Đẫm nước mắt duyên phận hẩm hiu
Lá thư đẫm nước mắt của người mẹ trẻ gửi từ TP.Đà Nẵng gửi đến báo Câu chuyện Pháp luật khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, thương cảm. Cách đây 5 năm, cô gái Phan Thị Loan rời vùng quê heo hút ở tỉnh Đắk Nông ra học chuyên ngành về du lịch tại một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng. Sau 3 năm vừa học vừa làm vất vả mới có được tấm bằng tốt nghiệp nhưng ra trường chị lại không thể xin được việc làm ở quê nên đành lộn lại thành phố kiếm công việc “lấy ngắn nuôi dài”. Hơn 1 năm bươn chải với đủ thứ nghề vẫn không kiếm được việc làm, cuối cùng Loan chọn giải pháp việc nào dễ làm trước bằng việc chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai người thành phố từ lâu theo đuổi mình. Đó là anh Phương - chủ một doanh nghiệp tư nhân hơn Loan 8 tuổi, chồng chị hiện nay.
Lấy chồng xong thì Loan mang bầu nên tạm gác câu chuyện xin việc để ở nhà nội trợ, nuôi con. Chồng Loan mang tiếng là chủ doanh nghiệp nhưng thời buổi khó khăn, việc kiếm tiền cũng không dễ dàng gì nên anh rất chặt chẽ trong chi tiêu mới đủ lo cáng đáng gia đình. Anh luôn nhắc vợ tiết kiệm vì “buôn thuyền buôn bè không bằng dè miệng”. Loan biết vậy nên cũng hết sức hạn chế chi tiêu, ấy vậy mà vẫn không vừa lòng chồng. Anh Phương luôn tỏ thái độ mệt mỏi, nặng nề khi phải nuôi cả gia đình và luôn để mắt nhắc nhở, xét nét Loan. Anh là như thể mẹ con Loan là gánh nặng khiến anh phải vất vả cực nhọc. Vậy nên mang tiếng là “bà chủ” của một dinh cơ nhưng thực chất Loan chẳng khác gì người ở không công, lúc nào cũng chịu áp lực nặng nề làm sao để vừa lòng chồng.
Bất hạnh ập xuống vào cái ngày con gái Loan vừa tròn 2 tuổi, chồng Loan đi công chuyện và gặp tai nạn ở mãi TP.Hồ Chí Minh. Khi chị nhận tin thì cuộc phẫu thuật đã xong, anh Phương bị chấn thương vùng đùi, gãy xương đùi bên trái. Chị cũng tưởng vết thương chỉ phải bó bột, tháo bột là lành, ai ngờ để hậu quả tai hại. Suốt thời gian tiến hành phẫu thuật và kiêng cữ, anh Phương đã phát hiện ra “bản lĩnh đàn ông” của mình “có vấn đề”. Tuy nhiên phần vì chủ quan và tự ti nên anh giấu giếm, đến khi đi khám thì diễn biến đã rất xấu. Bác sĩ nói rằng vụ tai nạn đã khiến anh bị chấn thương vùng kín nhưng do anh Phương chủ quan hoặc cố tình giấu bệnh để rồi dẫn đến biến chứng tai hại. Lại phải mất nhiều tháng điều trị, dù hết sức kiên trì nhưng anh vĩnh viễn không thể có phong độ như xưa.
Chị thì tuyệt nhiên không dám “đòi hỏi” ở chồng, chưa kể từ ngày gặp tai nạn, anh càng trở nên cáu bẳn và khó tính, gần đây anh còn sinh thêm tật ghen tuông vô cớ khiến chị luôn nem nép vì sợ hãi. Đến khi anh nói “toạc móng heo” mọi chuyện, chị mới bàng hoàng, đau khổ và hoảng sợ nữa. Chị biết tính ghen tuông của anh cũng có thể do căn bệnh sinh lý mà ra. Nỗi ức chế khiến anh nghĩ ra nhiều chiêu trò quái đản rồi bắt vợ “phục vụ” dù bản thân anh chẳng còn “làm ăn” gì được nữa.
