Luật lộn tùng phèo

(PLVN) - Ở nước Pháp từ năm 2013 đến năm 2019 có một bộ luật quy định tất cả các cơ quan công quyền ở các cấp không được bổ nhiệm nhân sự thuộc một giới tính vào cương vị lãnh đạo với tỷ lệ quá 60%. Mục đích của bộ luật này là thực hiện triệt để và bảo đảm bình đẳng giới cho phụ nữ ở các cương vị lãnh đạo thuộc tất cả các cấp trong cơ quan công quyền nhà nước. 
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Quy định về tỷ lệ dành riêng cho nữ giới nắm giữ các cương vị chức quyền trong đảng phái chính trị, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt trong các cơ quan quyền lực của nhà nước đã được ban hành và thực hiện từ lâu tại rất nhiều nước trên thế giới.

Việc dùng luật để thực hiện mục đích này vốn không có gì lạ và trong thực chất rất cần thiết bởi nếu không có các chế tài như thế thì ít có phụ nữ được bổ nhiệm vào những cương vị lãnh đạo ở các cấp. Cũng vì thế mà bộ luật nói trên ở nước Pháp được hoan nghênh và đề cao đặc biệt. Nước Pháp nhờ vậy mà được coi là thành viên đi tiên phong trong EU trên phương diện này.

Chỉ có điều là từ khi ra đời cho tới khi bị xoá bỏ 6 năm sau đấy, bộ luật này chưa từng có lần nào phải áp dụng để xử phạt, cũng có thể nói là nó được tuân thủ và thực thi rất nghiêm chỉnh ở Pháp. Nếu diễn tả bằng ngôn từ khác thì bộ luật phát huy rất tích cực hiệu lực của nó và thúc đẩy thực sự bình đẳng giới trên phương diện đặc biệt này.

Trong bối cảnh tình hình chung như vậy, không khôi hài về pháp lý và cả chính trị xã hội khi bộ luật lại được một lần vận dụng với mục đích ngược lại là đảm bảo thực hiện bình đẳng giới cho phái nam.

Chuyện là vừa mới đây, Bộ Nội vụ Pháp phạt chính quyền thủ đô Paris 90.000 Euro về việc năm 2018 đã bổ nhiệm 11 phụ nữ và 5 nam giới vào những cương vị lãnh đạo trong chính quyền thành phố Paris. Tức là nữ nhiều hơn nam, chiếm tới 69%, vượt quá giới hạn được quy định trong luật.

Không khôi hài sao được khi bộ luật được xây dựng và ban hành với mục đích đảm bảo thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ thì lại được vận dụng - đương nhiên hợp pháp về pháp lý và chỉ có trái ngược về mục đích - để trừng phạt việc không thực thi bình đẳng giới cho đàn ông. Điều thú vị nữa trong vụ việc này là bộ luật đã không còn như trước nữa từ năm 2019 mà vào năm 2020 lại được vận dụng để xử lý chuyện đã xảy ra từ năm 2018.

Khi xây dựng bộ luật này, rõ ràng các nhà lập pháp ở nước Pháp bị chi phối gần như hoàn toàn bởi thực tiễn và đã không để ý gì đến những kịch bản tình huống có thể xảy ra trên lý thuyết. Một khi ai ai cũng cho rằng phụ nữ không được đối xử thật sự bình đẳng trên phương diện đảm trách những cương vị lãnh đạo trong bộ máy công quyền và cần có luật để làm việc thay đổi tình trạng đó, không ai cho rằng nam giới hiện bị đối xử không bình đẳng và cả trong tương lai cũng sẽ không thể có chuyện nam giới bị đối xử không bình đẳng. Nói theo cách khác, suy nghĩ chung của tất cả mọi người xưa nay đều theo hướng bất bình đẳng giới chỉ xảy ra đối với phụ nữ. Cho nên mới xảy ra chuyện luật với hiệu lực ngược.

Mặt khác, thực tiễn ở nước Pháp cho thấy chuyện bổ nhiệm lãnh đạo nữ nhiều hơn ham hay nam nhiều hơn nữa vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng với tỷ lệ hơn 60% dành riêng cho một giới tính thì lại rất ít và trường hợp nói trên ở thủ đô Paris cho tới nay là duy nhất.

Vì thế, mức độ khôi hài của chuyện luật lệ ở đây lại càng tăng thêm. Đành rằng luật lệ phải được thực thi nghiêm chỉnh nhưng trong trường hợp này thì chính vì thực thi luật nghiêm chỉnh lại làm bộc lộ những bất cập ở luật. Bằng chứng rõ nhất là ơ chính tỷ lệ ấn định 60% kia. Nếu bình đẳng thật sự thì mốc giới hạn này phải 50% thì mới thật sự đúng chứ.

Đọc thêm