Trong những ngày này, nhiều nước châu Âu lại bị đắm chìm trong làn sóng dịch bệnh mới, kể cả quốc gia lớn lẫn đất nước nhỏ đều trong tình trạng số lượng ca bệnh mới rất cao và tăng nhanh, số người tử vong vì dịch bệnh cũng vậy và nguy cơ bệnh viện bị quá tải trở nên càng ngày càng thêm thực tế. Chính quyền ở các nơi trên châu lục lại buộc phải áp dụng trở lại nhiều biện pháp ứng phó đã từng được áp dụng trong những lần ứng phó làn sóng dịch bệnh trước đấy.
Sự khác biệt lớn so với những làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trước đấy nằm ở chỗ bộ phận lớn dân chúng đã được tiêm vaccine (vắc-xin) phòng ngừa dịch bệnh và việc áp dụng trở lại những biện pháp ứng phó như cách ly xã hội, giãn cách xã hội hoặc buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu... không dễ dàng như trước đấy.
Chính vì thế mà cả châu lục hiện tại sôi động cuộc tranh luận đầy bất đồng quan điểm về luật pháp chung của đất nước hiện thân trong các biện pháp chính sách của chính quyền và quyền riêng của người dân.
Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi liệu luật pháp thể có bắt buộc người dân phải tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh hay không khi có không ít người dân không tự giác tiêm vaccine. Trên châu lục này, ở nhiều nơi làn sóng dịch bệnh bị coi là làn sóng của những người không chịu tiêm vaccine, hàm ý vì những người này mà mới bùng phát làn sóng mới về lây lan dịch bênh.
Nhận thức phổ biến chung trên châu lục là làn sóng dịch bệnh mới sẽ không dữ dội đến như vậy nếu tất cả mọi người chấp nhận tiêm vaccine. Cho nên luật pháp phải nghiêm khắc với diện người không chịu tiêm vaccine và thậm chí phải sử dụng đến cả công cụ phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày và trong xã hội để bảo vệ sức khỏe cho diện người chịu tiêm vaccine, đồng thời buộc những người không chịu tiêm vaccine phải thay đổi và thích ứng. Vấn đề đặt ra ở đây là có được dùng luật pháp để thực thi phân biệt đối xử kia hay không.
Những người không chịu tiêm vaccine viện dẫn các quyền tự do cá nhân của họ, thậm chí còn viện dẫn cả quyền được pháp luật bảo hộ về bất khả xâm phạm thân thể, tôn trọng nhân phẩm và quyền tự quyết. Cho nên như thế không tránh khỏi hình thành sự xung khắc giữa các loại luật, cũng như giữa quyền của công dân được pháp luật bảo hộ với trách nhiệm của công dân đối với xã hội ghi rõ trong luật. Ở thời dịch bệnh như hiện tại, sự xung khắc này bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết.
Các nước châu Âu cho đến nay chưa tìm ra được cách thức và ý tưởng giải pháp khắc phục cuộc xung khắc này. Xem ra, giải pháp ổn thỏa lâu bền chỉ có thể đến với các bên liên quan khi tất cả đều phải thay đổi nhận thức về luật và quyền, cũng như về cách tiếp cận giải pháp. Luật pháp phải nghiêm minh và cụ thể, hạn chế thường xuyên thay đổi nhưng vẫn phải sẵn sàng thay đổi để thích ứng hoá với bối cảnh tình hình mới và diễn biến mới.
Ở thời dịch bệnh hiện tại, luật pháp ở nhiều nơi trên châu lục đang thiên về xu thế chấp nhận và thực thi phân biệt đối xử để đối phó dịch bệnh. Người dân phải tự hài hòa quyền với trách nhiệm, quyền cá nhân được luật pháp bảo hộ với trách nhiệm về pháp lý và đạo lý trước xã hội và cộng đồng, giữa quyền của cá thể với lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.
Thời dịch bệnh là thời đặc biệt, với dịch bệnh hiện tại lại càng đặc biệt bởi nó lây lan rất nhanh chóng và con người cùng với cả xã hội luôn bị đe doạ về sức khoẻ và sinh mệnh. Vì thế, cả con người lẫn luật pháp đều vừa phải chấp nhận những thay đổi xưa nay chưa từng nghĩ đến hoặc bị nhìn nhận là điều cấm kỵ vừa phải chủ động và kịp thời tiến hành nhừng thay đổi hay điều chỉnh cần thiết ấy.