Luật sư nhận xét về phiên phúc thẩm BS Liêm: “Nhận định, đề nghị của VKS là rất đúng luật, hợp tình”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, mới đây, trong phiên xử BS Lê Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An) bị cáo buộc “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; VKS đã đưa ra 2 lý do để đề nghị hủy án sơ thẩm: Cơ quan tố tụng có vi phạm trong khâu kết luận giám định (KLGĐ), KLGĐ không hợp pháp nên không thể dùng KLGĐ này để buộc tội; Sự việc còn bỏ lọt nhiều đối tượng phạm tội.
BS Liêm cho biết sẽ làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu.
BS Liêm cho biết sẽ làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu.

VKS đưa ra 2 vấn đề phù hợp với căn cứ hủy án quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 358 BLTTHS. Lẽ ra theo luật, cần hủy án sơ thẩm để điều tra lại, nhưng HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM vẫn tuyên “y án” 3 năm tù với BS Liêm.

“Chỉ hủy án mới có thể xem xét khách quan với sự việc”

LS Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho BS Liêm) nhận định: “Với diễn biến phiên tòa như trên, có đủ cơ sở để VKSND Cấp cao tại TP HCM lập báo cáo, đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao ra kháng nghị. Và đủ cơ sở để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy hai bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM”.

“BS Liêm có thể có đơn đề nghị kháng nghị hoặc tự bản thân Viện trưởng VKSND Tối cao ra kháng nghị. Với bản án như thế này, tôi cho rằng Viện trưởng VKSND Tối cao với vai trò giám sát, kiểm sát pháp luật rất tốt trong thời gian vừa qua, sẽ kháng nghị”.

Giải thích thêm về căn cứ hủy án, LS Tiệp nói: “Thứ nhất, các LS nêu rõ các KLGĐ do Sở Tài chính ban hành là không đúng thẩm quyền. Đây là gói thầu xây dựng nên thuộc thẩm quyền giám định tại Sở Xây dựng hoặc Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự như đại diện VKS đã nêu. KLGĐ 4213/KLGĐ-STC ngày 25/9/2020 là kết luận cuối cùng, dùng để buộc tội BS Liêm thực tế chỉ là kết quả báo giá chi phí các thiết bị. Gói thầu được thực hiện rất nhiều chi phí như giá thiết bị, bảo hành, giá nhân công, lợi nhuận cho nhà thầu… Do đó, KLGĐ 4213 chỉ mới là một phần của gói thầu”.

“Thứ hai, tôi đồng ý với quan điểm của VKS cấp phúc thẩm khi cho rằng còn bỏ lọt hàng loạt đối tượng phạm tội trong vụ án như ông Nguyễn Thanh Nguyên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An); ông Trần Nguyên Vũ (Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á - chủ thầu), là nguyên nhân dẫn đến sự việc; ông Võ Tấn Nghĩa (phụ trách thực hiện hồ sơ gói thầu); ông Đinh Phan Chí Linh (Kế toán viên Phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế)...”.

“Trong đầu tư công, mỗi cá nhân, đơn vị được giao một nhiệm vụ, chức năng cụ thể, vừa để thuận lợi, vừa giám sát công việc của nhau theo quy chế và các quyết định phân công, bổ nhiệm. BS Liêm với tư cách là đại diện chủ đầu tư ký phụ lục hợp đồng, thực hiện việc thanh toán. Nhưng hồ sơ, thủ tục ký phụ lục, hồ sơ thanh toán là từ cá nhân khác. Do đó, không thể một mình BS Liêm “phạm tội” mà các cá nhân khác lại “làm đúng”.

“Về mặt nguyên tắc, khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố thì phải hủy án theo Điều 358 BLTTHS 2015. Tại phiên tòa ngày 11/1/2022, BS Liêm không còn kháng cáo kêu oan mà chuyển sang kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm để giải quyết các vấn đề đã nêu ra. Việc cấp phúc thẩm tuyên “bác kháng cáo kêu oan” là trái với nguyên tắc tố tụng, trái với thực tế xét xử, mang tính áp đặt”.

