Nước Mỹ là một trong những nơi được coi thuộc diện có hệ thống luật pháp và mạng lưới tòa án đồ sộ nhất trên thế giới, chi tiết và cụ thể nhất, bao quát phạm vi rộng rãi nhất và cũng lâu đời nhất. Có thể nói luật pháp như thế rất đầy đủ và chặt chẽ. Nhưng những gì diễn ra ở đất nước này trong thời gian vừa qua liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống lại cho thấy luật pháp chặt chẽ như thế mà trong thực chất lại có không ít điểm lỏng lẻo đến mức rất dễ bị lách.
Cả đất nước bầu tổng thống nhưng nước Mỹ có 50 bang thì mỗi bang có luật lệ bầu cử riêng mà kết quả bầu cử ở mỗi bang lại được gộp lại trong kết quả chung. Các bang xác định ra số lượng đại cử tri cho ứng cử viên tổng thống thắng cử ở bang ấy và ứng cử viên tổng thống nào giành về được ít nhất 270 đại cử tri thì sẽ đắc cử - như cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm nay ở nước Mỹ.
Kết quả bầu cử cuối cùng là ông Biden đạt được 306 đại cử tri trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành được có 232 đại cử tri nên bị thất cử. Vì mỗi bang có luật bầu cử khác nhau nên luật bầu cử ở bang được phe đang cầm quyền thay đổi với mục đích đảm bảo duy trì được quyền lực trong lần bầu cử tới.
Cách lách luật tiếp theo là khi ứng cử viên tổng thống của phe không cầm quyền tại bang ấy đắc cử thì phe đang cầm quyền đưa ra đủ lý do, tiến hành kiện tụng tại các cấp tòa án, sử dụng những thủ thuật mang pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử. Chẳng hạn như phe cầm quyền không để cho bên thắng cử chọn lựa các đại cử tri của họ mà giành việc chọn lựa đại cử tri để bầu cho ứng cử viên tổng thống vốn đã bị thất cử của họ.
Hay như đích thân ông Trump yêu cầu người của Đảng Cộng hòa nắm quyền ở bang Georgia “tìm ra 11.780 phiếu bầu” cho ông Trump, tức là chỉ cần có 1 phiếu nhiều hơn số lượng 11779 phiếu bầu đã giúp ông Biden đánh bại ông Trump ở bang này. Về phương diện pháp lý, bản chất của hành động ấy là xúi giục và thúc ép kẻ khác thực thi gian lận bầu cử và như thế nếu không phải là vi phạm pháp luật thì cũng là lách luật.
Theo quy định chung của luật bầu cử Mỹ, đại cử tri của bang nào chỉ được bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên đã giành về được đa số phiếu bầu phổ thông ở bang ấy. Nhưng luật này cũng lại bị lách ở chỗ có đại cử tri không tuân thủ mà bỏ phiếu bầu cho kẻ khác. Rồi ngay cả khi các đại cử tri tuân thủ luật này, luật bầu cử cũng vẫn còn bị lách ở phiên họp chung của lưỡng viện lập pháp Mỹ nhằm chính thức xác nhận kết quả bầu cử tổng thống ngày 6/1 vừa qua.
Phó Tổng thống Mike Pence trên cương vị Chủ tịch Thượng viện chủ trì phiên họp này và có sứ mệnh thật ra chỉ hình thức là công bố kết quả bầu của hội nghị các đại cử tri diễn ra trong ngày 14/12 năm trước. Mấu chốt ở chỗ ông Pence cuối cùng phải tuyên bố ai đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống.
Luật pháp quy định cụ thể như thế, nhưng có người ở phe Đảng Cộng hòa kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ là ông Pence không có cái quyền ấy, tức là tước đi cái quyền này của ông Pence nhưng trong thực chất tạo cho ông Pence cơ sở pháp lý để không tuyên bố ông Biden đã đắc cử. Ngay đến cả ông Trump cũng thôi thúc ông Pence lật ngược kết quả bầu cử.
Luật nghiêm và chặt nhưng có được thực thi đúng như thế hay không lại phụ thuộc vào phán xử của tòa án và hành xử của những người liên quan. Bản thân luật không đủ uy và quyền để đảm bảo là nó sẽ được thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ. Những bất cập ấy của luật pháp Mỹ chỉ lộ diện trong những tình cảnh đặc biệt như trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.