Luật tạo ra lệ

(PLVN) - Mới rồi, Liên minh châu Âu (EU) không đạt được sự đồng thuận quan điểm cần thiết trong nội bộ để có thể bắt đầu giải ngân chương trình tài chính trị giá 750 tỷ Euro nhằm giúp các nước thành viên ứng phó dịch bệnh Covid-19 và thông qua kế hoạch ngân sách cho thời gian 7 năm tới.
(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Nguyên nhân là sự phủ quyết của Ba Lan và Hungary. Hai thành viên này phủ quyết mọi thỏa thuận trong nội bộ giữa 27 thành viên EU với nhau vì EU gắn việc giải ngân chương trình tài chính kia (mà Ba Lan và Hungary đều được hưởng lợi từ đấy rất nhiều) với điều kiện 2 thành viên này phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí và điều kiện chung của EU về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền mà EU coi là hệ giá trị chung.

Luật pháp hiện hành chung của EU dành cho các thành viên quyền phủ quyết những quyết sách chung. Sự đồng thuận tuyệt đối trong nội bộ được đề cao là một trong những nguyên tắc hoạt động nổi bật nhất của EU, đó là sự biểu hiện của sự công bằng và tính bình đẳng giữa các thành viên. Bất kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, cũ hay mới - mọi thành viên EU đều bình đẳng như nhau trên phương diện giá trị quyết định của lá phiếu biểu quyết. 

Nếu chỉ như vậy thì luật này rất hay và đúng bởi EU cũng như tất cả các tổ chức hay liên minh, liên kết đa quốc gia trên thế giới đều không thể có được chỉ toàn những thành viên mạnh yếu, to nhỏ đồng đều như nhau trên mọi phương diện. Bình đẳng thật sự về quyền hạn và trách nhiệm giữa các thành viên là sự đảm bảo đắc dụng nhất cho hài hòa và ổn định nội bộ của tổ chức hoặc liên minh.

Nhưng cũng chính cái luật này lại biến EU trở thành “con tin” cho mưu tính lợi ích riêng của thành viên, như Ba Lan và Hungary vừa rồi. Họ dùng quyền phủ quyết để ngăn cản mọi quyết sách lớn của EU, làm cho EU không thể hoạt động bình thường được, thậm chí còn có thể bị tê liệt. Quyền phủ quyết này mở đường cho các thành viên tạo nên cái lệ là ngăn cản EU quyết định chuyện này khi lợi ích ở chuyện khác không được EU đảm bảo, hoặc khi bị EU gây bất lợi ở chuyện khác. 

Thực trạng luật tạo ra lệ để rồi lệ vô hiệu hóa luật như có thể thấy hiện tại trong EU tồn tại ở cả nhiều tổ chức đa quốc gia khác như Tổ chức Thương mại thế giới hay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi hay ASEAN. Đấy là tình trạng khó xử của các tổ chức và thể chế nói trên.

Quyền phủ quyết, tức là nguyên tắc hoạt động đảm bảo sự nhất trí tuyệt đối giữa các thành viên, có thể phát huy tác dụng tích cực ở thời kỳ ban đầu, nhưng rồi dần sẽ cản trở hoạt động và sự phát triển của chúng, nhất là khi trong tổ chức xuất hiện trào lưu ly tâm và ly khai hay tổ chức bị đối tác bên ngoài nào đấy tìm cách can thiệp, can dự và phân rẽ nội bộ để bị suy yếu. 

EU đã từng có thời gian dài thành công với luật về đảm bảo quyền phủ quyết này nhưng càng về sau lại càng bị cản trở và tê liệt bởi chính nó. Cũng vì quyền phủ quyết của thành viên mà WTO mới rồi không bầu ra được tổng giám đốc mới.

Ai cũng biết tình trạng ấy, nhưng khắc phục nó lại là chuyện cho đến thời điểm hiện tại vẫn bất khả thi. Không thể dễ dàng sửa đổi hay thay thế luật. Lại càng khó hơn thế rất nhiều với việc xoá bỏ cái lệ kia. Thông thường trên thực tế đều thấy tình trạng lệ được đáp ứng, để rồi luật không bị bất chấp và lạm dụng nữa, tức là liên minh phải nhượng bộ rất đáng kể cho thành viên để thành viên không phủ quyết nữa. Liên minh phải trả giá đắt để luật được vận dụng theo hướng không gây trở ngại gì cho quyết định chung và hoạt động chung của liên minh.

Đọc thêm