Lưu chứa, tiêu hủy thuốc BVTB nhập lậu: Trung ương “nóng lòng”, địa phương thờ ơ

(PLO) - Trong khi tình trạng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập lậu vào nước ta gia tăng đáng lo ngại thì vấn đề đang làm đau đầu cơ quan chức năng lại không hẳn là chuyện chống buôn lậu mà là việc xử lý tang vật vi phạm…
90% thuốc BVTV nhập về là từ Trung Quốc
“Miếng mồi ngon” cho buôn lậu
Với 7,2 triệu héc-ta lúa cùng hàng triệu héc-ta cây hoa màu khác, hàng năm nước ta phải sử dụng một lượng  lớn với nhu cầu nhập và sử dụng từ 70.000 đến 100.000 tấn thuốc BVTV thành phẩm. Thế nhưng, nghịch lý là có tới trên 90% thuốc BVTV chúng ta phải nhập khẩu. 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, nếu năm 2005 nước ta mới nhập khoảng 20.000 tấn thuốc BVTV thì đến năm 2012 đã nhập tới 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD và năm 2013 nhập tới 112.000 tấn, kim ngạch 778 triệu USD. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam cũng đã tiêu tốn tới 506 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2013. Vì thế, nhìn vào con số 161.666 gói/chai thuốc BVTV đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy tình trạng nhập lậu thuốc BVTV vào nước ta vẫn là “miếng mồi ngon” cho giới buôn lậu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thuốc BVTV nhập lậu phần lớn là thuốc giả (giả nhãn mác, bao bì… của thuốc được đăng ký sử dụng tại Việt Nam), phần còn lại không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, lại thường là loại có độ độc cao, thậm chí nhiều loại đã bị cấm sử dụng do gây mất an toàn cho người sử dụng, môi trường và sản phẩm cây trồng. 
Cũng theo Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng nhập lậu thuốc BVTV vẫn diễn biến phức tạp do đây là các mặt hàng có giá rẻ, tác dụng nhanh nên vẫn không ít người tìm cách mua bán, sử dụng. Mặt khác, mạng lưới cung cấp thuốc BVTV được phép sử dụng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa cũng như công tác quản lí, nhất là ở các tỉnh biên giới còn hạn chế… Đối với thuốc BVTV nhập lậu là thuốc giả, thủ đoạn vi phạm còn tinh vi hơn, đó là các “đầu nậu” đặt làm giả thuốc BVTV từ nước ngoài, sau đó cũng thuê lao động mang vác qua đường mòn, lối mở đưa vào nội địa tiêu thụ.
Địa phương phải “xắn tay”
Tuy nhiên, có một nghịch lý hiện nay là khi lực lượng chức năng bắt giữ được thuốc BVTV rởm, độc hại nhưng các Chi cục BVTV tại các địa phương lại lúng túng khi xử lý vì thiếu nơi lưu giữ loại tang vật “nhạy cảm” này. 
Tại cuộc họp mới đây về tình hình nhập lậu, kinh doanh phân bón và thuốc BVTV giả, kém chất lượng, đại diện Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) thừa nhận họ “vấp” phải không ít khó khăn khi xử lý loại hàng hóa này. Dù Cục muốn đẩy mạnh số lượng kho lưu trữ đặc thù tại các địa phương nhưng hầu hết các địa phương lại không mặn mà, nhất là các tỉnh miền Bắc. 
Để giải quyết tình trạng thiếu kho bãi trước mắt, trong khi chờ Bộ NN&PTNT soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây kho lưu trữ thuốc BVTV thì ngày 23/9/2014, Bộ này đã đi trước một bước khi chủ động phát văn bản tới các tỉnh, thành trong cả nước hô hào cùng xử lý vấn đề nan giải này. 
“Theo phản ánh của các đơn vị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, khó khăn chính hiện nay là khi thu giữ thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả, thuốc BVTV ngoài danh mục tại các địa phương là không có đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận thuốc lưu chứa và tiêu hủy. Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung”- Công văn số 7625 do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ký gửi tới UBND các tỉnh, thành.  
Ngoài việc kêu gọi tăng cường chống buôn lậu thuốc BVTV, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất UBND các tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục BVTV có phương án bố trí kho lưu chứa và tiếp nhận các loại thuốc BVTV nhập lậu, giả, ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, thuốc BVTV kém chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ trong quá trình thanh, kiểm tra trên thị trường (kể cả thuốc vô chủ), đồng thời xây dựng kế hoạch để xử lý, tiêu hủy theo quy định. 
Cả nước hiện có khoảng 103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, song chủ yếu là nhập nguyên liệu và thành phẩm từ nước ngoài về rồi sang chai, đóng gói. Tại Việt Nam, chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) tự sản xuất hoạt chất thì một DN thuộc Tập đoàn Bayer (Đức), một DN liên doanh với Hàn Quốc. Thuốc BVTV hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nguồn khác, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 90%. 

Đọc thêm