Ly hôn, chồng đòi hoàn trả tiền ăn ở
Cực chẳng đã, chị Loan đặt vấn đề ly hôn thì anh không chịu, chì chiết rằng anh nuôi cho chị “ăn trắng mặc trơn”, giờ anh sức cùng lực kiệt rồi thì chị phản bội chồng. Có những lúc nhìn anh đau khổ, tâm trạng bị kích động, bị tổn thương chị lại sợ hãi và không dám nói, sợ chồng nổi khùng làm điều tàn nhẫn với vợ con. Tuy vậy, cũng có khi anh bình tĩnh, tỉnh táo nói rằng nếu ly hôn chị sẽ phải ra đi tay trắng, chị không có công ăn việc làm, không nhà cửa ở thành phố này đương nhiên không bao giờ có thể giành được quyền nuôi con. Anh còn đưa ra yêu sách bắt chị phải thanh toán số tiền chị đã “ăn bám” chồng suốt 4 năm qua kể từ ngày lấy nhau, tính sơ sơ chị cũng phải “bồi thường” cho anh hàng trăm triệu đồng. Chị cũng thấy lo lo, những điều anh nói ra đều có phần sự thật. Vì thực tế từ khi bước chân về nhà chồng, chị chỉ ở nhà “ăn bám” chồng như anh nói chứ không làm gì ra của caỉ vật chất... Chẳng lẽ khi ly hôn, chị không những không được chia của cải mà còn phải thành toán hoàn trả cho chồng chi phí ăn ở, sinh hoạt hay sao?
Chị Loan đã bí mật lên mạng tìm hiểu về pháp luật và cay đắng khi được biết người không có công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định và không có khả năng tài chính như mình thì việc giành quyền nuôi con sau ly hôn là điều gần như không tưởng. Ý nghĩ ấy, cộng với việc thương đứa con còn quá bé, không nỡ để con xa rời vòng tay mẹ khiến chị gần như buông xuôi cam chịu. Hoặc chí ít chị cố chịu đựng thêm một thời gian nữa, khi con đã cứng cáp thì chị sẽ tính đến chuyện ly hôn. Tuy nhiên càng ngày cuộc sống hôn nhân của chị càng trở nên tăm tối và bi đát... Chị không biết phải làm sao bây giờ?
Luật sư Đỗ Thuý Phượng (Văn phòng Luật sư Anh Vũ, Hà Nội) tư vấn:
Đọc tâm sự của chị Loan, Luật sư hiểu rằng chị đang giằng xé vì thương con, vì một phần vì vấn vương với chồng vì dù sao cũng “một ngày là nghĩa”. Tuy nhiên, không phải chỉ những người mẹ quẩn quanh xó cửa ôm con mới là thể hiện tình thương con.
Như chị tâm sự thì mâu thuẫn tình cảm vợ chồng đã rất trầm trọng nên ly hôn đôi khi lại là giải pháp tốt cho cả hai người. Tuy nhiên vấn đề ở đây là chồng chị không đồng ý ly hôn và đưa ra quá nhiều yêu sách để “bắt chẹt” chị. Pháp luật chỉ quy định vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng và tạo điều kiện cho nhau phát triển chứ không có quy định nào về việc vợ phải trả tiền ăn ở, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí trong thời gian mang thai, ở nhà nuôi con chung cho chồng. Những đòi hỏi vô lối của anh ta không chỉ hiện rõ bản chất con người anh ta và thể hiện anh ta không hề yêu thương, tôn trọng chị.
Anh ta không đồng ý ly hôn nhưng điều đó không có nghĩa là chị sẽ không được phép xin ly hôn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thậm chí ngay cả khi chị cam chịu, không yêu cầu nhưng cha mẹ, anh em ruột của chị phát hiện yếu tố chị bị chồng ăn hiếp, bạo hành họ cũng có quyền được yêu cầu Toà án “giải thoát” cho chị. Nếu đã xác định tình cảm vợ chồng không thể cải thiện được, thì chị hãy tỉnh táo và cứng rắn quyết định ngay để tìm cho mình chân trời mới, đừng chần chừ. Luật sư nghĩ rằng việc chị cần làm ngay là phải tự tìm một công việc cho mình, thoát khỏi kiếp sống phụ thuộc, tù túng hiện tại. Đó cũng là giải pháp chị tạo dựng cho mình cơ sở vững chắc để giành được quyền nuôi con.
Nếu chị đã quyết định việc ly hôn thì cũng nên tỉnh táo yêu cầu giải quyết dứt điểm luôn vấn đề tài sản. Mặc dù trong suốt thời kỳ hôn nhân chị chỉ ở nhà làm nội trợ, không làm ra của cải tiền bạc nhưng điều đó không có nghĩa ly hôn là phải ra đi tay trắng. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khi ly hôn chị vẫn được quyền hưởng phần tài sản do chồng chị làm ra. Mình được quyền nhận những gì pháp luật cho phép, đừng vì sĩ diện hoặc nể nang mà chấp nhận thiệt thòi. Chúc chị thận trọng và mạnh mẽ để có một quyết định đúng đắn!