Lý giải 'ma thuật' cuốn sách ru ngủ đang 'phát sốt' trên thị trường

(PLO) - Chắc chắn không phải sự nhàm chán của nội dung mà những “ma thuật” đã được cài cắm trong từng từ ngữ, cách sử dụng tiết tấu của ngữ âm… đã khiến “Chú thỏ muốn đi ngủ” thực sự là một “bài hát ru” với trẻ em khó ngủ.
Lý giải 'ma thuật' cuốn sách ru ngủ đang 'phát sốt' trên thị trường
Cuốn sách này của tác giả Carl-Johan Forssen Ehrlin - chuyên gia tâm lý hành vi và nhà ngôn ngữ học Thụy Điển. Tác giả đã có sáu năm nghiên cứu về tâm lý học và dạy các khóa học về giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể tại Đại học Jönköping (Thụy Điển).
Trước khi được Thái Hà Book mua bản quyền dịch sang Tiếng Việt, cuốn sách đã “làm mưa làm gió” ở 6 nước –nơi nó được chuyển ngữ, và luôn trong tình trạng cháy hàng trên amazon.
Cuốn sách có 26 trang với nhân vật chính là chú thỏ Roger cố gắng chìm vào giấc ngủ cùng với sự giúp đỡ của mẹ, cùng với các nhân vật Cúa Mắt Díp, Bác Thỏ Ngáp Ngủ, ông ốc Sên Buồn Ngủ ....
 
Cuốn sách mở đầu như sau: "Ngày xửa ngày xưa có một chú thỏ có tên là Roger. Chú rất muốn đi ngủ nhưng không thể ngủ được. Chú thỏ Roger cũng bằng tuổi của... (tên em bé - bố mẹ sẽ tự thêm). Chú thỏ thích thức khuya và chơi đùa hơn là đi ngủ. Tất cả những anh chị em thỏ khác đều dễ dàng chìm vào giấc ngủ mỗi tối khi mẹ thỏ cho các bạn đi ngủ nhưng Roger thì không. Roger chỉ thích nằm xuống và nghĩ về những điều mình thích làm thay vì đi ngủ"...
“Ma thuật” của cuốn sách ở chỗ tên tuổi của em bé được “cài cắm” vào nội dung cuốn sách, khiến các bé thấy mình hoà nhập hơn với nội dung cốt chuyện. 
Không những thế, các nhân vật thường xuyên đưa ra lời khuyên cho chú thỏ như: “nghĩ thật chậm, thở thật chậm, bình tĩnh, thả lỏng cơ thể giống như một chiếc lá đang rơi từ từ, chầm chậm...”. hay "con hãy để bản thân tự chìm vào giấc ngủ thôi nào", "Giờ thì cháy sẽ thấy hai mắt đều trở nên nựng trĩu.... bạn ấy gần như là đã chìm vào giấc ngủ rồi (ngáp). Thật thả lỏng, thư giãn, và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ...."
Nhiều thuật ngữ liên quan về giấc ngủ được lặp đi lặp lại trong câu chuyện khơi gợi khiến người nghe  cảm thấy… rất muốn ngủ: 
“Cú Díu mắt bảo Thỏ Roger: "Tớ thấy cậu đang mệt và các cậu sắp buồn ngủ rồi". Roger rất mệt và lừ đừ gật đầu, nói "Đúng", rồi cảm thấy điều Mắt Díp mắt nói thật đúng, "Tôi đang buồn ngủ quá đây", nó nghĩ. "Chúc ngủ ngon", Cú Mắt Díp thông thái nói. "Bây giờ, nhắm mắt lại và ngáp thật dài rồi ngủ thôi"... Bạn có cảm thấy mắt mình đang díu lại không?"... 
 
Các con vật sử dụng trong sách đều là những loài vật đều rất gần gũi như thỏ, ốc sên, chim cú, giúp bé thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, tên gọi của chúng đều là những cái tên đọc lên sẽ thấy rất buồn ngủ.
Các chữ cái in nghiêng được hướng dẫn là cần đọc chậm và nhấn mạnh ví dụ như từ "ngủ" được in nghiêng khá nhiều. Thực chất đây là một kỹ thuật thôi miên cơ bản, nhấn mạnh từ nào đó sẽ giúp trẻ tập trung vào nó hơn và nghĩ đến việc đi ngủ, ngoài ra việc đọc chậm giống như một loại thuốc an thần khiến trẻ rơi vào giấc ngủ dễ hơn.
Trong truyện sẽ có những lúc yêu cầu phụ huynh phải ngáp, đây là chi tiết quan trọng vì lúc đó trẻ bắt đầu có xu hướng bắt chước theo hành động của bố mẹ và ngáp theo. Từ đó, dần dần trẻ sẽ trở nên buồn ngủ và thiếp đi lúc nào không biết.
"Thực tế, cuốn sách này hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học tâm lý và không có bất kỳ yếu tố khó hiểu nào ở đây cả." - tác giả chia sẻ.
“Chú Thỏ Muốn Đi Ngủ” hiện đang có mặt trên các bảng xếp hạng “Sách bán chạy nhất” . Nhiều bậc phụ huynh đã thực sự coi cuốn sách như một bảo bối “trị” chứng thức khuya của trẻ nhỏ.
Chị Vân ở Cầu giấy - mẹ của hai đứa con nhỏ hiếu động, rất khó ngủ kể lại: "Lần đầu tiên đọc một cuốn truyện mỏng dính, chữ to của trẻ con mà hai đêm chưa xong. Quá bái phục “ma thuật” ru ngủ của tác giả!!!!!
Nào thì bác thỏ Ngáp ngủ, cô cú Mắt Díp, ông sên Buồn Ngủ.… lại còn vừa đọc, vừa phải ngáp ngủ nữa chớ. Đêm thứ nhất, đọc chưa được 1 nửa cuốn sách thì con đã ngủ, mẹ cố đọc thêm trang nữa cho con thật sâu giấc rồi cũng ngủ luôn. Đêm thứ 2, chưa đọc được 5 trang thì cả mẹ cả con đều ngủ lăn quay rồi."
Tác giả của cuốn sách không phải là một nhà văn, mà  là nhà tâm lí học hành vi và ngôn ngữ người Thụy Điển Carl-Johan Forssen Ehrlin. Chính vì thế, ông rất biết cách để đưa vào câu chuyện những ngôn từ có tính chất dụ dẫn người nghe đi vào giấc ngủ, giúp các bé thư giãn, tập trung và say ngủ cùng nhân vật chính lúc nào không hay.
 
Tác giả cho biết, bằng việc kết hợp hoàn hảo giữa cấu trúc câu và các từ ngữ gây buồn ngủ mà ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo đứa trẻ sau khi nghe hoặc đọc hết câu chuyện này đều buồn ngủ.
Tuy nhiên, cuốn sách thực sự phát huy tác dụng đối với trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 9. Bởi với độ tuổi này, các bé đủ lớn để hiểu những câu chuyện, đồng thời còn đủ “ngây thơ” để hoà nhập vào thế giới của thỏ Roger, bác thỏ Ngáp ngủ, của cú Mắt Díp, của ông sên Buồn Ngủ. 
 
Với mô típ như thế, thật không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách này được coi là cuốn sách “thôi miên” mọi đứa trẻ trước giờ đi ngủ. Trên trang Amazon, cuốn sách này còn được các mẹ miêu tả là "thần dược" giúp các bé thư giãn và chìm vào giấc ngủ./.

Đọc thêm