiểu bang New York đưa ra trước đây đã loại trừ một số người bị bệnh nặng không được dùng máy trợ thở khi máy bị hạn chế về số lượng trong các trường hợp khẩn cấp lớn. Tuy nhiên, Sở này lại lưu ý rằng việc tự động xếp những người cao tuổi vào loại không đủ tiêu chuẩn sẽ là hành vi phân biệt đối xử. Cũng trong các hướng dẫn này lại bổ sung rằng do “ưu tiên xã hội mạnh mẽ trong việc cứu trẻ em, độ tuổi có thể được xem xét trong việc đưa ra quyết định khi cuộc sống của một đứa trẻ bị đe dọa.

Do đó, việc diễn giải các hướng dẫn này nhiều khi sẽ dẫn đến những sự chồng chéo. Các hiệp hội y tế của Đức trong tuần qua đã công bố các khuyến nghị trong việc đối phó với dịch Covid-19, trong đó cũng nêu rõ rằng tuổi tác không nên là một yếu tố quyết định. Trong số các tình huống mà hiệp hội này cho rằng không nên cung cấp dịch vụ chăm sóc đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt vật tư và thiết bị y tế có tình huống bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt lâu dài để sống sót. Một tính toán nghiệt ngã khác mà các chuyên gia cho rằng các bệnh viện có thể đưa ra là quyết định xem bệnh nhân có thể cần giường bệnh hay máy trợ thở trong bao lâu trong lúc máy có thể cứu được bao nhiêu người khác.

Điều đó sẽ giúp ngăn chặn được việc đưa ra một quyết định thậm chí còn tồi tệ hơn, mà nhiều bác sĩ ở Mỹ có thể chưa bao giờ phải đối mặt – là liệu có nên rút máy khỏi bệnh nhân này để cho bệnh nhân khác hay không. Những lựa chọn khó khăn nói trên đang là tình huống mà các bác sỹ ở nhiều nước đang phải đối mặt trong bối cảnh số ca bệnh Covid-19 vẫn đang gia tăng với tốc độ không ngừng.

Nhân viên y tế ở nhiều nơi cũng đang phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Những kịch bản đau lòng thực sự đang xảy ra ở những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, bao gồm cả Tây Ban Nha- nơi một lãnh đạo tại một viện dưỡng lão gần đây cho rằng người dân bị bệnh đang chết vì không được nhập viện do bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân.

Tại Italia, một bác sĩ giấu tên hồi tháng 3 vừa qua cho biết, các bác sĩ phải chọn người để đặt ống thở. “Giữa hai bệnh nhân 40 tuổi và 60 tuổi đều có nguy cơ tử vong, chúng tôi phải lựa chọn. Điều này thật kinh khủng và chúng tôi đã khóc nhưng chúng tôi không đủ thiết bị”, vị bác sĩ nói. Bác sĩ gây mê hồi sức Christian Salaroli ở Lombardy cũng cho hay các bác sĩ giờ đây buộc phải chọn người điều trị theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, giống như trong thời chiến.

“Chúng tôi quyết định dựa trên tuổi và tình trạng sức khỏe. Nếu một người khoảng 80 - 95 tuổi bị suy hô hấp nặng, có khả năng họ sẽ không thể qua khỏi. Nếu bệnh nhân bị suy chức năng 2 hoặc 3 cơ quan quan trọng, đồng nghĩa tỷ lệ tử vong của người này là 100%”, ông Salaroli nói.

Tính đến hết ngày 10/4 qua, số người chết vì dịch Covid-19 trên khắp thế giới đã lên tới 100.000 trong khi số ca nhiễm bệnh vượt qua 1,6 triệu. Các ca bệnh và tử vong mới vẫn đang gia tăng theo cấp số nhân.

Theo thống kê của Reuters, ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hôm 9/1. Sau 83 ngày, thế giới có 50.000 người thiệt mạng. Thế nhưng, chỉ 8 ngày tiếp theo, tổng số người chết đã lên tới 100.000. Tỷ lệ tử vong hàng ngày trên thế giới trong tuần qua đã tăng từ 6% tới 10%. Tỷ lệ này được so sánh với đợt dịch. Cái chết đen xảy ra vào giữa thập niên 60. Khi đó, hơn 100.000 người, tương đương 1/3 dân số của toàn bộ thành phố London của Anh đã tử vong do dịch bệnh.

Đọc thêm