“Với những đồng phạm trong vụ án này, không thể tách riêng ra thành một vụ án được vì khi ấy sẽ không thể xem xét toàn diện vụ án, không thể đánh giá vai trò từng người, mức độ đồng phạm. Nếu tách vụ án là vi phạm tại Điều 170 BLTTHS 2015 về tách nhập vụ án”.

“Chỉ có hủy án mới có thể xem xét toàn diện khách quan với sự việc này. Việc cấp phúc thẩm không hủy án là một sai lầm”, LS Tiệp nói.

Ông Trần Nguyên Vũ làm giả hồ sơ để trúng thầu?

Tại phiên tòa ngày 11/1/2022, BS Liêm còn cho rằng ông Trần Nguyên Vũ đã làm giả hồ sơ để trúng thầu. Theo hồ sơ yêu cầu mời thầu, đơn vị tham gia phải có năng lực, kinh nghiệm là trước đây từng thực hiện công trình có giá trị tối thiểu 70% so với gói thầu đang mời thầu.

Tuy nhiên, Cty của ông Vũ chưa thực hiện hồ sơ nào đạt 70% so với gói thầu, nên đã làm giả một hợp đồng với đơn vị khác để cung cấp vào hồ sơ nhằm được lựa chọn là nhà thầu. Từ hợp đồng giả này mà Cty ông Vũ được chỉ định thầu.

“Ngoài ra, tòa quy kết tôi không điều chỉnh giá khi thay đổi xuất xứ là hoàn toàn không đúng. Ngay khi phát hiện xuất xứ không đúng với hợp đồng, tôi đã yêu cầu ông Vũ cung cấp hồ sơ chứng minh việc thay đổi xuất xứ không làm thay đổi giá. Ông Vũ cung cấp 1 hợp đồng thiết bị giữa Cty mình và Cty Kim Đạt có đóng dấu đầy đủ, với nội dung đúng loại hàng hóa, xuất xứ, model… tương đương với giá trong hợp đồng; 2 bảng báo giá có giá tương đương. Thực chất hợp đồng này là giả, không có giao dịch. Hai bảng báo giá được ông Vũ chỉ đạo làm giả”.

BS Liêm nói: “Ông Vũ đã làm giả 4 tài liệu và được hưởng lợi số tiền chênh lệch là vi phạm vào điều cấm của Luật Đấu thầu. Theo Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 thì hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Tôi cho rằng ông Vũ có dấu hiệu “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức” nhưng không thấy HĐXX phúc thẩm kiến nghị, xử lý. Đáng lý ra, với những tình tiết mà tôi và VKS tranh luận, đã đủ cơ sở để hủy án trả hồ sơ làm rõ có hay không hành vi trái pháp luật của tôi và các cá nhân khác, vai trò từng người như thế nào”.

Đầu năm 2014, Sở Y tế Long An thực hiện gói thầu lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tòa nhà 4 cơ quan. Đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á (trụ sở tại Tân An). Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. Trong gói thầu có 15 camera, 2 đầu ghi kỹ thuật số nhãn hiệu Sony, hợp đồng ghi “xuất xứ Nhật Bản”.

Khi nhà thầu mang thiết bị đến thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, “vênh” từ Nhật Bản sang Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Sau khi được báo cáo, BS Liêm chỉ đạo cho dừng thi công. Sau khi kiểm tra lại thông tin từ Sony, yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ để chứng minh sự thay đổi về xuất xứ, BS Liêm ký phụ lục cho nhà thầu tiếp tục thực hiện và sau đó thanh toán cho nhà thầu.

Gói thầu sau đó bị thanh tra và được chuyển sang Công an Long An để điều tra từ 2016. Đến ngày 11/12/2017, Công an Long An khởi tố vụ án, khởi tố bị can với BS Liêm để điều tra hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mãi đến ngày 19/8/2019, Chủ tịch UBND Long An mới ký Quyết định quyết toán với dự án. Việc thanh toán có sự chênh lệch là 735 triệu đồng nên đã yêu cầu chủ đầu tư thu hồi. Ngay sau đó, nhà thầu đã nộp lại số tiền chênh lệch này theo đúng quyết định quyết toán.

Đọc thêm