Luật lệ lụy chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ việc "công chúa Huawei" là một trong những vụ việc vừa pháp lý quốc gia và quốc tế lẫn chính trị thế giới và quan hệ giữa các quốc gia dai dẳng suốt 3 năm qua vừa đi tới hồi kết.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Cái kết cục ấy vốn đã không thể khác ngay từ khi vụ việc xảy ra. Nguyên do ở chỗ chuyện pháp lý nhưng lại ở trong cuộc chơi chính trị và bởi luật hay lệ đều lụy chính trị.

Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc. Cách đây 3 năm, khi quá cảnh qua Canada, người phụ nữ này bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ muốn Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ với cáo buộc bà này thông qua một công ty ở Hong Kong (Trung Quốc) đã vi phạm các biện pháp chính sách mà Mỹ áp dụng trừng phạt những công ty nước ngoài tiếp tục quan hệ hợp tác kinh doanh với Iran.

Canada vốn là đồng minh chính trị và quân sự của Mỹ, lại cùng quan điểm với Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc và cùng với Mỹ rất trắc trở và căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu theo luật Mỹ, trong khi Canada bắt giữ người phụ nữ này vừa theo luật của Canada, vừa theo cái lệ là đồng minh tiền hô hậu ủng với nhau. Nhân tố chính trị trong chuyện này là cả hai đều công cụ hóa vụ việc bắt giữ và yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu để nhằm vào Tập đoàn Huawei và Trung Quốc.

Trong thế giới ngoại giao quốc tế lại có cái lệ là có đi có lại, ăn miếng trả miếng và người sao thì ta vậy. Gần như ngay sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị phía Canada bắt giữ, phía Trung Quốc bắt giữ2 công dân Canada ở Trung Quốc với cáo buộc họ hoạt động gián điệp, tức là vi phạm luật pháp quốc gia của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc quả quyết việc bắt giữ này không hề liên quan gì đến chuyện xảy ra với bà Mạnh Vãn Chu trong khi cả Canada, Mỹ và các đồng minh của họ trong khối Phương Tây đồng loạt cáo buộc Trung Quốc chơi trò “ngoại giao con tin”.

3 năm qua là khoảng thời gian phía Canada vận hành quy trình pháp lý quốc gia để đi tới quyết định có dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ hay không. Cho tới trước đấy, phía Canada chưa từng khước từ yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Cũng 3 năm ấy là khoảng thời gian phía Trung Quốc đưa 2 công dân Canada ra xét xử trước tòa án. Một người đã bị tuyên phạt tù 12 năm.

Có thể thấy phía Trung Quốc nhìn vào diễn biến phiên toà ở Canada mà vận hành chuyện xét xử 2 công dân của nước này. Rồi vào cùng thời điểm bà Mạnh Vãn Chu được phía Canada trả tự do và lên máy bay bay về Trung Quốc thì phía Trung Quốc cũng trả tự do cho 2 công dân Canada. Đích thân Thủ tướng Canada Justin Trudeau ra sân bay đón 2 người kia trong khi bà Mạnh Vãn Chu được đón tiếp như người hùng ở Trung Quốc.

Điều đáng chú ý nữa là Bộ Tư pháp Mỹ đạt được thỏa thuận riêng với bà Mạnh Vãn Chu để có cớ không tiếp tục truy cứu người phụ nữ này, giúp Tòa án Canada đi đến phán quyết là bà Mạnh Vãn Chu không còn vi phạm cả luật pháp của Canada lẫn luật pháp Mỹ.

Canada phải giải thích luật theo cách khác để trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu. Trung Quốc đã đẩy Canada vào tình thế sẽ phải trả giá đắt nếu đáp ứng yêu cầu của Mỹ và cũng đồng thời đẩy Mỹ vào tình thếkhó xử với láng giềng nếu cứ kiên quyết đòi phía Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.

Chính bởi cục diện này mà ngay từ đầu vụ việc, thiên hạ đã có thể dự liệu thấy là phía Canada sẽ không dám quyết định dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ vì việc giải cứu công dân ra khỏi Trung Quốc còn quan trọng hơn việc đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Ba năm qua là khoảng thời gian Mỹ và Canada cần để xem Trung Quốc chơi cuộc chơi chính trị và luật lệ này đến đâu và để họ tìm ra giải pháp giúp cả hai giữ được thể diện.

Đọc thêm