Luật thời thiếu thân thiện

(PLVN) - Mối quan hệ giữa Mỹ, EU, NATO và một số nước thành viên EU và NATO ở châu Âu với Nga hiện ở trong tình trạng có thể được coi là xấu nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh trong nửa cuối của thế kỷ trước. 
Hội nghị trực tuyến Mỹ - EU.

Thực trạng hiện tại trong các mối quan hệ này đặc biệt ở chỗ không bên nào đề cập đến sự trở lại của cuộc chiến tranh lạnh và bên nào cũng quả quyết không muốn lại có chiến tranh lạnh giữa hai bên nhưng cách hành xử của họ trong thực chất lại chẳng khác gì như ở thời chiến tranh lạnh đã qua. Biểu hiện rõ nét nhất là ở việc bên này trục xuất các nhà ngoại giao của bên kia. Mỹ, Ba Lan, Séc, Ucraine, Bulgaria trục xuất các nhà ngoại giao của Nga và Nga trục xuất các nhà ngoại giao của các nước kia với nhiều lý do khác nhau mà không phải tất cả đều phù hợp với các quy định chung của luật pháp quốc tế liên quan.

Thế giới ngoại giao hiện đại bị chế tài bởi Công ước Viên của Liên Hợp quốc về quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia trên thế giới. Trên nền tảng là Công ước này, các nước trên thế giới thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, trong đó có quy định cụ thể bên này được cử bao nhiêu nhân viên ngoại giao, bao nhiêu nhân viên kỹ thuật đến nước bên kia và được sử dụng bao nhiêu nhân công là người của nước bên kia. Theo luật này, việc trục xuất các nhà ngoại giao hay nhân viên kỹ thuật phải được lập luận với bằng chứng về việc những người kia vi phạm Công ước nói trên của Liên Hợp quốc. 

Luật quy định như thế nhưng một khi mối quan hệ không được thân thiện thì luật nhường quyền quyết định cho chính trị. Ba Lan trục xuất các nhà ngoại giao Nga để tranh thủ Mỹ khi Mỹ trục xuất 10 nhà ngoại giao của Nga. Slovakia giống như Ba Lan đã trục xuất 3 nhà ngoại giao của Nga chỉ để thể hiện tình đoàn kết với Séc chứ không hề có vướng mắc ngoại giao gì với Nga.

Giữa Séc và Nga hiện có cuộc chiến thực thụ trên phương diện này. Đầu tiên, Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga và Nga đáp trả bằng việc trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc và không cho phép đại sứ quán Séc ở Nga tiếp tục sử dụng nhân công lao động là người Nga nữa. 

Phía Séc ra hẳn tối hậu thư đòi Nga rút lại quyết định này và khi Nga không đáp ứng yêu cầu đã quyết định trục xuất gần 70 nhà ngoại giao Nga để bên này có cùng số nhân viên như bên kia. Nếu không có sự thỏa thuận song phương với nhau thì bên này không thể có nhiều nhân viên ngoại giao và kỹ thuật hơn bên kia.

Vì thế, việc phía Séc bây giờ đưa ra tối hậu thư và muốn số lượng nhân viên ở hai phía như nhau chắc chắn không đúng với tinh thần và lời văn của thoả thuận. Một khi quan hệ giữa hai bên không còn thân thiện và ổn thỏa thì ngay đến cả luật pháp quốc tế hiện thân trong các Công ước liên quan của Liên Hợp quốc về quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia trên thế giới không còn là nền tảng, cơ sở và khuôn khổ cũng như tiêu chí cho hành động của hai bên liên quan. 

Luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ quốc tế. Vì thế, việc luật pháp quốc tế bất cứ khi nào cũng có thể bị làm cho biến thành quả bóng trong cuộc chơi của chính trị thế giới cho thấy quan hệ quốc tế dễ bị tổn thương, ảnh hưởng và thậm chí cả bị đổ vỡ nữa như thế nào. Khác so với luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế trong thế giới ngoại giao, trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế chỉ có thể có được hiệu lực ở mức độ các bên liên quan tuân thủ nó. 

Khi thời thiếu thân thiện qua đi hoặc khi các bên liên quan đi vào thoả hiệp với nhau thì hậu quả và hệ luỵ của chuyện trục xuất ngoại giao này sẽ nhanh chóng được khắc phục nhưng uy lực của luật pháp quốc tế không bao giờ được khôi phục hoàn toàn như vết thương được chữa khỏi vẫn để lại sẹo.

Đọc thêm