Luật không bằng lệ

(PLVN) - Trong những ngày vừa qua, giao tranh quân sự bùng phát và leo thang mức độ quyết liệt giữa Azerbaijan và Armenia, làm cho vấn đề vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh lại trở nên thời sự ở châu Âu và phần nào cả trên thế giới nữa. 
Pháo binh Azerbaijan khai hỏa về phía lực lượng ly khai Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh.
Pháo binh Azerbaijan khai hỏa về phía lực lượng ly khai Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh.

Bản chất chuyện này là ly khai lãnh thổ Nagorno-Karabakh, chuyện xung khắc song phương giữa Azerbaijan và Armenia cũng như giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh đó là chuyện ảnh hưởng và vai trò chính trị quân sự, an ninh của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên phương diện pháp lý, ở đây lại còn là chuyện về luật và lệ.

Bản đồ chính trị và địa lý hiện tại ở châu Âu hình thành sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc và sau khi Liên Xô cũng như Liên bang Nam Tư tan rã. Một số quốc gia ở vùng Trung Á có mối liên hệ về lịch sử, tôn giáo, văn hóa và sắc tộc rất chặt chẽ với các khu vực khác ở châu Âu. Thời kỳ Chiến tranh lạnh trong thế kỷ trước, sự hình thành phe phái về ý thức hệ và đồng minh quân sự làm cho chuyện ranh giới quốc gia như thể đã được xử lý ổn thỏa.

Luật pháp được xác định và tác động trong bối cảnh tình hình chung như thế. Vùng Nagorno-Karabakh tuy có những khác biệt rất cơ bản về tôn giáo và văn hoá với những vùng khác ở Azerbaijan nhưng theo luật vẫn luôn thuộc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, như Kosovo thuộc về Serbia, xứ Catalonia thuộc về Tây Ban Nha...

Sau khi Liên Xô và Liên bang Nam Tư tan rã, các nước cộng hòa trực thuộc trở thành quốc gia độc lập. Bắt đầu từ đấy nảy sinh vấn đề ly khai lãnh thổ. Cái lệ nói trên không hề bị ảnh hưởng chút nào, vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn được vận dụng.

Nhưng trên phương diện ly khai này thì luật lại không bằng hai cái lệ mới là ai ở đâu ly khai lãnh thổ được thì ly khai, và ai lợi dụng được chuyện ly khai lãnh thổ được để gây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng hay để chơi cuộc chơi địa chiến lược mới thì đều lợi dụng. 

Vì thế, Nagorno-Karabakh ly khai Azerbaijan ngay từ thời đất nước này trở thành quốc gia độc lập. Ở Azerbaijan, đại đa số dân chúng theo đạo Hồi trong khi đại đa số dân chúng ở Armenia và ở vùng Nagorno-Karabakh theo đạo Thiên chúa. Sau mấy lần chiến tranh, Nam Ossetia và Abkhasia cũng như Kosovo đều ly khai và đơn phương tuyên bố trở thành quốc gia độc lập. Việc ly khai và đơn phương tuyên bố độc lập đã hất bỏ cái luật hiện hữu lâu nay. 

Trong luật pháp quốc tế, quyền tự quyết của các dân tộc được đề cao nhưng ở thời hiện đại này thì quyền ấy lại bị đặt ở trong khuôn khổ sự kiểm soát và chế tài của quyền về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Dân xứ Catalonia muốn ly khai Tây Ban Nha đấy nhưng luật pháp Tây Ban Nha đâu có cho phép.

Vì thế, những nơi ly khai nói trên đều phải hội thủ đồng thời đủ 3 yếu tố là sự mong muốn của người dân, cơ hội từ thời cuộc và sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Kosovo được Mỹ, NATO và EU hậu thuẫn về mọi phương diện. Abkhasia và Nam Ossetia được Nga công nhận. Nagorno-Karabakh có được sự hậu thuẫn toàn diện và bảo hộ an ninh của Armenia. Những tác nhân này làm cho lệ tuy yếu hơn về pháp lý nhưng lại mạnh hơn trên thực tế, tức là trên phương diện vận dụng.

Đương nhiên, luật chứ không phải lệ là cơ sở và nguyên tắc cho bất kỳ giải pháp nào đối với chuyện ly khai lãnh thổ. Chừng nào lệ không mạnh bằng luật thì chừng đó giải pháp nếu có đạt được thì thường bất lợi cho luật và chỉ có lợi cho lệ.

Chẳng hạn như đối với cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về vùng Nagorno-Karabakh, Azerbaijan không từ bỏ chủ quyền đối với vùng Nagorno-Karabakh, nhưng dù vậy và kể cả với sự hậu thuẫn đắc lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan biết đến bao giờ mới giành về lại được vùng Nagorno-Karabakh.

Đọc thêm