Lương bình quân 5,5 triệu đồng/tháng
Chiều qua (19/1), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã họp báo công bố tiền lương năm 2015 và thưởng tết Nguyên đán 2016. Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương cho hay, năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và đạt tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ổn định và thuận lợi hơn năm 2014. Năng suất LĐ theo giá hiện hành ước đạt 79,3 triệu đồng/LĐ (tương đương khoảng 3.657 USD/LĐ).
Do năm qua tình hình kinh doanh, sản xuất thuận lợi nên đa số các DN có điều kiện quan tâm và chăm lo cho NLĐ. Số liệu điều tra và thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tiền lương của các DN năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014; bình quân ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 8% so với năm 2014). Trong đó, DN 100% vốn nhà nước ước đạt 7,04 triệu đồng/người/tháng; DN tư nhân ước đạt 4,99 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi ngành nghề trong các lĩnh vực khác nhau có mức lương trung bình khác nhau; lĩnh vực thương mại, dịch vụ ước đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng; nông, lâm, ngư nghiệp 4,45 triệu đồng/người/tháng; công nghiệp, xây dựng 5,34 triệu đồng/người/tháng.
Một số ngành như cao su, dầu khí… có năng suất LĐ tăng nhưng do ảnh hưởng giá cả thị trường thế giới nên doanh thu sụt mạnh, tiền lương cho công nhân cũng giảm theo. Ngành cao su giảm lương khoảng 4-5%, ngành dầu khí giảm từ 3-5% so với năm 2014.
Thưởng Tết doanh nghiệp FDI chênh lệch lớn
Trong số 13.178 DN (với 2,4 triệu LĐ) báo cáo lên Bộ LĐTB&XH, có 72% DN báo cáo có thưởng tết Dương lịch 2016, với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người (tăng 1,6% so với tết Dương lịch 2015). Người có mức thưởng cao nhất là 2 tỷ 028 triệu đồng/người (DN FDI ở TP HCM). Người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người (DN FDI ở Thái Bình).
Về thưởng tết Nguyên đán Bính Thân 2016, có 87% DN báo cáo Bộ LĐTB&XH sẽ thưởng LĐ bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng khoảng 15,7% so với thưởng tết Nguyên đán 2015). Người có mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất là 624 triệu đồng (DN FDI ở Hải Dương); mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng (DN FDI ở Bình Phước).
Tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng (cả hai đều ở DN FDI). Mức thưởng cao nhất ở TP HCM thuộc khối DN dân doanh là 600 triệu đồng.
Theo Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương, mức thưởng cao nhất và thấp nhất cả nước đều ở DN FDI, điều đó chứng tỏ DN ở khu vực này có mức độ chênh lệch lớn về lợi nhuận và quy mô kinh tế. Cũng theo vị đại diện Vụ này, trong số hơn 13.000 DN báo cáo đến ngày 31/12/2015, có 14 DN ( 8 tỉnh, thành phố) nợ khoảng 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 LĐ; hơn 1.700 DN (khoảng 13% số DN báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng tết hoặc không có thưởng tết cho NLĐ.
Bộ LĐTB&XH cho biết, các số liệu thưởng tết trên có tính tương đối, chỉ phác họa bức tranh tổng thể về thưởng tết do nhiều DN chưa có báo cáo, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. “Ở các tỉnh và thành phố nhỏ thì con số thống kê về thưởng tết là khá chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, ở Hà Nội và TP HCM thì chưa nói lên hết tổng thể”, Vụ trưởng Minh nói.
Liên quan đến món thưởng tết lớn nhất năm nay thuộc một DN FDI ở Hải Dương, nhiều người liên tưởng ngay đến Công ty TNHH Ford Việt Nam. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PLVN về đơn vị thưởng cao nhất này, đại diện Bộ LĐTB&XH không công bố thông tin với lí do có thể ảnh hưởng đến DN.
Đối tượng chính sách được nhận quà tết từ 200 – 400 ngàn đồng
Về việc tặng quà các cho đối tượng chính sách có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 28/QĐ-CTN. Theo đó, mức tặng quà cho các đối tượng chính sách dao động từ 200 đến 400 nghìn đồng.